'Thẩm phán ta sợ đủ thứ'

11/10/2014 03:00 GMT+7

GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã “phán” như vậy tại cuộc hội thảo “Liêm chính tư pháp: Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật VN” diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua.

Hội thảo do Viện Chính sách công và pháp luật (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) phối hợp với Tổ chức hướng tới minh bạch tổ chức, có sự tham gia của Ban Nội chính T.Ư, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan.

“Không độc lập tí nào”

 

Cần một quy trình bổ nhiệm khách quan và minh bạch

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia của Tổ chức hướng tới minh bạch khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có một quy trình khách quan và minh bạch trong việc bổ nhiệm thẩm phán các cấp, đảm bảo chỉ có những thẩm phán có chuyên môn tốt nhất mới được chọn và để họ không cảm thấy mắc nợ một chính trị gia hay thẩm phán cấp cao nào đó trong việc bổ nhiệm. Nhà nước phải đảm bảo mức lương tương xứng với chức vụ, hiệu quả công việc...

Theo khuôn khổ cuộc hội thảo, chủ đề “liêm chính tư pháp” được đề cập trong nhiều nội dung với nhiều chủ thể nhưng các đại biểu tập trung vào hoạt động của TAND, đặc biệt mổ xẻ về tính độc lập trong xét xử của thẩm phán.

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù Hiến pháp và các đạo luật quy định rõ “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” nhưng trên thực tế đang có không ít rào cản. “Chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu về hoạt động độc lập của thẩm phán và càng đánh giá càng thấy lo sợ. Không độc lập tí nào. Thẩm phán sợ từ ông nhân viên kho bạc trở đi, sợ cả công an, sợ các quy định về thi đua khen thưởng của ngành, sợ địa phương không cấp đất làm trụ sở, làm nhà, đủ thứ”, GS-TS Lê Hồng Hạnh phát biểu.

Theo luật sư Nguyễn Quang Hưng, thành viên ban cố vấn Tổ chức hướng tới minh bạch, nghiên cứu quản trị tòa án cho thấy quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán hiện nay đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, tạo nên áp lực cho thẩm phán và tác động đến tính độc lập trong xét xử. Có hiện tượng trao đổi, thỉnh thị án đã làm giảm trách nhiệm cá nhân thẩm phán. Ngoài ra, ngân sách cho hoạt động tòa án được cấp theo cùng công thức với cơ quan hành chính. Thực tế cho thấy ngân sách hoạt động tòa án còn thiếu nên nhiều tòa địa phương vẫn tìm cách có được nguồn ngân sách từ chính quyền địa phương.

Không dám tuyên bị cáo vô tội

GS-TS Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và pháp luật, cho rằng cơ chế hiện nay dẫn đến thẩm phán dù thật thà ngay thẳng, chí công vô tư cũng có thể bị coi là không liêm chính khi bị đánh giá bởi nhiều hệ thống giá trị. Trong đó, khi xem xét đến danh hiệu thi đua có ý kiến của chính quyền địa phương, tốt thì không sao nhưng xấu sẽ ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm lại.

Đáng chú ý, cả hai GS-TS Đào Trí Úc và Lê Hồng Hạnh cho rằng đang có hiện tượng, thẩm phán sợ cơ quan công an và công tố. “Qua xét xử, tranh tụng có nhiều tình tiết tòa thấy có thể công bố bị cáo vô tội nhưng thẩm phán không làm được điều đó mà quay trở lại đề nghị công an, kiểm sát điều tra lại, nhiều vụ việc cứ đẩy đi đẩy lại. Vị trí thẩm phán là người thực thi công lý thay vì nói lời phán quyết thì lại bị ràng buộc. Phải làm sao để thẩm phán không sợ công an, không sợ kiểm sát mà tự mình quyết định mọi vấn đề trong phiên tòa, thế mới gọi là độc lập”, ông Hạnh nói.

Thái Sơn

>> Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật
>> Hoạt động tư pháp phải tương xứng với hành pháp và lập pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.