Tại sao chúng ta bị bắt chẹt ?

08/10/2014 03:00 GMT+7

Có hàng ngàn, hàng triệu người sử dụng dịch vụ điện thoại di động tại VN đã và đang ấm ức khi bị các nhà mạng ép sử dụng dịch vụ, trừ tiền vô tội vạ... Tại sao chúng ta lại dễ bị bắt chẹt như vậy? Câu trả lời là vì khách hàng không có sự lựa chọn nào khác.

Không phải như ăn sáng, uống cà phê..., nếu quán này không ngon, dịch vụ tệ thì có hàng trăm quán khác cho chúng ta lựa chọn. Cũng không phải như khi chúng ta đi mua sắm từ đồ điện tử, quần áo, xe hơi đến thực phẩm, nước rửa chén... đều có rất nhiều sản phẩm đồng dạng để lựa chọn. Thương hiệu nào chất lượng kém, hậu mãi yếu sẽ tự đào thải. Vì vậy, các doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để bán hàng.

Thế nhưng dịch vụ điện thoại di động thì khác, khách hàng không có sự lựa chọn vì 3 "ông trùm" viễn thông tại thị trường nội địa hiện nay là Viettel, MobiFone, Vinaphone na ná nhau từ giá cước, cách tính giá, tỷ lệ tăng giá, dịch vụ, các loại bẫy, tin nhắn rác... Năm trước, 3 ông lớn này đã dính nghi án bắt tay nhau tăng giá cước 3G khi tăng cùng thời điểm, cùng mức tăng và ngay cách giải thích lý do tăng cũng giống nhau. Với kiểu kinh doanh này, dù có tới 3 nhà mạng nhưng thị trường viễn thông, có thể khẳng định, đang quay trở lại thời độc quyền.

Mà độc quyền thì người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt thòi. Hãy nhìn những ngành kinh doanh độc quyền trên thị trường hiện nay sẽ thấy, người tiêu dùng đã bị bắt chẹt khủng khiếp đến thế nào. Điện chẳng hạn. Nhiều năm nay, giá điện chỉ có một chiều, chỉ tăng mà không hề giảm. Tăng để bù lỗ, tăng lấy vốn đầu tư, tăng vì hạn hán..., tăng vì đủ mọi lý do. Trong đó, hầu hết là những lý do hết sức vô lý nhưng người dân vẫn phải chấp nhận. Bởi không sử dụng điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN) thì chỉ có nước thắp đèn dầu, khi EVN chi phối toàn bộ từ khâu truyền tải, phân phối đến bán điện trên thị trường. Người ta càng bức xúc hơn khi tại cuộc họp làm việc với Thủ tướng Chính phủ cách đây 3 ngày, Tổng giám đốc EVN “chẳng may” tiết lộ chỉ riêng việc số lao động trong ngành điện đi ghi số công tơ, thu tiền điện… lên tới 67.000 người. Dù sau đó một lãnh đạo khác của tập đoàn này đã cải chính rằng con số đó là bao gồm toàn bộ cán bộ, kỹ sư, công nhân của 5 tổng công ty điện lực trực thuộc EVN nhưng nó cũng cho thấy một bộ máy cồng kềnh, lạc hậu và năng suất hết sức yếu kém của ngành này. Đáng nói là người gánh cuối cùng vẫn là người dân, những người trả tiền mua điện với giá mỗi ngày một tăng.

Tương tự là xăng dầu, dù có tới gần 20 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu nhưng do Petrolimex nắm trên 50% thị phần nên tất cả các doanh nghiệp khác đều “nhìn” Petrolimex để hưởng ứng cùng tăng, cùng giảm và giá cũng tương đồng nhau. Người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác dù luôn bức xúc vì sự thiếu minh bạch trong việc tăng - giảm giá xăng dầu; sự bất nhất lỗ - lãi của Petrolimex cũng như một số doanh nghiệp trong ngành này.

Độc quyền hoặc bắt tay nhau để tạo thế độc quyền, đó là một sự thụt lùi của môi trường kinh doanh trong đó có sự dung túng của cơ quan quản lý. Đây cũng chính là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi: Vì sao người tiêu dùng, vốn được coi là thượng đế, lại bị bắt chẹt kéo dài và công khai như vậy?

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.