Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng: Cần tăng thuế bia rượu

01/10/2014 03:00 GMT+7

Thuế thấp, giá bia đang ở mức rẻ nhất thế giới là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới ngôi vị quán quân của VN trong bản đồ tiêu thụ bia khu vực Đông Nam Á.

Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia để bảo vệ sức khỏe người dân -  Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Rẻ, đắt uống hết

 

Chúng ta sử dụng những biện pháp hành chính như cấm uống bia sau 10 giờ tối hay không bán bia vỉa hè... sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Cần sử dụng biện pháp kinh tế như tăng thuế để hạn chế người dùng

Luật sư Trần Xoa

Theo số liệu của chuyên trang về thông tin vật giá Numbeo.com vào giữa năm 2014, VN và Ukraine là hai nước rẻ nhất thế giới về giá trung bình của bia nội địa. Cụ thể, con số này là 0,59 USD/chai 0,5 lít (khoảng 12.000 đồng). Trong khi đó, nhiều nước, mức giá trung bình của bia nội địa từ 4,5 - 7 USD/chai 0,5 lít (từ 100.000 - 150.000 đồng/chai). Đó là chưa kể, những loại bia hơi VN được bán theo lít với giá chỉ 10.000 - 20.000 đồng/lít. Loại bia này được bán khá nhiều ở một số vỉa hè tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Tính ra, khách chỉ cần bỏ ra 3.000 - 5.000 đồng là có ngay một ly bia. Giá rẻ là một trong những lý do khiến người Việt, từ người có thu nhập thấp đến cao ngất ngưởng, đều có cơ hội thoải mái làm bạn với bia.

Nói như vậy không có nghĩa là VN chỉ có bia rẻ, những loại bia nhập đắt đỏ cũng được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa. Như bia Corona, Budweiser, Bit Burger, Leffe Brown, Hoegaarden White, MOA, Cooper, Bavaria, Royal Dutch... có xuất xứ Mỹ, Nhật, Mexico, Đức, Bỉ, Hà Lan... với giá cao gấp 2 - 3 lần so với bia sản xuất trong nước vẫn bán rất chạy. Chẳng thế mà sau một thời gian nhập khẩu, một số hãng đã chính thức xây dựng nhà máy tại VN để mở rộng thị phần. Đặc biệt có cả những loại bia chỉ dành cho đối tượng có thu nhập cao và siêu giàu với giá trên trời theo các đại lý, vẫn được bán đều đều. Như bia Hertog Jan Grand Prestge (Hà Lan), ABT12 (Bỉ) có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/chai 500 ml hay bia St.Paul Tripple, St.Sebastiann Dark và St.Sebastiann Grand Cr cũng nhập khẩu từ Bỉ gần 1,9 triệu đồng/thùng 6 lon.

Một chuyên gia Việt kiều làm việc hơn 45 năm trong lĩnh vực y khoa tại nước ngoài, hiện cố vấn cho một số dự án về y tế của Chính phủ VN, nhận xét: “Tôi may mắn có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu uống bia ngập ngụa như ở VN. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn không có một lý do nào cũng uống. Lạ quá. Thực tế, tại các nước kém phát triển, sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng rất lớn đến từ bia rượu. Về đây thỉnh thoảng trên truyền hình tôi thấy có những quảng cáo thực phẩm chức năng chống nóng trong người, nóng gan do uống bia rượu. Thực tế, cái gốc của vấn đề là hạn chế phát triển ồ ạt và “tệ nạn” uống bia tràn lan chứ không phải là trị cho hết... nóng gan”.

Tăng thuế để giảm uống bia

Chuyên gia trên cho rằng Chính phủ nên đánh thuế thật cao đối với sản phẩm có cồn. Ông dẫn chứng Singapore và Hồng Kông áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia rất cao, lên tới 100%. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị, mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của VN đang ở mức thấp. Nên tăng lên để hạn chế sử dụng trong nước.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, sức tiêu thụ bia tính bình quân đã lên đến 32 lít/ người/năm nhưng đó là tính bình quân chứ thực ra nhiều người, trong đó có phụ nữ, trẻ em không đụng đến bia. Nên tính đúng, đủ thì tỷ lệ sử dụng bia còn cao hơn”. Việc tăng thuế TTĐB lên 65% vẫn thấp hơn mức thuế suất 75% trước đây.

Với ý kiến cho rằng áp dụng thuế cao sẽ khiến mức đóng góp ngân sách của ngành bia giảm, ông Sơn phản đối và dẫn chứng, năm 2013, khi thuế TTĐB đối với bia tăng từ 45 lên 50%, lượng bia sản xuất và tiêu thụ không giảm đi mà lại có xu hướng tăng từ 2,7 tỉ lít lên hơn 3 tỉ lít, ngành bia nộp ngân sách tăng từ 14.566 tỉ đồng lên 18.859 tỉ đồng. “Việc tăng thuế suất đối với bia, người tiêu dùng không ảnh hưởng nhiều bằng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia”, ông Sơn nói.

Còn theo luật sư Trần Xoa, thuế TTĐB đối với rượu, bia ở nhiều nước đánh rất cao, gần đến 100% nên việc tăng thuế của VN là cần thiết. “Chúng ta sử dụng những biện pháp hành chính như cấm uống bia sau 10 giờ tối hay không bán bia vỉa hè... sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Cần sử dụng biện pháp kinh tế như tăng thuế để hạn chế người dùng. Và đây cũng là giải pháp mà nhà nước hỗ trợ cho các bà vợ khi khuyên chồng giảm bớt uống bia mà không được”, luật sư Trần Xoa nói.

Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Chắt, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN, cũng cho rằng thuế thấp đã góp phần cho giá bia tại VN rẻ hơn nhiều nước. “Thuế TTĐB áp dụng cho những sản phẩm xa xỉ hoặc những sản phẩm cần hạn chế để bảo vệ sức khỏe cho người dân nên về nguyên tắc, không ảnh hưởng hay lệ thuộc đến các đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Hơn nữa ngoài chính sách thuế, VN nên đưa ra những giải pháp đồng bộ khác tương tự như một số nước đã thực hiện như cấm bán bia cho trẻ em; những cửa hàng muốn bán bia phải có giấy phép. Nếu nơi nào vi phạm các quy định trên thì phải phạt thật nặng mới có thể hạn chế được việc lạm dụng bia trong đời sống xã hội”, TS Chắt nhận định.

Ng.Nga - M.Phương - Th.Xuân

>> Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng
>> Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng - Kỳ 2: Mỗi tỉnh có hơn 6 nhà máy bia 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.