Cần sớm có quy định về giam giữ người chuyển giới!

02/10/2014 15:20 GMT+7

Người chuyển giới, nhất là tự chuyển giới mà chưa được công nhận giới tính mới thì vấn đề giam giữ sẽ như thế nào, giam giữ theo giới đã khai sinh hay theo giới tính mới đang được đặt ra, đặc biệt sau vụ "hot girl" chuyển giới Trâm Anh bị giam giữ.

Tội phạm là người chuyển giới và người chuyển giới ở Việt Nam không phải là hiếm, vì thế cần sớm có quy định về quy trình xác định giới tính, chuyển giới và công nhận giới tính đối với phạm nhân là người chuyển giới ở Việt Nam.

>>'Hotgirl chuyển giới' Trâm Anh sẽ bị giam phòng nam hay phòng nữ?

Vấn đề tạm giam, tạm giữ và chấp hành án tù giam (gọi chung là giam giữ) đối với người có giới tính nam hoặc nữ thì vẫn theo quy định của Luật thi hành án Hình sự và không có vấn đề gì. Song, đối với người chuyển giới, nhất là tự chuyển giới mà chưa được công nhận giới tính mới thì vấn đề giam giữ sẽ như thế nào? Giam giữ theo giới đã khai sinh hay theo giới tính mới?

Qua vụ việc của nhiều người chuyển giới phạm tội ở Việt Nam và mới đây nhất, ngày 30.9.2014, "hot girl chuyển giới" Trâm Anh, tức Nguyễn Văn Hiếu bị Công an phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bắt giữ vì hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đặt ra vấn đề: "Hot girl" Trâm Anh sẽ được giam ở buồng nam hay nữ? Câu hỏi này đang được dư luận hết sức quan tâm.


Nguyễn Văn Hiếu sau khi đã chuyển giới thành "hot girl" Trâm Anh - Ảnh: Facebook của nhân vật

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 15 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7.11.1998 của Chính phủ ban hành “Quy chế về tạm giữ, tạm giam” và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27.11.2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7.11.1998 của Chính phủ:

“(1). Phụ nữ; người chưa thành niên; người nước ngoài; người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; loại côn đồ hung hãn, giết người, cướp tài sản, tái phạm nguy hiểm; người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người bị Toà án tuyên phạt tử hình; người có án phạt tù chờ chuyển đi Trại giam.”

“(2). Không được giam, giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử. Việc giam, giữ riêng từng người do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam có thể được giam, giữ ở buồng riêng trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam”.

Theo quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010 tại điều 27 quy định về giam giữ phạm nhân cũng chỉ xác định các đối tượng thuộc các mức án khác nhau, nam giới, nữ giới… để xếp vào các trại giam giữ khác nhau.

Như vậy, toàn bộ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay không hề đề cập đến người chuyển giới, việc công nhận người chuyển giới hay trách nhiệm xác định giới tính của cơ quan có thẩm quyền giam giữ, phân loại phạm nhân khi xếp phạm nhân vào các trại tạm giam.

Điều này dẫn đến tình trạng, những người chuyển giới (tự chuyển giới) nhưng chưa được công nhận giới tính vẫn bị xếp vào các trại giam giữ theo giới tính được xác định trong giấy khai sinh của phạm nhân. Việc làm này tạo ra nhiều hậu quả bất lợi trực tiếp ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bị giam giữ thậm chí có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trong trại giam.

Hiện nay, các nước tiên tiến đã bắt đầu quan tâm đến người thuộc thế giới thứ 3 (cộng đồng LGBT) nói chung và người chuyển giới nói riêng trên tất cả các lĩnh vực nhằm đảm bảo bình đẳng, công bằng và nhất là tránh gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe cho những người này.

Trong vụ án gây trấn động ở nước Mỹ của binh sĩ Bradley Manning(**), tuyên 35 năm tù giam về tội làm lộ bí mật quân sự khi anh thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đột nhiên bị cáo tuyên bố là người chuyển giới. Lập tức, vấn đề tranh cãi pháp lý nảy sinh: Yêu cầu từ phía người chuyển giới là được giam ở buồng giam chung với phạm nhân nữ nhưng phía cơ quan chấp pháp thì lại thi hành án phạm nhân Bradley Manning tại buồng giam của nam trong quân đội. Cuối cùng, lý lẽ về quyền con người, quyền dân chủ và chống lạm dụng tình dục đã tạo ra cho Bradley Manning một chỗ giam mới (giam cách ly).

Song, việc giam cách ly cũng đã bị phạm nhân Bradley Manning phản đối vì ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe khi anh không thuộc trường hợp phải giam cách ly. Bradley Manning yêu cầu phải được tiếp tục chuyển giới và giam chung vào buồng giam nữ. Yêu cầu này được tranh cãi tại nhiều phiên điều trần tại tòa án và cuối cùng cũng đã được tòa án chấp nhận.

Thiết nghĩ, tội phạm là người chuyển giới và người chuyển giới ở Việt Nam không phải là hiếm, vì thế cần có quy định về quy trình xác định giới tính, chuyển giới và công nhận giới tính đối với phạm nhân là người chuyển giới ở Việt Nam.

Khuất Văn Trường*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống ở Hà Nội

** Ngày 21.8.2013, binh nhì Bradley Manning của quân đội Mỹ đã bị tuyên án 35 năm tù giam với tội danh cung cấp tài liệu mật cho mạng tin WikiLeaks trong vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.