Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 4: Sống cùng thú dữ

02/10/2014 06:00 GMT+7

Dù biết những rủi ro từ bản tính hoang dã của loài thú dữ có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người vẫn âm thầm bám trụ với nghề quản thú vì mưu sinh và cả thỏa chí đam mê với nghề.

Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 4: Sống cùng thú dữ
Thuần hóa voi là cả một quá trình gian nan và nguy hiểm - Ảnh: Đức Tiến

Bị cọp vồ khi dọn chuồng

Phải qua nhiều “cửa” giới thiệu, chúng tôi mới tiếp xúc được một số người có thâm niên trong nghề chăm sóc thú dữ tại Thảo cầm viên (TP.HCM), bởi họ rụt rè và không muốn… lên báo.

Trái với những hình dung ban đầu, ông Trần Minh Tâm (55 tuổi, ngụ TP.HCM) điềm tĩnh, tận tình chia sẻ với chúng tôi những vui buồn trong suốt 25 năm chăm sóc chúa sơn lâm. Ông Tâm kể, sau khi xuất ngũ về TP.HCM, tình cờ vào Thảo cầm viên chơi, gặp người bạn đang làm ở đây và xin vào cùng rồi gắn bó cho tới tận bây giờ. “Ban đầu cũng hoang mang lắm vì đã hoang dã thì con nào cũng hung dữ. Chỉ cần một tiếng gầm của nó mình cũng sợ khiếp vía. Khi nó gầm gừ phát ra âm thanh lớn lắm”, ông Tâm bộc bạch.

Đến nay, hầu như mọi thế hệ cọp Đông Dương, cọp trắng ở đây đều qua bàn tay chăm sóc của ông Tâm. Hiện tại, ở Thảo cầm viên có 4 cọp vàng, 7 cọp con và 2 cọp trắng trưởng thành. Trong đó, hai con cọp trắng được nhốt riêng; bao bọc chuồng cọp là bức tường bằng kính dày cộp. Phía trong có một chuồng nhỏ (gọi là chuồng ép) dùng để nhốt cọp vào mỗi sáng để người quản thú dọn dẹp vệ sinh. Mỗi con đều được ông Tâm đặt cho những cái tên rất “con người”: cọp Tuấn, cọp Nhất, cọp Nhị, cọp Xám…

Buổi sáng, ông Tâm trực tiếp vào chuồng cọp quét dọn vệ sinh, chiều cho cọp ăn thịt bò, gà. Cọp trưởng thành ăn mỗi ngày 5 - 6 kg, còn cọp con khoảng 2 kg. Cũng theo ông Tâm, khi chăm sóc cọp người nuôi cần phải làm đúng quy trình, nếu không sẽ dễ bị cọp vồ trúng. “Trước khi vô chuồng làm việc thì mình phải kêu tên hoặc tạo tiếng động ao, ao, ao na ná như tiếng kêu của nó để gọi nó vào chuồng ép rồi đóng cửa lại. Phải gài chốt và xem cho kỹ 2 - 3 lần, chừng nào thấy chắc ăn rồi mới vô dọn dẹp”, ông Tâm nói.

Dù rất kỹ tính nhưng cũng không ít lần ông Tâm bị cọp vồ trầy xước mình mẩy. Ông bảo: “Ai làm mà chẳng sơ suất. Khi mình không để ý ngồi quét dọn gần chuồng ép thì bị nó với chân ra cào xước tay chân là chuyện thường. Còn người lạ mà chỉ cần lảng vảng gần chuồng là nó chồm tới chồm lui, gầm gừ dữ lắm. Vì nó ngửi được mùi của người lạ đang xâm phạm lãnh thổ của nó”.

“Nó đang giận thì tốt nhất tránh xa”

Cách khu vực nuôi cọp khoảng chừng 200 m là nơi ông Trần Văn Tư (58 tuổi, ngụ TP.HCM), Tổ trưởng tổ chăm sóc voi ở Thảo cầm viên, đang lúi húi đưa từng miếng cỏ sữa cho voi ăn. Suốt 38 năm gắn bó với nghề quản tượng, ông Tư hiểu từng cử chỉ, ánh mắt của đàn voi. Dẫu vậy, không ít lần ông bị những con vật khổng lồ hất văng vào vách tường. “Lần đó, khi đang tập cho voi các tiết mục đá banh, đi qua cầu, thổi kèn… thì 3 con voi cái nổi hứng tranh đầu đàn nên chúng đánh nhau hất văng mình vào vách tường, còn chân thì bị chúng giẫm chảy máu phải đi khâu lại”, ông Tư kể.

Ngoài ra, những lúc xảy ra sự cố voi phá cửa ra khỏi chuồng ép, đích thân ông Tư phải gọi chúng vào vì “người lạ không thể tiếp cận”. “Nó đang giận dữ nên khi can thiệp mình phải thật khéo léo, chứ không nó đánh mình chết. Còn người lạ thì tốt nhất tránh xa. Ngay cả những người huấn luyện mà ít kinh nghiệm cũng phải dè chừng”, ông Tư chia sẻ.

Để thuần hóa được voi phải trải qua một quá trình rất gian nan và nguy hiểm nên những người làm nghề này phải có đam mê và lòng dũng cảm. “Khi mới đem voi từ rừng về để huấn luyện, vừa thả ra là nó dùng vòi “đánh” mình tới tấp. Nếu bị quật ngã thì mình phải bình tĩnh và dùng những con voi đã thuần hóa trước đó ép chặt con voi này rồi dùng xích cột chân lại để huấn luyện từ từ. Ở đây nhân viên kinh nghiệm chừng 1 năm thì tôi chỉ cho phụ chăm sóc vòng ngoài chứ chưa thể tiếp cận gần voi được”, ông Tư chia sẻ và cho biết: “Voi tính khí rất thất thường nên nếu không can đảm và có phương pháp thuần hóa bài bản thì rất dễ xảy ra tai nạn. Hằng ngày, khi đi kiểm tra nếu voi đi tới đi lui thì bình thường. Còn nếu nó đứng tại chỗ, mắt lim dim lườm lườm, hai tai dựng đứng, vòi để yên là phải tránh xa vì lúc đó nó đang giận dữ”.

Không chỉ có ông Tâm, ông Tư mà ở đây còn có rất nhiều người khác đang âm thầm làm nghề quản thú. Tuy vất vả và đầy hiểm nguy nhưng với họ công việc này đâu chỉ để mưu sinh, như lời tâm sự của ông Tư: “Để có được tiết mục bắt mắt thu hút khách tham quan thì cả người quản thú và voi phải tập luyện cả năm”; hay trăn trở của ông Tâm về những rủi ro của nghiệp chăm sóc thú dữ: “Đã hoang dã thì con nào cũng hung dữ, chủ yếu là mình đam mê và muốn gắn bó với nghề. Vì chỉ cần nhìn thấy cọp đẻ là mọi lo lắng, bất an đều tan biến”.

Voi quật, cọp vồ chết người

Ngày 23.12.2013, khi anh Đoàn Hữu Tài (27 tuổi, quê Vĩnh Long), nhân viên vườn thú của khu du lịch Đại Nam (P.Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) đi ngang qua chuồng voi thì bất ngờ bị con voi này vươn vòi quấn ngang người, nhấc bổng lên rồi quật mạnh vào cột bê tông khiến anh Tài vỡ sọ não và tử vong sau đó. Trước đó, ngày 10.9.2009, một con hổ trong vườn thú này nhảy ra khỏi chuồng vồ chết nhân viên của vườn thú là ông Nguyễn Công Danh (47 tuổi) và làm nhân viên khác là anh Nguyễn Văn Giàu (21 tuổi) bị thương nặng.

Đ.T

Đức Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.