Triển lãm kiểu báo cáo thành tích

06/10/2014 09:00 GMT+7

Những tư liệu quý chìm trong hỗn độn hiện vật xung quanh. Những bảng biểu số liệu nặng tính báo cáo... Chúng khiến triển lãm Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển (từ ngày 4 - 12.10 tại Bảo tàng Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô) giống như một báo cáo thành tích khô cứng.

Xây dựng công viên Thống Nhất - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại
Xây dựng công viên Thống Nhất - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại 

Ông Đỗ Vũ, 62 tuổi, một người từng công tác tại ngành giáo dục Q.Ba Đình đã có một cuộc tranh luận nhỏ với vợ về bức ảnh Bác Hồ tới thăm nhân viên cửa hàng ăn uống Thủy Tạ. Bức ảnh chụp năm 1960. “Tôi nghĩ một phụ huynh học sinh của tôi có mặt trong tấm ảnh này. Bà ấy năm nay 75 tuổi. Như thế thì hồi năm 1960, bà ấy cũng đã là nhân viên trẻ của cửa hàng. Nhìn nét mặt thì tôi đoán chính là người ngồi sau lưng Bác. Tôi nghĩ tôi dự cảm đúng”, ông chia sẻ.

Nếu như cuộc tranh luận của ông Vũ chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, thì tại gian trưng bày của ngành công an Hà Nội, một nhóm chừng 5 người đã trao qua đổi lại rất sôi nổi. “Cầm trịch” cuộc nói chuyện là ông Nguyễn Thế Vinh (Phòng Công tác chính trị, Công an Hà Nội).

Những bức ảnh ở gian trưng bày này không lớn, thậm chí còn nhòe mờ do thời gian. Nhưng ông Vinh hướng dẫn bằng kể chuyện rất rõ, từ chuyện chữa cháy kho xăng Đức Giang suốt mấy ngày, đến chuyện cứu hộ ở Đại sứ quán Pháp khi bị Mỹ ném bom, chuyện Hà Đông xưa gọi là quận 6... Rồi mọi người ồ lên vui vẻ khi có người chia sẻ: “Cháy kho xăng đúng ngày 25.6.1966. Tôi nhớ vì con gái đầu nhà tôi sinh đúng ngày đó. Hôm đó mẹ nó nằm trạm xá nhé, rồi cô Thịnh nó bé tí đi đưa cơm còn ngã xuống ruộng cơ mà”.

Tiếc nuối và lãng phí

Một triển lãm sống trong mắt người xem là nhờ những câu chuyện như thế. Nhưng phần lớn trưng bày trong triển lãm Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển đều không có câu chuyện lôi cuốn như vậy. Ngoài tư liệu ảnh đen trắng như trên, nhiều góc triển lãm cũng thật đơn điệu.

Chiếc lốp máy bay chỏng chơ tại triển lãm
Chiếc lốp máy bay chỏng chơ tại triển lãm

Chẳng hạn, một góc về công nghiệp, người xem thấy có 3 chiếc lốp máy bay mà đơn vị ở Hà Nội đã làm được. Nhưng không ai rõ từ bao giờ ta có thể sản xuất lốp máy bay, nó khó đến đâu, và người Hà Nội đã vượt qua khó khăn gì để làm ra nó. Sát với cụm hiện vật lốp máy bay là rất nhiều nồi niêu của một đơn vị kinh doanh. Sự vượt trội của những chiếc nồi này ra sao mà được xuất hiện trong triển lãm thành tựu 60 năm thì chẳng ai rõ vì không thấy có chú thích gì. Những mẫu đồ thủ công cũng không khá hơn. Đã không đẹp nổi trội, chúng còn bị bày biện cẩu thả, không tủ kệ, không ánh sáng bổ trợ. Thậm chí, có thể nói một cửa hàng đồ lưu niệm ở chợ cũng còn biết bày đồ đẹp hơn.

Đi suốt triển lãm, nhiều nuối tiếc nối tiếp nhau

Vì sao gian trưng bày của thanh niên lại không kể câu chuyện thanh niên thủ đô xưa đã cùng nhau xây lên công viên Thống Nhất? Chính những sinh viên, bác sĩ, giảng viên trẻ... đã làm nên cả công viên này lẫn các hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu. Thay vào đó, người xem thấy cờ thưởng, giấy khen. Bức ảnh công trường công viên cũng xuất hiện nhưng ở một vị trí khác. Và ngoài thông tin sơ lược về tên công trường, không thấy nói đến bao nhiêu người đã làm việc trong bao lâu để có được không gian văn hóa công cộng nổi tiếng ấy.

Tại sao ngành đối ngoại Hà Nội không kể câu chuyện về người tù năm nào ở Hỏa Lò - Hilton Hà Nội, giờ đã là một người luôn ủng hộ Hà Nội, ủng hộ VN trong nhiều chiến dịch đối ngoại? Những bức ảnh ký kết văn bản hợp tác, dù rất quý, cũng cần những câu chuyện về sự đổi thay sau đó. Chẳng hạn, việc nước máy Phần Lan về đã giúp khuôn mặt người dân rạng rỡ vì thoát cảnh thiếu nước sạch ra sao? Một bức hình như thế không khó kiếm, mà lại đáng giá hơn nhiều vô số bảng biểu số liệu trong triển lãm.

Vì sao ngành văn hóa không có câu chuyện về những vở diễn của Lưu Quang Vũ đã khích lệ đổi mới tư duy ra sao?

Vì sao ngành y tế lại không chia sẻ câu chuyện của người bệnh thay vì một loạt ảnh bệnh nhân nằm nhắm nghiền mắt trên bàn mổ. Tại sao người dân không được thấy những ngày bác sĩ Tôn Thất Tùng loay hoay tìm cách mổ gan khô, và những bệnh nhân đã sống nhờ phương pháp ưu việt đó. Câu chuyện như thế hẳn lay động hơn nhiều những bức ảnh các bác sĩ lên nhận danh hiệu cùng với bộ trưởng y tế.

Mà những bức ảnh trao thưởng, bắt tay, tôn vinh, cắt băng, tặng hoa, hội thảo... như thế lại rất nhiều trong triển lãm. Có những pa nô, chỉ toàn ảnh lưu niệm đông người trong hội nghị tổng kết tuyên dương.

“Tôi nghĩ khánh tiết thì cũng cần nhưng hình thành một triển lãm quy mô 60 năm xây dựng và trưởng thành thì quá trình để làm sao thấy từ năm 1954 qua từng giai đoạn kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh cho người Hà Nội thì hay hơn. Còn lại những tấm ảnh mang tính lễ hội khánh tiết chào mừng thì cũng cần nhưng dung lượng nên khác”, ông Đỗ Vũ nói.

Với tư duy kiểu báo cáo thành tích như vậy, triển lãm Hà Nội 60 năm, dù có những tư liệu hay, vẫn kém hấp dẫn. Nó khiến công chúng dễ dàng bỏ triển lãm giữa chừng. Một khi họ bỏ triển lãm, có nghĩa là tiền bỏ ra cho triển lãm đã không hiệu quả. Mà trong một cuộc nhìn lại quá khứ để trưởng thành, thật sự nhà tổ chức không nên để xảy ra lãng phí.

Trinh Nguyễn

>> Lần đầu triển lãm về cải cách ruộng đất
>> Kết nối văn hóa qua triển lãm ngựa
>> Triển lãm máy bay… giấy
>> Triển lãm ‘Nghệ thuật đa dạng’ lần thứ 2 ở Hà Nội
>> Triển lãm tranh cá nhân của tuổi thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.