Bệnh tim bẩm sinh - Câu chuyện của cả xã hội

29/09/2014 07:00 GMT+7

Ngày nay các chỉ số về dinh dưỡng, sức khỏe, chất lượng cuộc sống nước ta đã được cải thiện nhưng tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh (TBS) 1/1.000 trẻ sơ sinh vẫn chưa suy giảm. Trước con số trăn trở này, việc mang lại trái tim khỏe cho các em nhỏ đã trở thành câu chuyện của cả xã hội, câu chuyện của tình người.

Bệnh tim bẩm sinh – Câu chuyện của cả xã hội
TS.BS.Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tặng quà động viên bệnh nhi Trần Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: P.V

Miền Trung mắc bệnh TBS cao nhất

Bệnh TBS là các dị tật của trẻ thường xảy ra trong 8 tuần đầu thai kỳ, nếu không phát hiện sớm có thể dẫn đến tử vong do rối loạn tuần hoàn, hô hấp cấp tính. Bệnh có nhiều nguyên nhân như di truyền, mẹ nhiễm siêu vi khi mang thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ) như Rubella, Cytomegalo, Herpes hay nhiễm hóa chất, tia phóng xạ, uống rượu quá nhiều… Tuy chưa có nghiên cứu tỷ lệ trẻ mắc bệnh TBS giữa vùng sâu vùng xa so với các địa phương có đời sống cao hơn, nhưng phần lớn bệnh TBS thường rơi vào gia đình khó khăn, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của thai phụ cũng như kiến thức về chăm sóc, tầm soát thai kỳ không đảm bảo. Điều trị bệnh TBS rất tốn kém, các bệnh thường gặp như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp van động mạch chủ, hẹp hở van tim, tứ chứng Fallot... tiêu tốn 40 - 50 triệu đồng, nếu phức tạp có thể lên đến cả trăm triệu đồng, đó là điều quá sức với gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trái tim ngoài chức năng duy trì sự sống còn đại diện cho tâm hồn, nhân sinh quan, tình yêu thương của người với người, nên việc điều trị mang lại một trái tim khỏe còn có ý nghĩa cho đời một cuộc sống mới, thể hiện sự chia sẻ, cảm thông từ tâm. Vì lẽ đó, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ, gánh vác một phần trách nhiệm giúp bệnh nhân sớm có lại trái tim khỏe, cũng như cùng nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong do bệnh TBS. Theo báo cáo tổng kết của Quỹ Bảo trợ Trẻ em (BTTE) Việt Nam, 10 năm qua Quỹ đã hỗ trợ phẫu thuật TBS cho hơn 13.000 trẻ nhưng hiện vẫn còn 6.571 trẻ mắc bệnh TBS, nhiều nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ (1.699 em) và Nam Trung Bộ (1.214 em). Dự kiến năm 2014, Quỹ BTTE Việt Nam sẽ vận động các nhà tài trợ phẫu thuật 542 ca với kinh phí hơn 21 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Hội Bệnh nhân nghèo TP.HCM, Chương trình “Nhịp tim Việt Nam” - Quỹ tài trợ VinaCapital, Quỹ “Hiểu về trái tim”, Tổ chức “Trả lại Tuổi thơ”... cũng vào cuộc.

Hi vọng mới cho bệnh nhi

Trước đây, người dân thường nghĩ các kỹ thuật phẫu thuật cao như mổ tim chỉ có ở bệnh viện công lập trung ương hoặc tỉnh thành thì hiện nay các bệnh viện tư nhân cũng có thể đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ để triển khai. Điển hình có Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng - cơ sở y tế tư nhân duy nhất triển khai phẫu thuật và can thiệp tim mạch tại khu vực miền Trung cũng là bệnh viện thứ 2 sau bệnh viện Trung ương Huế triển khai phẫu thuật tim hở. Khi khúc giữa của dải đất chữ S này có số lượng trẻ mắc bệnh TBS cao nhất nước thì việc các bệnh viện công hay tư cùng chung tay vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân đã mang lại niềm tin mới cho bệnh nhân TBS. Từ đây, người bệnh hoàn toàn có thể giao phó trái tim mình đội ngũ cán bộ y tế địa phương, không cần phải đi đến Hà Nội, TP.HCM điều trị, vừa không tốn kém nhiều chi phí mà vừa giảm bớt gánh nặng chăm sóc sức khỏe ở 2 tỉnh thành vốn đang quá tải.

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi đã trở lại đội 6, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi thăm cháu bé Dương Thị Ly Na cùng gia đình. Nhìn cháu bé phát triển khỏe mạnh trong hạnh phúc, ít tai ngờ rằng chỉ mới hơn nửa năm trước, gia đình đã suýt mất bé vì bệnh thông liên thất, thông liên nhĩ cùng tăng áp phổi nặng. Đó là vào tháng 2.2014, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khám sàng lọc và phát hiện bệnh trạng Na không chỉ rất nặng mà còn suy dinh dưỡng. Các bác sĩ tiên lượng nếu không can thiệp kịp thời thì về sau sẽ rất khó chỉ định phẫu thuật được nữa và nguy cơ tử vong rất cao. Được quỹ “Vì những Trái tim bé bỏng” đồng ý tài trợ (gần 50 triệu đồng), cháu được đưa nhập viện ngay sau đó. Ca phẫu thuật thành công đã mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình bé, đồng thời cũng là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là ê kíp phẫu thuật tim Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khi Na là bệnh nhân tim nhỏ tuổi nhất (4 tháng tuổi) và nhẹ ký nhất (4,9 kg) được điều trị thành công. 

Cũng như Na, cháu Ngô Văn Duy (5 tuổi, trú xã Hoài Hải, H.Hoài Nhơn, Bình Định) hiện cũng đã có một quả tim khỏe mạnh như những trẻ cùng trang lứa. Phát hiện Duy bị thông liên nhĩ, tăng áp phổi từ sơ sinh, gia đình đã đi khắp nơi xin cứu giúp nhưng suốt 3 năm không thấy hồi âm. Trong khi đó, ba Duy là ngư dân Ngô Quang Sinh (46 tuổi) bị gai cột sống đã bỏ biển, mẹ Duy là bà Nguyễn Thị Diền (45 tuổi) làm thuê ở chợ không đủ nuôi gia đình nên không lấy đâu ra tiền phẫu thuật cho Duy. Trong khi cái nghèo chưa buông tha, thì thiên tai đã đến, ngôi nhà ven biển của gia đình bị xâm thực sạt lở, phải di dời vào thôn Diêu Quang. Trong lúc sức khỏe Duy ngày càng yếu, gia đình gần như tuyệt vọng thì Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã trực tiếp xin Tổ chức Trả lại Tuổi Thơ, Chương trình Nhịp tim Việt Nam - Quỹ VinaCapital tài trợ và phẫu thuật cho Duy ngày 5.6 vừa qua.

Cần phát hiện kịp thời

Một điều cần thấy rõ, chăm sóc sức khỏe được triển khai ở cả 3 giai đoạn: Tầm soát, phòng ngừa – Điều trị và Phục hồi chức năng. Điều trị là giai đoạn khi bệnh đã được phát hiện và nhiều khi đã chuyển sang thời kỳ nặng, tốn kém rất nhiều chi phí, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, giai đoạn sàng lọc để phòng ngừa, phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ hoặc còn ở thể nhẹ để tầm soát, ngăn chặn là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với bệnh tim. Thế nhưng chương trình khám sàng lọc bệnh TBS của địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa không dễ thực hiện do nhiều hạn chế về đội ngũ nhân lực y tế, trang thiết bị máy móc, nguồn kinh phí và nhận thức của người dân. 

Đầu năm 2014, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, tập đoàn tư nhân về y khoa được xem là lớn nhất hiện nay đã phát động chương trình “Viết tiếp câu chuyện trái tim”, và đã triển khai đến các địa phương khám sàng lọc gần 10.000 người dân, trong đó có hơn 5.000 trẻ em miền Trung, miền Nam và khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Rõ ràng, khi bệnh viện xem việc đến với vùng đảo xa hay miền núi hiểm trở, nghe từng câu chuyện của bệnh nhân cũng là trách nhiệm bên cạnh công tác tiếp nhận, khám chữa bệnh hằng ngày thì bệnh nhân mắc bệnh TBS có thể tự tin về cuộc sống tương lai của mình. Điều trị trẻ em mắc bệnh TBS là câu chuyện dài và cần tiếp tục chung tay nhiều hơn nữa. Điều quan trọng là khi cả xã hội, Nhà nước, doanh nghiệp, gia đình, cơ sở y tế cùng góp sức thì mục tiêu “Cho mọi trái tim đều khoẻ, cho một thế hệ mới vươn cao” sẽ không khó thực hiện.

Vừa qua, TS.BS.Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng thăm và tặng qùa cho bé Trần Hoàng Anh Tuấn (4 tuổi, trú xóm 6, xã Hoa Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) bị mắc bệnh tứ chứng Fallot. Trước đó Tuấn đã được phẫu thuật làm Blalock tháng 11.2013, đến nay sức khỏe tiến triển tốt và được chỉ định phẫu thuật chữa trị dứt điểm cũng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Tuấn đã 4 tuổi nhưng vẫn chưa nói được, 1 tay và 1 chân bị tật nên đi chưa vững, trong khi đó mẹ Tuấn bị bệnh thần kinh, bố thì bươn chải ở quê để nuôi cả nhà, hiện chỉ có bà nội đang chăm sóc Tuấn trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Chi phí phẫu thuật được Hội Bệnh nhân nghèo TP.HCM và Quỹ VinaCapital tài trợ.

 Bệnh tim bẩm sinh – Câu chuyện của cả xã hội

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.