Cử tri TP.HCM: Học sinh học nhiều đến mức mụ mị, tự kỷ

14/10/2014 15:00 GMT+7

(TNO) Nhiều cử tri đã đặt ra vấn đề quá tải bệnh viện; cán bộ, công chức “phải ra sức làm việc và hô khẩu hiệu ít thôi” để người dân được nhờ; những bất hợp lý liên quan đến sách giáo khoa, chương trình học…

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi những cử tri TP.HCM sang 14.10 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Sáng 14.10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.1 (TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa 13.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP.HCM bày tỏ bức xúc về những bất hợp lý liên quan đến sách giáo khoa, chương trình học của học sinh hiện nay. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, chấn chỉnh kịp thời.

Cử tri Bùi Thị Thuận cho rằng chương trình học hiện nay quá nặng. Người học phải lo học từ sáng đến chiều, đến tối thì mới có thể theo kịp, phải lo học đến mức không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. “Cháu tôi học mầm non thì rất hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng từ lúc vào lớp 1 đến nay, do phải lo học nhiều quá đến mức mụ mị, tự kỷ”, bà Thuận nói.

Cử tri Phan Thị Ngọc Bích cũng cho rằng, chương trình, sách giáo khoa thay đổi xoành xoạch khiến cho giáo viên, học sinh hoa cả mắt.

Theo bà Bích, giáo dục cần sự ổn định về nội dung, thống nhất về phương pháp để tránh tạo áp lực đè nặng lên giáo viên, học sinh bởi hôm nay giáo viên, học sinh lo dạy học theo kiểu này, hôm sau lại phải căng sức lo dạy học theo kiểu khác. Đó là chưa kể đến chuyện gây ra nhiều tốn kém tiền của ngân sách và của người dân.

Trong khi đó, cử tri Trần Đăng Tâm đề cập đến chủ trương giảm tải bệnh viện. Ông Tâm cho rằng, trong quá trình thực hiện đã làm khổ người dân rất nhiều. “Người dân nộp tiền bảo hiểm thì như nhau nhưng bắt phải vào khám, chữa bệnh ở bệnh viện cơ sở thiếu thốn nhiều thứ. Khi cần chuyển viện thì lại không cho. Giảm tải kiểu đó chỉ làm người dân thêm khổ”, ông Tâm nói.

Đồng tình với quan điểm này, cử tri Hoàng Như Khương cho rằng, thiệt thòi nhiều nhất là người dân nông thôn. Khi đau nặng thì vô cùng khổ sở nếu muốn chuyển viện lên bệnh viện tuyến trên. “Đề ra chủ trương hay quy định nội dung gì thì phải hết sức tạo thuận lợi cho dân”, ông Khương đề nghị.

Cử tri Nguyễn Đăng Cường đề nghị Quốc hội tập trung đề ra giải pháp để cán bộ, công chức “phải ra sức làm việc và hô khẩu hiệu ít thôi” để người dân được nhờ.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri TP.HCM.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết kỳ họp lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20.10 - 30.11.2014. Theo ông Lịch, thời gian diễn ra kỳ họp tương đối dài. So với 7 kỳ họp trước đó của khóa 13, nội dung kỳ họp lần thứ 8 rất nặng. Các đại biểu sẽ tập trung hoàn thiện chương trình xây dựng pháp luật để thực thi Hiến pháp 2013. Cụ thể, dự kiến sẽ thông qua 13 luật (Tổ chức Quốc hội, Đầu tư, Doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội…), cho ý kiến lần đầu 12 luật, thảo luận và ban hành 3 nghị quyết.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo nhiều nội dung của ngành tòa án, kiểm sát; nghe báo cáo dự án metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM) do đội vốn khoảng 30.000 tỉ đồng, tình hình đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; giám sát chuyên đề về tái cấu trúc nền kinh tế (tập trung 3 lĩnh vực: đầu tư công, ngân hàng thương mại, tập đoàn và tổng công ty nhà nước); thảo luận nhiều đề án lớn, có tầm ảnh hưởng rộng và đang có nhiều ý kiến trái chiều như đề án sách giáo khoa, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Kỳ họp lần này cũng có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Theo ông Lịch, tài liệu chuyển đến từng đại biểu, nếu in đầy đủ ra giấy có thể dày hàng mét. Để tiết kiệm ngân sách và thuận tiện trong nghiên cứu, Quốc hội sẽ gửi tài liệu cho đại biểu qua hộp thư điện tử.

Đình Phú

>> Tiếp xúc cử tri: Đại biểu thì kiêm nhiệm, cử tri thì… 'chuyên trách
>> Thủ tướng, Chủ tịch QH tiếp xúc cử tri
>> Cử tri TP.HCM bức xúc về tình trạng xe quá tải
>> Cử tri chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về dịch bệnh sởi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.