Không tạo động cơ tiêu tiền

11/10/2014 03:00 GMT+7

Ngân sách càng khó khăn, chi tiêu càng "phóng tay"; càng hô hào tiết kiệm , chi thường xuyên càng tăng... Nguyên nhân cốt lõi của nghịch lý này là do kỷ luật ngân sách không nghiêm đã và đang tạo ra động cơ tiêu tiền cho nhiều địa phương, nhiều đơn vị.

Chúng ta đều thấy, mỗi năm Chính phủ dành khá nhiều thời gian để thông qua dự toán ngân sách, nhưng cuối cùng dự toán đó không được tuân thủ. Số liệu dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm chênh nhau một trời một vực. Điều đáng nói là không có ai phải giải trình trách nhiệm trong việc vượt dự toán ngân sách. Chính cơ chế này đã khuyến khích người ta "vẽ" ra dự án, tìm cách để tiêu tiền. Cụ thể, báo cáo thu chi ngân sách 2014 - 2015 trong phiên họp ngày 9.10 nhận định dù Chính phủ đã quán triệt không được xây mới nhưng nhiều địa phương vẫn xin xây trụ sở mới với tổng cộng... 299 dự án. Thực trạng này khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải báo động "vay lu bù để chi thì chết thôi". Đó là một báo động hết sức cấp thiết bởi vay nhiều nhưng nguồn trả không có nên chúng ta đã rơi vào tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Mà rơi vào tình trạng này, lãi vay sẽ bị tính cao hơn vì rủi ro của khoản vay đã tăng lên do khả năng trả nợ suy yếu. Để phản ánh rủi ro này, chủ nợ sẽ cộng bù vào lãi suất cho vay. Gánh nợ vay lại càng nặng thêm.

Đáng báo động là tình trạng thu chi bất hợp lý ngày càng tăng. Một nguyên tắc tài khóa vàng (golden rule) là Chính phủ chỉ nên đi vay để đầu tư thay vì chi tiêu, bởi đầu tư sẽ tạo ra thu nhập mới và trả được nợ. Thế nhưng chúng ta thì ngược lại, chi thường xuyên ngày càng tăng trong khi chi đầu tư bị bóp lại. Hiện chi thường xuyên (chi lương, thưởng; chi cho bộ máy công quyền, mua máy móc thiết bị...) đã lên xấp xỉ 70%, cao gấp gần 4 lần so với chi cho đầu tư phát triển. Nguyên nhân là khu vực công của chúng ta vẫn ngày càng phình to. Điển hình nhất là việc tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh và thiếu hiệu quả chỉ nói nhưng không làm. Có thời điểm, thông tin tỷ lệ 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" gây xôn xao dư luận. Cãi qua, cãi lại, chỗ nói hơn, chỗ nói chưa tới... dư luận chờ đợi một cuộc điều tra thực sự để tinh gọn bộ máy hành chính đã bị kêu ca quá nhiều nhưng cuối cùng mọi chuyện lại chìm xuống. Ngân sách tiếp tục è cổ trả lương cho rất nhiều người "có cũng được, không cũng chẳng sao".

Cũng do kỷ cương không nghiêm, xưa nay, ngân sách cứ tăng thu là tăng chi nên việc ngân sách từ tháng 1 - 9 tăng thu tới 52.000 tỉ đồng đang gây nỗi lo ngại cho nhiều người về việc các địa phương, các đơn vị lại có thêm động cơ để chi tiêu phóng tay trong những tháng cuối năm. Vì vậy, ngoài việc siết lại kỷ cương ngân sách, trước mắt hãy giảm thu để giảm chi. Giảm thu thông qua việc miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân vẫn đang hết sức khó khăn, đang cần hỗ trợ. Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp phá sản từ đầu năm tới nay đã lên tới trên 51.000 đơn vị và 213.000 công ty thua lỗ...

Khoan sức doanh nghiệp và triệt tiêu động cơ tiêu tiền ngân sách tràn lan, dàn trải, vô tội vạ. Đó là việc phải làm ngay.

Nguyên Hằng

>> Cải cách hành chính giúp tiết kiệm hơn 300.000 ngày làm việc
>> Giảm 200 giờ thủ tục, tiết kiệm cả tỉ 'đô
>> Doanh nghiệp tiết kiệm cùng ngành điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.