Hội An cổ sự - Kỳ 4: Lời xưa răn dạy

02/10/2014 03:00 GMT+7

Đối chiếu bản hương ước Việt lần đầu phát hiện và bản điều lệ công nghị người Hoa ở Hội An, mới thấy những lời răn dạy của người xưa luôn nóng bỏng tính thời sự.

>> Hội An cổ sự - Kỳ 3: Lá đơn hơn 80 năm trước
>> Hội An cổ sự - Kỳ 2: Mối tình Việt - Nhật
>> Hội An cổ sự: Duyên tình nàng công nữ

Hội An cổ sự - Kỳ 4: Lời xưa răn dạy
Du khách nước ngoài tìm hiểu kiến trúc và nét sinh hoạt tại nhà cổ Phùng Hưng. Hướng dẫn viên là ông Lê Ngọc Thiệp (trái), người có tên trong cuốn Le guide du routard (Pháp) - Ảnh: H.X.H

Phong tục đôn hậu

Tú tài Nguyễn Tường Tiếp, người soạn bản Hương ước thập điều hồi cuối thế kỷ 19, chỉ khiêm tốn nhận 10 điều ước nêu ra “là các điều ít ỏi trong làng theo thiển kiến của tôi, chưa biết có thỏa đáng chăng, có gì xin đính chính”. 8 trang bản thảo viết bằng chữ Hán lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường nổi tiếng (có 3 anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam) ở P.Cẩm Phô đã gây ngạc nhiên lớn, bởi đây là bản hương ước Việt lần đầu được tìm thấy tại Hội An.

Hương ước lưu hành chính thức ít được phát hiện tại các làng xã Hội An trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán - Nôm, vì thế Hương ước thập điều ở nhà thờ tộc Nguyễn Tường gây chú ý đặc biệt. Riêng điều ước thứ 10 (làm cho phong tục đôn hậu) thôi cũng đủ thấy người xưa xem trọng tình nghĩa xóm giềng như thế nào: “Hương ước của Châu tử nói rằng: hoạn nạn giúp nhau, tật bệnh giúp đỡ nhau, đó là đôn hậu phong tục vậy. Phàm hương sắc, hào mục, lý dịch, lễ mừng, lễ điếu thì lui tới với nhau, lúc tật bệnh thì an ủi nhau. Tình phải gần gũi nhau, ví như một thể. Nếu có sai lầm thì lấy lời lẽ giúp nhau đính chính, không thể nói nặng lời, làm thương tổn hậu tục mà gây ra hiềm thù, kiện cáo”.

Qua bản dịch của nhóm nghiên cứu Trần Đại Vinh - Liêu Quốc Dũng chủ trì, cho thấy người dân làng Cẩm Phô vốn chuộng lễ nghĩa. Các điều ước xoay quanh chuyện ứng xử đời thường, như việc làm sáng tỏ nghĩa lý của tế tự, đạt đến lòng thành kính, chia đều ruộng đất, đề cao tiết kiệm, khuyến khích hữu công... Người xưa tỏ ý nghiêm khắc với các hành vi bòn rút tiền thóc của công, răn cấm thói ngoan cố hay buông thả rượu chè, cao ngạo bất kính. Kể cả chức sắc như lý dịch cũng không ngoại lệ. “Các lý dịch là đầu mục của dân làng, nếu có ai uống càn giữa đường hay quán xá, say sưa thì không chỉ nhục cho riêng thân mình mà còn là cho dân không sợ, để điều tiếng đối với làng xóm láng giềng, thuộc loại làm mất thể diện...”, điều ước thứ 8 chép rõ.

 

Khảo sát tình hình người nhập cư

TP.Hội An đang mở đợt khảo sát tình hình người nhập cư giai đoạn từ năm 1999 (khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới) đến nay. Thực trạng biến động dân cư trong quá trình đô thị hóa đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý phố cổ. Nhiều ý kiến gợi ý cần đặt trách nhiệm của người nhập cư, tạm trú (thuê nhà trong khu phố cổ để kinh doanh) ngang bằng với người chính cư, không đứng ngoài các quy định của địa phương... thì mới bảo tồn được nét văn hóa đặc thù ở Hội An.

Cả người Việt lẫn người Hoa ở Hội An đều gặp nhau ở tinh thần tương thân tương trợ. Thử đọc một đoạn ngắn trong Điều lệ công nghị khắc ở chùa Ngũ Bang (đường Trần Phú) sẽ rõ. Trước khi liệt kê chi tiết 10 điều nghị, những thuyền trưởng, chúng thương đã cùng nhắc nhau: “Ở đây hội họp bàn kế doanh sinh, không phải là việc bất chánh cho nên đã cùng nhau đồng tâm hiệp lực, giúp đỡ nhau lúc tật bệnh, phù trợ buổi nguy nan mới được hưởng nhân cửa phúc và hái quả lòng thành nhiều không kể xiết”. 

Làm chuyện xấu, cả phố biết liền !

Hội An là vùng đất “mở” từ nhiều thế kỷ trước, nhưng nhân tình thuần hậu cứ như khép kín trong một gia đình. Có một thời, người lạ nào vừa đến thì cộng đồng nhận ra ngay, ai có hành vi xấu cả phố biết liền. Suốt tuần họ cứ gặp nhau quanh khu chợ đó, rạp chiếu bóng đó, trường học và công viên đó... thành ra thân thiết, nhà ai có hỷ sự hay việc tang chỉ cần truyền tai nhau là đủ. Nhiều khách phương xa dạo một vòng thăm phố mới tần ngần nhận ra những tuyến đường dọc hình như không tiền không hậu, chỗ nào cũng có thể mở cửa đón anh vào chơi. Mặt hậu đường Trần Phú là mặt tiền đường Nguyễn Thái Học. Mặt hậu đường Nguyễn Thái Học là mặt tiền đường Bạch Đằng...

Nhưng sự lạ ở Hội An còn đến từ những “cấm đoán” ở thời hiện tại. Dư luận từng bàn tán chuyện thành phố không cho quán bar mở cửa sau 24 giờ trong khu phố cổ, dẹp dịch vụ mát xa hay hớt tóc thanh nữ, cấm công chức nhận phong bì, cấm đi xe máy đến công sở... Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, không né tránh: “Khi làm chủ tịch thành phố tôi đã cấm mát xa hay hớt tóc thanh nữ. Bản thân những dịch vụ đó không xấu. Nhưng nếu mình nhận thấy chưa quản lý được, thậm chí không quản lý được mà có nguy cơ nảy sinh tiêu cực, làm nát Hội An thì phải tính. Hội An không có mát xa vẫn sống được... Tất cả chỉ vì phố cổ trong lành hơn, thân thiện hơn. Và cảm giác ban đầu đó của tôi đến nay thấy đúng”.

Khách tản bộ trên phố Hội An thường tò mò nhìn các “mắt cửa” ở mặt tiền nhà cổ. Nhưng thực ra chính các “mắt cửa” đang dõi theo họ, và cùng với thanh chắn nơi bậc thềm nhắc nhở những người vào - ra nhà cổ, phố cổ về phép ứng xử. Các nhà nghiên cứu thống kê được hơn 20 kiểu chạm trổ “mắt cửa” khác nhau, nhưng dân gian chỉ nghĩ có một: đó là ánh nhìn nghiêm khắc, là cơ quan giám sát vô hình giống như lời người xưa từng răn dạy.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.