Từ chối trình độ cao

09/10/2014 01:53 GMT+7

Nhiều người choáng váng khi đọc tin Sở Nội vụ TP.HCM không chấp nhận các hồ sơ thi công chức có chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC hay TOEFL. Có lẽ lãnh đạo TP.HCM cũng ngạc nhiên như nhiều người nên mới yêu cầu Sở này giải trình lý do từ chối.

Tuy nhiên, bình tĩnh mà nói quy tắc của Sở Nội vụ TP.HCM không phải là “chê” các chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC hay TOEFL. Một khi quy chế hiện hành ghi rõ điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể về ngoại ngữ là phải có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên chẳng hạn, thì nơi này không thể tùy tiện chấp nhận các loại chứng chỉ ngoại ngữ khác.

Đúng ra, nếu trong các điều kiện đặt ra cho những ai thi tuyển làm công chức có quy định nay đã lạc hậu là phải có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên, thì với tư cách cơ quan tham mưu chính sách, Sở Nội vụ phải nhanh chóng tìm hiểu vì sao các loại chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C nay không còn được tin cậy, vì sao nhiều người hăm hở nộp bảng điểm chứng chỉ ngoại ngữ TOIEC hay TOEFL để thay thế. Sau đó, nếu quy định do chính Sở đặt ra thì tự họ phải điều chỉnh, nếu của ủy ban ban hành thì tham mưu để nhanh chóng sửa đổi.

Nếu là bộ máy hành chính nhanh nhạy với thực tế cuộc sống, cập nhật các quy định mới nhất của ngành, ắt cán bộ Sở Nội vụ cũng phải biết chính Bộ Nội vụ vào tháng 3.2014 đã có Công văn 956 về tổ chức kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính quy định miễn thi ngoại ngữ cho những ai “có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 khung châu Âu trở lên”. Mà cấp độ B1 khung châu Âu tương đương với bao nhiêu điểm TOEFL thì lẽ ra Sở Nội vụ đã nắm rõ (cái này Bộ GD-ĐT đã quy định từ năm 2012).

Một khi đã có quy định rõ ràng và cụ thể như thế, nhiệm vụ của Sở Nội vụ là phải triển khai. Đằng này đã không triển khai lại còn từ chối các hồ sơ làm đúng và còn biện bạch các chứng chỉ TOIEC và TOEFL là của nước ngoài, trong nước thì phải xài chứng chỉ quốc gia A, B, C! Đó là một sự lạc hậu với tình hình thực tế.

Ở đây còn có hai điểm đáng nói. Một là các chứng chỉ quốc gia A, B, C một thời rất thịnh hành nay hầu như không còn giá trị nhiều vì bị làm giả, bị cấp bừa bãi, bất kể trình độ thật sự của người học. Đó là một sự lãng phí ghê gớm mà chưa ai chịu trách nhiệm. Đến nay, ngay chính cái đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hay khung năng lực ngoại ngữ chính thức cũng không còn đề cập đến các chứng chỉ này nữa.

Thứ hai là, ngay từ năm 2008, khi phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, Thủ tướng Chính phủ đã quy định tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ. Đến đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT đã biên soạn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc ấy, trong đó trình độ bậc 3 được quy bằng B1 như đã nói ở trên. Cho dù đó là mốc phấn đấu đến năm 2018 - 2019 thì ngay bây giờ nên chăng Bộ có thể quy định học sinh nào có những chứng chỉ ngoại ngữ được chính thức công nhận là tương đương bậc 3 hay B1 thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ (tức IELTS 4.5 điểm, TOEFL giấy 450 điểm, TOEFL thi qua mạng 45 điểm, TOEIC 450 điểm, hay Preliminary PET)?

Vũ Phan

>> Tiến sĩ ở Tây trượt kỳ thi công chức Việt
>> Chen nhau xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức
>> Hủy kết quả thi công chức vào Cục Quản lý thị trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.