Những vụ đụng độ kiểu xã hội đen ở Sài Gòn - Kỳ 4: Điều người từ bắc vào gây án

16/10/2014 04:45 GMT+7

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, tại cuộc họp về phòng chống tội phạm ngày 6.10.2014 cho biết Công an TP đã xác lập án về một số băng nhóm phía bắc vào hoạt động cho vay núp bóng đòi nợ thuê, bảo kê vũ trường.

Công an TP.HCM thu giữ súng, hung khí của các băng nhóm tội phạm  - Ảnh: Nguyên Bảo

Cảnh báo tội phạm di động, cơ động

Giữa tháng 9.2013, vụ L. “vàng” bị tạt a xít đã đẩy tình hình tội phạm có tổ chức lên mức “báo động”, khiến lực lượng công an nói riêng và chính quyền TP nói chung đều đặc biệt quan tâm. Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 6.10.2014, thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết trong 9 tháng đầu năm 2014, Công an TP đã phá 3.009 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 64,46%), bắt 3.716 tên. Các đơn vị đã tổ chức rà soát, lên danh sách 98 băng, nhóm với 491 đối tượng hình sự đang có biểu hiện hoạt động. Kết quả, từ 20.5 - 20.9 đã đấu tranh triệt phá 93 băng, nhóm với 448 đối tượng. Công an TP cũng phát hiện một số băng nhóm ở phía bắc vào hoạt động cho vay, núp bóng đòi nợ thuê, bảo kê ở các vũ trường. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP đã lập án và báo cáo về Bộ.

Trước đó, tại cuộc họp về phòng chống tội phạm vào cuối năm 2013, lãnh đạo Công an TP đã thừa nhận trên địa bàn vẫn tồn tại một số băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, bảo kê, cho vay, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, nhưng nguy hiểm nhất là tội phạm di động, cơ động. Có trường hợp, bọn tội phạm điều người từ phía bắc vào TP.HCM gây án, sau đó ngay trong đêm rời khỏi TP nên gây khó khăn cho công tác điều tra phá án. “Công an TP từng thụ lý vụ cố ý gây thương tích có dấu hiệu thanh toán dính líu đến các băng nhóm ở các tỉnh, TP phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Bọn chúng đâm chém nhau vì tranh giành quyền lợi trong hoạt động kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm như quán bar, vũ  trường”, một cán bộ của Công an TP.HCM cho hay.

Trước tình hình cấp thiết, cuối năm 2013, lần đầu tiên UBND TP.HCM chủ động mời đại diện lãnh đạo công an các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương… đến tham dự hội nghị tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên địa bàn TP, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, phương án phối hợp, liên lạc cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động di chuyển của các băng nhóm có tổ chức để công tác trấn áp hiệu quả hơn. 

Phối hợp để triệt phá

 

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, từ nay đến cuối năm 2014, Công an TP.HCM tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, tập trung đánh mạnh vào các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen, tội phạm có yếu tố nước ngoài, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao, sử dụng "vũ khí nóng", vật liệu nổ gây án, các băng nhóm lưu manh hoạt động bảo kê đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn...

Nói đến tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từng chia sẻ: “TP là địa điểm mà tội phạm chú ý khai thác, hoạt động. Minh chứng là tội phạm có tổ chức, những vụ đâm thuê, chém mướn… đã xảy ra trên địa bàn. Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng người dân bây giờ rất sợ giang hồ. Giang hồ chỉ cần đứng trước cửa nhà cầm mã tấu hăm dọa ra đường sẽ chém thì người dân sợ mất hồn. Cho nên cần giải quyết chuyện gì, nhiều người dân tìm đến giang hồ. Đây là loại tội phạm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và đang diễn ra hết sức phức tạp. Loại tội phạm có tổ chức mục đích chủ yếu là kinh tế, lợi ích từ bảo kê quán bar, vũ trường, nhà hàng, khách sạn. Trước tình hình này, đặt ra vấn đề cho cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết rốt ráo đến nơi đến chốn đơn tố cáo, tin báo tội phạm, bức xúc của người dân để tạo niềm tin, uy tín nơi dân. Từ đó, người dân mới tin tưởng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an đấu tranh phòng chống tội phạm đem lại hiệu quả hơn”.

Liên quan đến tình hình tội phạm có tổ chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở các cơ quan chức năng địa phương phải chấn chỉnh khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm (như quán bar, vũ trường, động lắc, ổ ma túy, tiệm cầm đồ - PV) dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội. Để đấu tranh hiệu quả, chính quyền, Công an TP phải duy trì, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương của một số tỉnh, thành phía bắc, tập trung lực lượng đánh mạnh, đánh quyết liệt hơn nữa vào tội phạm băng nhóm xã hội đen, băng nhóm có tổ chức, đòi nợ thuê… “Loại tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, đòi nợ thuê đang đòi hỏi công an phải quyết liệt hơn, đánh sao cho bọn tội phạm chùn tay, khiếp sợ nhằm giữ vững an ninh trật tự xã hội để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Lực lượng công an phải quán triệt không làm ngơ, bảo kê, tiếp tay, dung túng tội phạm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý rằng một số loại tội phạm vẫn còn lộng hành là do có sự dung túng, không quyết liệt tập trung đấu tranh của một số cán bộ.

Thanh Niên

>> Những vụ đụng độ kiểu xã hội đen ở Sài Gòn: Cuộc thanh trừ bằng súng, mã tấu
>> Những vụ đụng độ kiểu xã hội đen ở Sài Gòn - Kỳ 2: Tranh giành lãnh địa bảo kê
>> Những vụ đụng độ kiểu xã hội đen ở Sài Gòn - Kỳ 3: Tham vọng 'chinh phạt' 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.