Có những thứ không cần 'cấm'

08/10/2014 12:40 GMT+7

Sinh viên trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) bị' cấm mặc quần jean , áo thun, mang dép lê'. Quyết định đơn độc này của Trường ĐH Cửu Long đang gây ra nhiều tranh cãi.

Sinh viên trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) bị “cấm mặc quần jean, áo thun, mang dép lê”. Quyết định đơn độc này của Trường ĐH Cửu Long đang gây ra nhiều tranh cãi.

 


Trang phục jean - áo thun thể hiện sự năng động, trẻ trung
luôn phù hợp với giới trẻ - Ảnh minh họa: Độc Lập

Sự tiện dụng của trang phục jean - thun - dép lê… phù hợp với giới trẻ

Xuất phát từ giới cao bồi ở Mỹ, trang phục quần jean, áo thun giờ đây phổ biến khắp thế giới bởi sự tiện dụng của nó, do chất liệu vải không cần ủi, kiểu dáng trang phục giúp người sử dụng cử động thoải mái khi cần phải di chuyển liên tục hay làm việc nhiều ngoài trời. Ngày nay, quần jean, áo thun là trang phục đời thường có thể bắt gặp ở khắp nơi từ u sang Á và được giới trẻ ưa chuộng nhất. Ngay cả những người lớn tuổi khi mặc quần jean, áo thun trong những cuộc picnic, du lịch hay vận động ngoài trời cũng thể hiện sự trẻ trung, năng động.

Theo trào lưu thời trang, có hàng ngàn biến tấu của quần jean, áo thun. Nếu có quần jean cài nút, quần jean ống loe bị mài rách, quần jean ôm bó sát… thì áo thun cũng có loại T-shirt (cổ tròn) hay Polo-shirt (có cổ), loại ôm sát và ngắn hay loại rộng - dài… Nhưng dù được may với chất liệu nào hay có kiểu dáng nào, bản thân chiếc quần jean hay áo thun không đại diện cho phẩm chất của người mặc. Bản thân chiếc dép lê (không có quai hậu) cũng vậy. Đôi khi, cần phải hiểu tại sao sinh viên thích mang dép lê, một phần vì giá nó rẻ hơn săng-đan hay giày, phần khác đi dép lê không bao giờ phải mất thời gian ngồi xỏ dây hay phải giữ gìn cẩn thận như giày.

Với sinh viên, vốn là những thanh niên đã trưởng thành chứ không phải là học sinh tiểu học hay trung học, thì quy định cấm mặc trang phục tiện dụng này thật là vớ vẩn. Vì cứ nhìn khắp các nước trong khu vực (hay rộng ra trên toàn thế giới) thì sẽ thấy chẳng có trường đại học nào mất thời gian để ra quy định về trang phục của sinh viên.

Một thời gian sống ở Singapore và Mỹ cho tôi thấy những sinh viên Việt Nam khi đến trường đại học ở xứ người có thể mặc quần short, áo thun tự vẽ, tự thiết kế, chân mang giày lười (không xỏ dây) hoặc đi dép lê… mà vẫn học hành tử tế, còn tinh thần ganh đua và sáng tạo chả kém cạnh sinh viên các nước khác.

Những người thầy ở Trường ĐH Cửu Long nên để cho các em sinh viên có sự sáng tạo riêng của mình với trang phục. Trang phục nào mất thẩm mỹ hoặc không phù hợp thì nhắc nhở hoặc tự bản thân cộng đồng sinh viên sẽ tẩy chay.

Chỉ nên quy định trang phục với cán bộ, giảng viên và nhân viên

Thiết nghĩ việc quy định trang phục nào được mặc và không được mặc của Ban Giám hiệu Trường ĐH Cửu Long chỉ nên dành cho đối tượng nhân viên, cán bộ và giảng viên của trường, giống như mọi công ty đều có quy định về đồng phục công sở: ngày nào mặc đồng phục, ngày nào mặc tự do… Vì sao vậy?

Vì những người đang làm việc cho ĐH Cửu Long đang hàng giờ hàng ngày tiếp xúc với sinh viên mới chính là đại diện cho bộ mặt nề nếp và quy củ của nhà trường. Sinh viên có thể ngầm đánh giá tư cách một người thầy nếu người thầy đó đứng trên bục giảng với quần jean rách, áo thun vẽ chim cò và đi dép lê… Muốn tạo ra sự tôn sư trọng đạo trong nhà trường thì trước hết những người làm việc cho ĐH Cửu Long phải ý thức về trang phục mình chọn lựa. Đó cũng là một cách làm gương cho lớp trẻ.  

Tôi vẫn còn nhớ vào những năm 1973-1974 học trung học ở Sài Gòn, bọn học sinh chúng tôi luôn thần tượng những thầy cô giáo, lúc đó gọi là giáo sư, một phần do họ luôn ăn mặc rất đẹp và chỉnh chu. Các cô giáo dạy trung học ngày đó luôn mặc áo dài (và không có kiểu biến tấu áo mỏng te hở trên hở dưới như bây giờ), còn các thầy nếu không mặc veston thì áo sơ mi thắt cravat bỏ vào quần âu thẳng nếp, chân đi giày tây bóng loáng. Sau 1975 đến những năm 1980 trang phục của thầy cô giáo trong các trường trung học trở nên xuề xòa đến mức dễ dãi khiến bọn học trò đôi lúc tội nghiệp cho thầy cô giáo của mình.

Việc áp đặt quy định về trang phục cho cả sinh viên khiến Trường ĐH Cửu Long có thể mất điểm trong sự lựa chọn của sinh viên. Mất mát này mới là đáng kể trong thời buổi đại học tư không còn là của hiếm.

Khải Nguyên (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sinh sống ở TP.HCM

>> Trường đại học Cửu Long: Cánh cửa giảng đường rộng mở
>> Cấm mặc váy ngắn để "ngăn xâm hại tình dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.