Đào tạo khán giả cho nghệ thuật

20/10/2014 05:15 GMT+7

'Nếu như ở VN đã có những nghệ sĩ tham gia được các triển lãm , chương trình ở nước ngoài thì phần đông công chúng trong nước lại chưa thể hiểu họ', giám tuyển Nguyễn Như Huy nói.

 Đào tạo khán giả cho nghệ thuật
Một tác phẩm sắp đặt trong triển lãm mừng Cuca 2 tuổi - Ảnh: Thúy Nguyễn

Đã quá lâu kể từ ngày nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà biểu diễn tác phẩm nghệ thuật của mình tại Nhà sàn Đức (Hà Nội). Trong buổi diễn đó, cô đã trút xiêm áo, thổi lông chim... Một tác phẩm nghệ thuật trình diễn. Và nhiều người hỏi nhau nghệ sĩ đã làm gì, để thể hiện điều gì. Thậm chí, họ cho rằng những điều đó thật hàm hồ, vớ vẩn, phi nghệ thuật và nhất là phản cảm vì hở hang. “Đấy là một không gian nghệ thuật thử nghiệm. Và khi đến đó, khán giả cần phải được trang bị trước kiến thức về nghệ thuật”, giám tuyển (curator: nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức cho triển lãm, tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, lịch sử…) Trần Lương khi đó bức xúc. Vì thế, vào tối cuối tháng 9 vừa qua, trông ông thật hài lòng trước buổi sinh nhật 2 tuổi của Cuca - một dự án đào tạo công chúng cho nghệ thuật.

Cuca với các tiểu dự án: âm nhạc, mỹ thuật và mỹ học đã được khởi động từ cách đây 2 năm với sự trợ giúp của Viện Goethe (Đức) ở Hà Nội. Mỗi nhóm thường rất nhỏ, chỉ khoảng 25 - 30 học viên. Số người đăng ký thì luôn đông hơn nhiều. Họ cũng sẵn sàng qua cuộc tuyển chọn. Bài thi, cuộc phỏng vấn trực tiếp chỉ cốt để tìm thấy người thực sự muốn tìm hiểu về âm nhạc nghệ thuật. “Chúng tôi tuyển sinh rất thưa và âm thầm. Nhưng nhìn lại, bây giờ mới thấy đã có khoảng 240 người theo các khóa học của Cuca”, cô Phạm Diệu Hương - giảng viên cũng là người đã chèo lái Cuca nói. 

Tìm sự đối thoại giữa công chúng và nghệ sĩ

“Tôi nghĩ quan trọng nhất là những cuộc đối thoại, khả năng đối thoại giữa công chúng và nghệ sĩ”, giám tuyển Nguyễn Như Huy - một trong số những giảng viên được mời tới trao đổi với Cuca nói. Theo ông Huy: “Nếu như ở VN đã có những nghệ sĩ tham gia được các triển lãm, chương trình ở nước ngoài thì phần đông công chúng trong nước lại chưa thể hiểu họ. Như thế có nghĩa là cả công chúng cả nghệ sĩ đều thiệt thòi. Nghệ sĩ không có môi trường, còn công chúng lại không có gì để thưởng thức”. Đấy cũng là điều Diệu Hương nhìn thấy khi trở về từ Pháp. Cô đã muốn tạo dựng công chúng cho mỹ thuật hơn là sáng tác chỉ để cho riêng mình.

 

Cuca VN là mô hình giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập nhằm chia sẻ và khuyến khích những trải nghiệm, kiến thức, và thực hành nghệ thuật. Mô hình này có liên kết hợp tác và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ các diễn giả, nghệ sĩ khách mời. Thoạt đầu, Cuca do Viện Goethe tài trợ. Hiện nay, các khóa học của Cuca vẫn đang tự duy trì nhờ vào học phí của các lớp học.

Từ 2012 - 2014, Cuca đã tổ chức: 4 lớp học về lịch sử nghệ thuật đương đại, 2 lớp về mỹ học, 1 lớp về lịch sử hội họa, 1 lớp về âm nhạc, 2 lớp về múa đương đại và 2 lớp học sơn màu dành cho công chúng tại Paris (Pháp). Bên cạnh đó Cuca cũng tổ chức những buổi thảo luận về giáo dục nghệ thuật trong trường đại học, giao lưu với các nghệ sĩ đương đại...

Không chỉ Diệu Hương làm điều đó. Cùng với cô còn có gia đình nghệ sĩ piano Trang Trịnh giới thiệu về âm nhạc. Chưa kể, lớp học còn có những giảng viên khách mời cho những chủ đề mà giảng viên là người giỏi. Chẳng hạn, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã được mời nói về mỹ thuật cổ, văn minh vật chất của người Việt... 

Lấp đầy khoảng trống về nghệ thuật cho khán giả

“Ngay đầu khóa học, chúng tôi giao danh sách vấn đề cho học viên. Bao nhiêu vấn đề thì sẽ có bấy nhiêu buổi học, bấy nhiêu nhóm trong lớp. Chính các bạn sẽ là người tự thuyết trình vấn đề của mình. Buổi học diễn ra ở đâu cũng do lớp chọn”, cô Diệu Hương nói. Nhóm thuyết trình không phải bao giờ cũng đúng, miễn là học viên luôn có trao qua đổi lại. Sau cùng, cô giáo là người thêm thông tin một cách hệ thống để học viên hoàn thành tiếp việc hiểu nghệ thuật của mình.

“Tôi là người làm nghề liên quan đến kiến trúc và mỹ thuật”, một học viên cho biết. Nhưng điều bất ngờ nhất là theo thống kê, nhóm theo học nhiều lại thuộc về nhóm ngành kinh tế, cụ thể hơn là tài chính ngân hàng. Có vẻ như, nghệ thuật trong nước đang hình thành một lớp công chúng có thể mua tranh, mua tác phẩm mà không để “chảy máu” ra nước ngoài nữa.

Không chỉ hiểu, các học viên cũng bắt đầu làm các tác phẩm theo cách thức khá mới. Một học viên đã nhờ đến sự hỗ trợ của 2 sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh để thực hiện tác phẩm. Từ trước tới giờ, quan điểm của nhiều nghệ sĩ trong nước vẫn cho rằng tác phẩm của ai người nấy làm. Họ đâu biết nghệ thuật thế giới đã có mô hình ý tưởng - thuê thực hiện từ lâu. Tác phẩm Căn phòng của Thomas của một học viên lớp Cuca là sự trải nghiệm thú vị. Người xem được bước xuyên qua mảng tường (giả) vào một con đường có chỉ dẫn bằng ánh sáng. Họ làm theo chỉ dẫn để tự khám phá cảm xúc của mình.

Mô hình nhỏ, nhưng “góp gió thành bão”, Cuca đã mở được nhiều khóa học cho công chúng, kể cả ở nước ngoài và các vùng kinh tế khó khăn. “Tôi muốn có những công chúng am hiểu, và vì am hiểu nên họ tôn trọng sự đa dạng của văn hóa”, cô Hương cho biết.

Trinh Nguyễn 

>> Biến nét vẽ bậy thành tác phẩm nghệ thuật
>> Sáng tác tác phẩm nghệ thuật, báo chí chủ đề Học và làm theo Bác
>> Những tác phẩm nghệ thuật bằng vàng
>> Tác phẩm nghệ thuật độc đáo  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.