Tranh luận gay gắt về cụm thi

27/09/2014 09:00 GMT+7

Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu tranh luận gay gắt tại Hội nghị công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức ở TP.HCM sáng 26.9 là vấn đề cụm thi.

Tranh luận gay gắt về cụm thi
Các trường ĐH không bắt buộc phải dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 để tuyển sinh. Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Để học trò dự thi ở cự ly gần nhất

Bàn về cụm thi, các đại biểu có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, bày tỏ nhiều lo lắng: “Việc thí sinh dồn về một cụm thi, áp lực sẽ rất lớn về chỗ ở và phòng thi cho thí sinh. Trước đây chúng ta thi ÐH có 2 đợt và phân tán ra nhiều vùng. Nay dù chia ra 30 cụm thi nhưng các địa bàn điều kiện cơ sở vật chất khác nhau, số trường thì nhiều nhưng sẽ không đủ phòng thi chuẩn. Thêm nữa, sẽ có những nơi mà khách sạn không có để học sinh vào ở. Bộ cần phải lường trước những vấn đề này để có lời giải”. Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nói: “Bộ nên mở rộng cụm thi ra nhiều địa phương hơn là thu hẹp địa điểm thi để tránh học sinh phải di chuyển nhiều. Khi đó, các trường ĐH sẽ tăng cường giám sát kỳ thi này nhằm đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi”.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đồng tình khi cho rằng: “Chúng tôi chấp nhận di chuyển chứ không nỡ để thí sinh phải đi xa. Chúng tôi thực sự lo lắng việc di chuyển, ăn ở của số đông học sinh trong suốt 4 ngày thi”. Đại diện Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang đề nghị cách thức tổ chức kỳ thi giữ nguyên như các năm trước. Để đảm bảo nghiêm túc, việc chấm thi sẽ được tổ chức riêng tại các cụm thi. Như vậy kỳ thi sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, làm được ngay trong năm 2015 mà không phức tạp.

Ngược lại, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, không đồng tình việc mở rộng cụm thi ra nhiều địa phương với sự tham gia giám sát và tổ chức của các trường ĐH trên địa bàn đó.

Trước các tranh luận này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), nói: “Cụm thi sẽ được xây dựng phù hợp dựa trên nguồn lực của các trường ĐH và địa phương cũng như về địa lý để học trò có thể dự thi ở cự ly gần nhất. Thay vì phải di chuyển đi xa như kỳ thi ĐH trước, cụm thi năm nay ngược lại còn giúp giảm tải cho thí sinh”. Cũng theo ông Trinh, theo thống kê có khoảng 17 - 20% học sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nếu thực sự các địa phương khó khăn, Bộ sẽ cân nhắc phối hợp với sở GD-ĐT để mở thêm một vài cụm thi địa phương. Ở các địa phương này sẽ được tăng cường thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát xã hội để tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ làm việc với địa phương để tính toán phương án cụ thể nhất, có thể không nhất thiết phải tập trung thí sinh để thi hết tại Hà Nội hoặc Cần Thơ rồi gây ra tình trạng quá tải.

“Lấy học trò thí điểm đổi mới thi cử”

Khi nói về một kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, ông Dương Thế Phương bức xúc nói: “Trong vai trò quản lý sở, 10 năm qua tôi đã chứng kiến sự thay đổi kỳ thi này không biết bao nhiêu lần. Năm trước một phương án mới, năm nay lại khác và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn nói có thể đây chưa phải là phương án cuối cùng. Chúng ta đang lấy học trò thí điểm đổi mới thi cử, về mặt nào đó là chưa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 29”. Ông Phương tiếp tục chỉ ra nhiều lúng túng của Bộ trong việc này. Ông Phương nói: “Theo Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam, đổi mới thi cử phải là bước cuối cùng nhưng chúng ta đang làm ngược lại”. Từ những điều này, ông Phương nhận định: “Đến thời điểm này các sở GD-ĐT phải chấp hành đề án kỳ thi THPT quốc gia nhưng không mấy thoải mái và còn nhiều băn khoăn”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời: “Tôi nhấn mạnh, chúng ta không thể nói kỳ thi này là kỳ thi 2 trong 1 mà đó là kỳ thi THPT quốc gia. Năm nào kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được báo cáo thành công nhưng xã hội không tôn trọng và tin tưởng. Dư luận chỉ tin tưởng vào kỳ thi 3 chung, nhưng năm nay không thể tổ chức…” (vì theo luật Giáo dục ĐH thì các trường được tự chủ tuyển sinh nên không còn kỳ thi 3 chung - PV).

Ông Luận tiếp tục: “Nói phải đổi mới chương trình trước khi đổi mới thi cử là đúng nhưng chưa đủ. Vì nếu vậy thì phải chờ ban hành xong chương trình mới, sách giáo khoa mới, tập huấn xong thì mới bắt đầu đổi mới học và thi cử… Đó là lý do việc đổi mới thi cử cần phải xoay chuyển từng bước ngay từ bây giờ, học và thi phải thay đổi liên tục”.

Không thay đổi định dạng đề thi

Theo ông Mai Văn Trinh, đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 về căn bản sẽ có định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đề sẽ có câu dễ và khó, từ mức độ cơ bản phù hợp hầu hết thí sinh, và chỉ cần thí sinh giải quyết được các câu hỏi cơ bản đó là đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở bảo đảm chuẩn tối thiểu này, việc tổ chức dạy học cũng cần giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường để có thể giải quyết được các bài tập khó, có tính phân hóa để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đề thi sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2014.

Hà Ánh

>> Một kỳ thi THPT quốc gia: Sao không để học sinh thi tại địa phương?
>> Một kỳ thi THPT quốc gia: Có tháo khoán cụm thi địa phương ?
>> Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong 4 ngày
>> Cần thiết phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.