Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 5: Nhà thiết kế Bỉ mê thổ cẩm Cơ Tu

17/10/2014 05:00 GMT+7

Những mẫu thiết kế “pha trộn” giữa phong cách thời trang châu Âu với thổ cẩm Cơ Tu trở thành niềm cảm hứng lớn níu chân một người Bỉ ở lại Quảng Nam.

>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 4: Kiếm tiền, mua nhà để đưa ba mẹ sang VN sống
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 3: Mê bún chả, đến Hà Nội làm DJ
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 2: Ca sĩ Anh sáng tác ca khúc về Sài Gòn
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN: Chàng MC Ba Lan biết hát quan họ và ngâm thơ

Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 5: Nhà thiết kế Bỉ mê thổ cẩm Cơ Tu
Ava tại cửa hàng của mình ở Hội An - Ảnh: H.X.H

Cảm hứng “Cotu yaya”

Ava, tên thân mật của Aldegonde van Alsenoy (42 tuổi), vồn vã mở cửa mời khách vào bên trong cửa hàng Ava’na ở số 57 Lê Lợi, Hội An. Cuộc hẹn của chúng tôi lập tức trở thành một “sàn diễn” thú vị để Ava trưng bày lên đấy bao nhiêu cảm xúc sau 8 năm duyên nợ ở xứ Quảng. Thi thoảng, chị ngước lên nói vài câu với những du khách nước ngoài đang ngắm nghía mẫu hàng thời trang, đồ lưu niệm, trang sức… xin họ thông cảm vì “đang có bạn”.

Ava cầm trên tay rất nhiều mẫu sản phẩm dệt may, hình ảnh thiết kế thời trang ở Bỉ. Trong catalog về thổ cẩm Cơ Tu, các cô gái miền cao Quảng Nam trông khá ngượng nghịu khi làm người mẫu cho chính sản phẩm họ làm ra. Nhưng mẫu trang phục đó đã tạo cảm hứng để Ava vào cuộc chỉnh sửa kích cỡ, phối màu, xử lý kỹ thuật đính cườm… và cho ra bộ sưu tập “Cotu yaya”. Ava dang hai tay theo đúng tư thế của phụ nữ Cơ Tu trong Vũ điệu dâng trời (tâng tung ya ya) để giải thích ý nghĩa nhãn hiệu “Cotu yaya”.

Vài năm trước, khi còn làm việc trong dự án của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở H.Đông Giang, nhiều người bật cười khi thấy Ava gần như bò sát dưới sàn nhà tại khu sản xuất tổ hợp dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng để vẽ mẫu lên giấy, tập huấn cho các cô gái Cơ Tu. Khi đó, tiền bán sản phẩm thổ cẩm với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ava giúp mỗi cô gái Cơ Tu có thêm thu nhập khoảng 400.000 đồng/tháng.

 

Các mẫu thiết kế “pha trộn” của Ava được thực hiện từ ý tưởng chung với cô bạn Nele de Block đang ở Bồ Đào Nha. Sản phẩm của họ tung ra các thị trường khác nhau: Ava bán tại Hội An; Block bán sang Nhật Bản, Pháp, Ý. Thiết kế của Ava rất lạ, áo kiểu châu Âu đi kèm váy, quần, khăn Cơ Tu. Riêng 18 mẫu thổ cẩm “Cotu yaya” hiện đang được Ava giúp chuyển sang Bỉ để xuất bán từ ngày 6.11. Sau thời gian gián đoạn, ILO mời Ava quay trở lại H.Đông Giang thêm 5 tháng nữa, kể từ tháng 12.2014.

“Vì tôi ở luôn tại đây, hiểu con người và sản phẩm do họ làm ra. Khác với những người chỉ làm xong một dự án nào đó rồi đi”, chị tự lý giải vì sao mình thành công. Hơn một năm nay không tham gia dự án nữa, nhưng cầu nối ILO đã cho chị cơ hội tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm độc đáo và đi xa hơn trong khâu thiết kế. Chị lấy ra một chiếc áo khoác Cơ Tu, khoe các hạt cườm đính tinh tế và bảo đôi khi phải cần đến công nghệ cao cho những sản phẩm truyền thống, “đỉnh điểm” là 6 mẫu thiết kế hướng đến khách hàng nước ngoài. “Bạn thấy đấy, mẫu trang phục của họ nặng và phức tạp. Tôi muốn có sự pha trộn giữa thiết kế châu Âu với kiểu mẫu Cơ Tu, sản phẩm nhẹ và bắt mắt hơn”. 

Chuyện tình Bỉ - Ý trên đất Quảng

Từ cơ sở mỹ nghệ Ava’na, đi bộ chừng vài chục mét là đến Trung tâm lặn biển Cù Lao Chàm (số 88 Nguyễn Thái Học), nơi Lodovico Ruggru đang phụ trách hoạt động quảng bá, marketing… Năm 2004, đang du lịch ở Hà Nội, Ava muốn vào Hội An nhưng phân vân chưa biết chọn dịch vụ nào, cuối cùng gõ cửa trung tâm lặn biển. Lần ấy, chính Lodo trực tiếp hướng dẫn Ava ra Cù Lao Chàm và sự tốt bụng dễ thương nơi người đàn ông Ý lớn hơn 14 tuổi đã gây ấn tượng ở cô gái Bỉ. Hai năm sau, chị rời bỏ công việc thiết kế đang khá thành công ở quê nhà để định cư Hội An, vun đắp mối tình Bỉ - Ý trên đất khách. Sau 8 năm làm vợ Lodo, Ava đã sinh được 2 cháu bé Oleane (7 tuổi) và Sky Thien (hơn 2 tuổi).

Ava dặn chúng tôi viết về chồng con ít thôi khi ánh mắt ngập ngời hạnh phúc. Họ đặt cơ sở làm việc tại phố cổ, nhà riêng ở dưới cảng Cửa Đại cách đó ngót 8 km. Tất cả trông cậy vào bà giúp việc 64 tuổi nấu nướng, đưa đón con cái 5 ngày mỗi tuần, còn vợ chồng họ chỉ rảnh rỗi chăm sóc con khi ngớt việc và thời gian thì gần như trái ngược nhau. Dịch vụ lặn biển thường đông khách vào mùa nắng, từ tháng 10 đến tháng 3 vướng gió mùa nên Lodo mới ở nhà chăm sóc con cái. Lúc chồng thư thả thì Ava lại tất bật đón khách…

Ava có một gia đình khác nữa trên vùng cao Quảng Nam. Ở đó, chị được thoải mái ăn uống, hát hò. Chị nháy mắt bảo con gái miền núi thích uống với nhau lắm. “Công việc của tôi bận rộn, lại chăm sóc 2 con nữa, rất mệt. Nhưng vẫn cố gắng lên núi. Gặp 18 “nhà thiết kế Cơ Tu” trên đó, tôi rất hạnh phúc vì như sống trong một gia đình lớn”, chị thủ thỉ. Từng quyết định ở lại Hội An đầy bất ngờ để lấy chồng, bây giờ Ava đâm ra “dè dặt” khi nghĩ về tương lai. “Con cái học hành tại đây, tôi có công việc tốt, vợ chồng cũng sẽ dự tính gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Nhưng… không biết còn bất ngờ nào nữa”. Ava thoáng đăm chiêu, rồi lập tức sôi nổi: “Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ ở nơi mình sống và VN đã cho tôi cơ hội đó. Rất hạnh phúc!”.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.