Phân tầng, xếp hạng đại học: Chưa thể áp dụng chuẩn quốc tế

09/10/2014 02:00 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định về phân tầng , xếp hạng ĐH, dự kiến sẽ thực hiện ngay trong năm nay.

 Phân tầng, xếp hạng đại học
Nghiên cứu sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trong một buổi thí nghiệm. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM định hướng phát triển theo hướng nghiên cứu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trước nhiều luồng ý kiến về dự thảo này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc làm này nhằm công khai chất lượng các trường.

* Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì có nhiều tiêu chí phân tầng, xếp hạng trong bản dự thảo thiếu thực tế. Cụ thể là quy định về số lượng tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư đối với một trường ĐH nghiên cứu là quá cao, không có trường nào đạt được. Cơ sở nào để Bộ đưa ra những tiêu chí như vậy, thưa ông?

- Những tiêu chí được nêu ra trong dự thảo là chỉ tính trên một bộ phận của một trường ĐH thôi, không phải là con số tính chung cho toàn trường. Phần đầu của dự thảo đã nói rõ, tiêu chí của một trường ĐH nghiên cứu chỉ là trường đó có hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản chiếm tỷ trọng cao, nổi bật. Nghĩa là có thể chỉ có một số ngành nhất định đạt được con số quy định, và đó là hoạt động chủ yếu của trường thì có thể được coi là trường ĐH nghiên cứu, chứ không phải là toàn trường phải đạt con số đó.

 
Việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH, mục đích là để công khai chất lượng cho xã hội biết

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

* Nhưng các tiêu chí về khoa học thì chưa cụ thể và chưa có tầm như quy định của các nước khác. Tại sao chúng ta không học hỏi mô hình của thế giới?

- Đối với VN đây là lần đầu tiên thực hiện việc phân tầng và xếp hạng. Mục đích là để xác định rõ mục tiêu và sứ mạng cho các trường. Nếu không làm, các trường không rõ định hướng phát triển. Đồng thời chúng ta phải thực hiện việc công khai chất lượng cho xã hội biết. Vì vậy phải thực hiện trong điều kiện của mình, không thể áp dụng ngay chuẩn quốc tế. 

Đối với các nước có xếp hạng, thực ra chỉ xếp hạng các trường nghiên cứu thôi. Họ xếp hạng căn cứ trên các tiêu chí nghiên cứu là chính, trong khi các trường của ta mới chỉ tập trung cho việc đào tạo là chính, công trình nghiên cứu còn thấp. Vì vậy nếu áp dụng ngay chuẩn quốc tế thì khó trường nào đạt được. Sau khi phân tầng sẽ định ra một số trường mà nhà nước tập trung đầu tư mạnh để họ nghiên cứu khoa học và trong tương lai có thể lọt vào các trường “top” của thế giới. Khi hệ thống đã đi vào ổn định thì có thể áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế để đánh giá các trường.

* GS Phạm Phụ, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục ĐH, cho rằng chúng ta cần thực hiện xếp hạng trước, phân tầng sau thì việc phân tầng mới diễn ra một cách tự nhiên. Nếu phân tầng trước và xếp hạng sau thì hoạt động này sẽ bị hành chính hóa và rất khó thực hiện. Ông nghĩ sao?

- Hiện nguồn nhân lực của chúng ta đang bị chê là yếu về kỹ năng vì việc đào tạo không có mục tiêu rõ ràng. Các trường ứng dụng thì định hướng nghiên cứu, các trường định hướng nghiên cứu thì lại thiên về ứng dụng. Do chưa có mục tiêu rõ ràng nên việc đào tạo nguồn nhân lực yếu về kỹ năng so với các nước khác. Việc phân tầng để định hướng cho các trường phát triển đúng hướng. Xác định mục tiêu rõ ràng để phát triển lâu dài. Sau khi phân tầng thì sẽ xếp hạng theo từng tầng chứ không xếp tầng nọ với tầng kia. 

Nếu nước ta thực hiện xếp hạng trước và phân tầng sau thì sẽ gây ra tình trạng lộn xộn. Điều quan trọng là nếu không có phân tầng thì không định hình được hệ thống. Khi các trường có định hướng rõ ràng thì mới phát triển và hội nhập được, nếu không cứ làng nhàng trường nào cũng nhận là nghiên cứu mà không có trường nào đạt được cả.

* Ở các nước, việc xếp hạng các trường ĐH là do các tổ chức độc lập thực hiện và cơ quan quản lý chỉ là đơn vị công nhận kết quả. Tuy nhiên, theo dự thảo Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng. Như vậy có đảm bảo độ khách quan không?

- Luật Giáo dục ĐH đã quy định, Thủ tướng công nhận xếp hạng ĐH còn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công nhận xếp hạng các trường CĐ. Quy định này khác với các nước trên thế giới vì mục đích xếp hạng của VN, ngoài việc để công khai cho xã hội biết chất lượng các trường còn đi kèm với cơ chế chính sách của nhà nước. Xếp hạng trường ĐH sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục ĐH. Cho nên việc xếp hạng phải có cơ quan có thẩm quyền công nhận. Lẽ ra, Bộ phải đảm trách việc này nhưng Bộ không làm mà sẽ chỉ định một tổ chức có uy tín, được xã hội thừa nhận đứng ra xếp hạng.

Vũ Thơ

>> Trường đại học sẽ được xếp hạng 2 năm 1 lần
>> Phân tầng để giám sát chất lượng đại học
>> Kiểm định chất lượng đại học bằng cách nào? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.