Trình lại đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

27/09/2014 01:57 GMT+7

Sáng nay 27.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo đề án đổi mới CT-SGK sau năm 2015.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ GD-ĐT lần này: chương trình sẽ được xây dựng thành một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12. Thiết kế chương trình theo 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp THCS) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Đảm bảo tính hoàn chỉnh, linh hoạt, liên thông, thống nhất trong và giữa các cấp học. Tích hợp cao ở những lĩnh vực/môn học có nội dung gần nhau ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh ở THPT bằng việc cho học sinh tự chọn các môn học, chuyên đề học tập phù hợp với bản thân. Giảm số lượng môn học bắt buộc và tăng số lượng các môn học, chuyên đề học tập tự chọn...

Tờ trình cũng sẽ đề xuất phương án sẽ có nhiều bộ SGK trên cơ sở một chương trình chuẩn. Tuy nhiên, có hai phương án trong việc biên soạn. Phương án 1, Bộ chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ sách; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách hoặc các cuốn SGK khác. Phương án hai, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn, Bộ chỉ tổ chức biên soạn những sách mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.

Tờ trình lần này cũng sẽ có dự kiến kinh phí - nội dung mà tờ trình lần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu bổ sung. Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, dự kiến kinh phí cũng sẽ theo hai phương án gồm: kinh phí cho cả biên soạn CT-SGK, hoặc kinh phí chỉ biên soạn chương trình. Kinh phí mà Bộ sẽ đề xuất là khoảng hơn 100 tỉ đồng.

Tuệ Nguyễn

 >> Sẽ có sách giáo khoa riêng của TP.HCM
>> Bộ GD-ĐT vẫn muốn biên soạn sách giáo khoa
>> Ai trả tiền cho sách giáo khoa điện tử?
>> Lộ trình biên soạn sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.