Điều trị u máu ở trẻ em

20/10/2014 05:15 GMT+7

U máu thường gặp ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng về thẩm mỹ và có thể gây phiền toái trong trường hợp chảy máu, loét.

 Điều trị u máu ở trẻ em
Một trường hợp u máu phát triển nhanh, cần được can thiệp sớm - Ảnh: Thúy Nga
 

Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng phương pháp mới điều trị thành công cho trẻ bị u máu tiến triển nhanh. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức: “U máu là một trong những loại u hay gặp nhất ở trẻ em với tỷ lệ 1,5 - 3% trẻ sơ sinh. Thường là lành tính, u máu xuất hiện trong vài tuần đầu sau sinh và phát triển nhanh trong một năm đầu tiên. U máu thường xuất hiện ở các vị trí trên cơ thể nhưng thường gặp ở vùng cổ và mặt, dễ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của trẻ”. Vừa qua, tại khoa này đã áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc theo liều chuẩn, phù hợp với cân nặng trong điều trị các trường hợp bị u máu lớn, phức tạp đã đem lại kết quả khả quan.

Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt đã tiếp nhận điều trị bé trai 4 tháng tuổi. Gia đình cho biết trên má phải của bé xuất hiện vài chấm đỏ khi sinh, sau đó phát triển nhanh thành đám đỏ tươi, sưng nề má và vùng trước, sau tai phải. Bé nhập viện, điều trị có hiệu quả ngay sau 2 ngày nằm viện, vùng má và phía trước tai bớt sưng nề. Sau 3 tháng điều trị, màu sắc da trên u đã nhạt nhiều, khối u giảm kích thước, mặt bên phải của bé về gần như bên lành - các bác sĩ cho biết.

Một trường hợp khác là bé gái 2 tháng tuổi đến bệnh viện với khối u vùng thái dương trái lan đến mi trên. Bé được theo dõi trong một tháng, thấy khối u tiếp tục to nhanh chiếm toàn bộ mi trên khiến bé khó mở mắt, do đó bé được nhập viện điều trị. Khối u tiếp tục thoái triển gần như hoàn toàn sau 6 tháng điều trị, được ngưng thuốc. Sau một năm theo dõi không có hiện tượng khối u tái phát. Một trường hợp khác là bé gái trong cặp song sinh. Khi được 2 tháng tuổi, bé bị sưng to vùng thái dương trái, không có chấn thương trong khi người chị song sinh bình thường. Khối u tăng nhanh, bé được chẩn đoán là u máu và được điều trị nội khoa. Sau khi dùng thuốc 2 ngày, khối u đã cải thiện rõ rệt và xẹp gần như hoàn toàn sau 2 tháng điều trị.

Theo TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt, phần lớn (80 - 90%) u máu ở trẻ nhỏ thoái triển dần theo thời gian, đến khoảng 8 - 9 tuổi u máu sẽ thoái triển thành các tổ chức xơ mỡ. Tuy nhiên, với trường hợp u máu phát triển nhanh thì cần được điều trị. Lâu nay, việc điều trị u máu ở trẻ nhỏ thường là tiêm thuốc để khống chế sự phát triển của khối u. Với các phương pháp áp dụng lâu nay, trẻ thường phải được tiêm lâu dài, rất vất vả và tốn kém mà hiệu quả thấp, có trường hợp phải tiêm thuốc cả chục năm.

Bác sĩ lưu ý, cần chẩn đoán chính xác u máu phân biệt với bệnh lý khác (chẳng hạn như dị dạng mạch máu) để được điều trị đúng. Trước điều trị, trẻ cần được theo dõi để biết được tính chất của khối u. Nếu khối u phát triển nhanh nguy cơ chảy máu, ảnh hưởng chức năng sẽ điều trị bằng uống thuốc. Thuốc uống dành cho trẻ được chỉ định nghiêm ngặt theo cân nặng, thể trạng. “Các trường hợp trẻ đã điều trị hiệu quả bằng thuốc uống chưa có ca tái phát, trẻ phát triển bình thường”, TS Hà cho biết.

Nam Sơn 

>> Khối u máu ở trẻ nhỏ
>> Cắt khối u máu 5,8 kg cho một bệnh nhi
>> Mổ lấy khối u xơ tử cung nặng 1,5 kg
>> Nhầm khối u khổng lồ là… thai 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.