Bệnh hiếu kỳ

28/09/2014 03:00 GMT+7

Đọc những thông tin về vụ cháy bar Luxury ở Hà Nội nửa đêm về sáng 24.9, điều làm tôi nghĩ ngợi mãi không phải là hậu quả hoặc nguyên nhân gây cháy mà là cái thói hiếu kỳ của không ít người Việt ta: thấy xảy ra chuyện gì cũng đổ xô vào xem, bất cần biết sự có mặt của mình không chỉ vô duyên mà còn thành tác nhân gây cho hậu quả thêm nghiêm trọng.

Không bực mình sao được. Ai đời khi bar Luxury phát cháy, hàng mấy trăm người, kể cả người đi đường lẫn dân chúng xung quanh, kéo đến để... xem, bàn tán, nhìn ngắm, chỉ trỏ, lấy điện thoại ra chụp ảnh, ken nhau hết cả đường đi lối lại, chả khác chi tiếp tay cho thần hỏa. Họ đã chẳng giúp được gì lực lượng chức năng mà trái lại còn cản trở những người thi hành công vụ, khiến việc chữa cháy càng phức tạp, kéo dài, hậu quả càng nặng nề. Tất cả do cái thói hiếu kỳ khó sửa.

Mà không chỉ thường thấy ở những vụ cháy, nhiều trường hợp dân chúng hiếu kỳ, tò mò, vô trách nhiệm khác cũng rất đáng trách, thậm chí cần lên án. Công an đang truy đuổi băng cướp hung hãn manh động có súng, chúng liều lĩnh chống trả, bất chấp hậu quả, vậy mà vẫn có không ít người chạy ra để “coi cho đã”. Từng có “khán giả” xem bắt cướp, đã đâu chả thấy, chỉ thấy trúng ngay đạn của bọn cướp, thiệt chính mình. Rồi khi gặp tai nạn giao thông, hoặc vụ tự tử nào đó, bao giờ cũng xuất hiện đám đông, nhưng người tham gia xử lý thì ít mà người kéo đến vì hiếu kỳ thì nhiều. Đành rằng hiếu kỳ, tò mò là thuộc tính của con người nhưng trong những vụ việc xã hội như thế, cần dẹp thói tò mò cá nhân đi. Khi chưa thể trực tiếp tham gia vào việc cứu hộ cứu nạn thì cũng đừng tự biến mình thành thứ vật cản lực lượng chức năng, đừng vô trách nhiệm với người bị nạn.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ đi học, cha mẹ và thầy cô luôn nhắc nhở khi gặp những đám đánh nhau, đụng xe, cãi vã gây mất trật tự xã hội... nếu mình không đủ sức can gián hoặc không có trách nhiệm giải quyết thì phải tránh xa, không phải để tránh thiệt thân, mà quan trọng là để những người có trách nhiệm dễ dàng làm nhiệm vụ. Gặp cháy nhà mà cứ đứng vòng trong vòng ngoài xem xét, chỉ trỏ thì dù lực lượng chữa cháy có đến sớm cũng đành phải thành kẻ chậm chân. Thầy tôi dạy vậy.

Không vì chuyện bực mình như đã nói ở trên mà chúng ta có thể phủ nhận trong rất nhiều vụ chữa cháy, tai nạn giao thông luôn có những đóng góp tích cực của quần chúng nhân dân khi họ phối hợp cùng công an, dân phòng dập lửa, cứu người, cứu tài sản nơi hỏa hoạn, tai nạn. Tuy nhiên, chuyện nào ra chuyện ấy, có công thì được khen, làm trái phải chịu phạt. Nghị định 167/2013 của Chính phủ đã nêu rõ những hành vi cản trở lực lượng chữa cháy làm nhiệm vụ có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Chả biết những người hiếu kỳ đã đọc được điều này? 

Nguyễn Thông

>> Hàng trăm người dân hiếu kỳ xem CSGT xử lý mô tô
>> “Rồng rắn” chờ mua cà phê: Hiếu kỳ hay hâm mộ?
>> Tai nạn vì hiếu kỳ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.