Chim hót tháng năm

28/09/2014 03:00 GMT+7

Đó là một buổi sáng mưa nao niết. Tôi và Khánh ngồi bên hiên nhà mà tưởng đang ngồi trong một sáng mưa nào đó của quá vãng, khi bảy, khi tám, khi chín tuổi gì đó, khi tôi và Khánh cũng có nhiều buổi sáng mưa bình yên, ngồi bên cửa chờ mẹ đang xăm xăm đâu đó ngoài màn mưa kia, trở về.

 
Minh họa: Tuấn Anh

Chiếc xe đạp lóc cóc về tới ngõ là hai chị em tôi ùa ngay ra, lục tìm trong giỏ mẹ. Có khi mẹ ra chợ bán rau lang, được tám ngàn, mua cho Khánh và tôi mỗi đứa một bịch chè. Có khi mẹ bán được chục trứng gà, chị em tôi được hai trái bắp luộc. Trước hiên nhà mỗi sáng mưa chờ mẹ, Khánh gấp chiếc thuyền giấy, thả xuống đám nước đục ngầu. Thuyền chưa chạy đến giữa dòng đã ngấm nước, đã bị mưa nhấn chìm. 

 Buổi sáng này trời vẫn mưa, vẫn mưa. Nhà ai đó mở nhạc không lời da diết. Khánh ngồi nhìn ra trời, cái nhìn như thể hối tiếc, trăn trối, như thể buổi sáng này là buổi sáng cuối cùng. Khánh cởi trần, chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Bộ quần áo dính mưa lúc ba giờ sáng, lúc Khánh ngồi chờ sáng, chờ tôi mở cửa vẫn đang còn phơi bên hiên nhà. Chiếc quần jeans dày cộm, chiếc áo thun ngấm nước - không có dấu hiệu gì chúng sẽ khô trong một ngày ẩm ướt như hôm nay. Tôi tưởng, đó sẽ là lý do để giữ Khánh lại, dù chỉ thêm chút ít thời gian, dù tôi không biết phải nói gì với Khánh, phải tự mượn cớ với chính mình rằng bởi lâu lắm rồi không còn nhìn thấy nhau, không còn biết gì về nhau, nên câu khuyên răn, câu an ủi thả ra cũng thành lạc lõng. Dường như Khánh đã đọc được điều đó trong tôi. Khánh nói, em ngồi đây, uống hết ly trà rồi đi. Khánh không quay lại nhìn tôi. Tôi nói ừ, nghe hơi mình thoát ra khỏi môi lạnh ngắt, cảm giác buổi sáng này đã trở thành buổi sáng từ biệt. Mà thật ra, có phải là buổi sáng nay mới là lời từ biệt?

Bốn năm qua, Khánh vẫn ở đâu đó giữa thành phố này, mỗi năm chúng tôi gặp nhau vài lần, vào đợt mẹ nhập viện mổ bướu cổ, vào đợt mẹ giận chị Ly, bỏ nhà ra đi, dọa tự tử chết, gọi Khánh tới ăn bữa ăn cuối cùng. Thảng hoặc, trong những ngày tối tăm của cuộc đời, trong những khi tôi ngồi đối diện với màn hình máy tính, thương vay khóc mướn gì đó về thân phận trôi dạt ngoài kia, tôi nghĩ, giờ này Khánh đang làm gì, đã ăn gì chưa, dạo này sống ra sao? Tôi muốn nhấc điện thoại, muốn gọi cho Khánh, muốn hỏi giản đơn, mà lời không thốt ra được. Chúng tôi đã nhốt mình trong căn phòng trơ trọi của riêng mình, không muốn ai quấy rầy. Không có chìa khóa để mở cửa căn phòng tăm tối đó.

Buổi sáng này, trên tấm lưng trần vâm vấp tuổi hai mươi lại có thêm mấy hình xăm mới. Một cánh hoa hồng. Một biểu tượng cho cung Sư Tử - cung ngày sinh của Khánh. Bên vai trái, một bức chân dung Phật tổ đang cười an nhiên.

- Không ngờ người ta nói đúng ghê. Không nên xăm hình phật, hình rồng lên người, thể nào cũng dính họa tù tội.

Khánh điềm nhiên buông ra lời giải thích gọn gàng cho việc ba giờ sáng mưa, Khánh tìm về nhà, dù mẹ không gọi, dù mẹ không dọa tự tử. Hôm qua, Vinh chìa cho tôi tờ báo có tấm hình Khánh ở mục truy nã. Trên bài báo viết, Khánh cùng ba đứa thanh niên nữa, đã tham gia một vụ cướp. Tôi nhìn Khánh, chờ đợi một lời giải thích, để biết rằng đứa em của tôi vẫn đang ở đây. Đứa em có thể hư hỏng, hút thuốc năm mười hai tuổi, đứa em đánh nhau lỗ đầu với một thằng lớn hơn nó ba tuổi vì thằng này dám chửi cha nó, bỏ học năm mười sáu tuổi, đón một chuyến xe dù, bỏ đi biền biệt không về, nhưng nó sẽ tuyệt nhiên không làm chuyện độc ác như vậy. Đáp lại ánh mắt tôi, chỉ là sự thinh lặng. Hết màn mưa, Khánh đứng dậy ra hiên lấy bộ quần áo vẫn còn đang ướt. 

- Hết ly trà rồi, em đi.

Em đi. Tôi nghĩ, sợi dây liên kết giữa tôi và Khánh chỉ còn lại ở cách xưng hô này. Trong xóm nhỏ, khi những đứa con nít thích gọi chị nó bằng mày đáp trả bằng tao, bằng bà xưng tui thì Khánh vẫn một tiếng chị, hai tiếng xưng em với tôi, dù có bị tôi đánh đòn oan ức trút giận đến sưng vù môi, đến chảy máu tay, dù người ta cho rằng chúng tôi là những đứa trẻ không có cha dạy dỗ, mất dạy. Em đi. Tôi đứng nhìn dáng Khánh lầm lũi trong một buổi sáng mưa như những buổi sáng mưa mà tôi đã làm thơ ca ngợi sự lãng mạn, an lành. Sự an lành dối trá.

***

- Nếu bây giờ chị Ly vẫn như hồi trước đây, chắc chị Ly sẽ có cách cứu Khánh.

Trên ti vi, những phân cảnh vô hồn nối nhau. Vinh nói bâng quơ. Chị Ly đang tha thẩn đâu đó trong nhà, không nghe thấy lời chúng tôi. Chắc chị đang nói chuyện với con chó Lucky hoặc nguệch ngoạc vẽ gì đó lên tường. Tôi không nói gì với Vinh, như thể chưa nghe thấy lời Vinh nói. Chị Ly, nếu còn như hồi trước đây, chị sẽ có cách cứu Khánh? Tôi không biết chị Ly sẽ làm gì, và cũng không biết nếu là chị Ly của hồi trước đây, tôi sẽ mở miệng nhờ vả như thế nào? Mấy tháng nay, tôi đã quen với chuỗi câu nói lặp đi lặp lại chị Ly, tới giờ ăn cơm rồi nghen, chị Ly chơi với Lucky, không được cắt lông nó, không được cắn nó nghe chưa, nó là bạn của chị Ly mà, chị Ly ở trong nhà, đừng cạy cửa, em đi rồi em về, lúc về sẽ mua cho chị Ly một cây son môi đỏ tươi thật đẹp, hôm qua em quên, hôm nay nhất định nhớ. Đó là những lời tôi nói nhiều nhất suốt mười bảy năm qua với chị Ly, khi chị Ly không như hồi đó. Tình thế này khiến tôi thấy nhẹ nhõm mơ hồ, thấy mình ít nhiều may mắn vì đã không phải mở miệng nói lời nhờ vả gì đó với chị Ly. Không ai lại đi nói một câu chuyện dài hơi, không ai nhờ một người đang bị chứng tâm thần phân liệt, thêm chứng nhớ trước quên sau giúp đỡ, cho dù người đó từng là một người giỏi đến thế nào đi chăng nữa.

***

Ngày chị Ly đập phá đồ đạc trong căn hộ, luôn miệng hỏi Vinh là đứa nào, có phải muốn lừa gạt, tới đây để giết chị Ly hay không, đôi mắt Vinh ngân ngấn nước, miệng mếu máo, luôn miệng hỏi tôi rằng chị Ly đang bị làm sao? Chị Ly bị làm sao mà không còn nhận ra Vinh, đứa em gái ruột của chị Ly? Chị Ly bị làm sao mà tự lấy kéo sởn tóc mình nham nhở, tô son đỏ choe choét trên môi, ngồi cười ngờ ngờ nghệch nghệch, có lúc gọi mình bằng cái tên xa lạ nào đó. Không khó để người ta kết luận rằng chị Ly bị chứng hoang tưởng, tâm thần phân liệt và mất trí nhớ.

- Không có bất cứ lý do gì khiến chị Ly trở thành người bệnh tật như vầy hết.

Vinh ngoan cố, vớt vát tia hy vọng cuối cùng. Các cuộc điều tra của Vinh nhanh chóng được tiến hành nhưng không đưa đến một lời giải thích nào. Chị Ly - một nhà báo giỏi, mới làm việc ba năm đã là cây viết “đinh”. Cuộc sống quanh chị không có bất cứ dấu hiệu lạ nào để khiến chị phải căng thẳng, khủng hoảng đến độ sinh bệnh, ngoài lời đồn của vài người ghen ghét - kiểu lời đồn quen thuộc cũng vô thưởng vô phạt, nói chị ngủ với sếp mới được trọng dụng, nhưng chính họ cũng không thể phủ nhận tài năng của chị. Bài viết của chị sắc sảo, thông minh, tinh tế. Thi thoảng, chị lạm dụng sự thông minh đó dẫn đến các status trên Facebook của chị lấn cấn sự cay nghiệt (nhưng, cũng có thể là tôi và Vinh lầm, vì chị hiện diện trong mắt bạn bè Facebook luôn đẹp, luôn xinh, luôn sâu sắc, tinh tế, bạn bè chị đều không tiếc lời comment khen ngợi). Người yêu công khai của chị Ly lịch lãm, tinh tế, yêu thương, chiều chuộng chị. Anh cao một mét bảy mươi tám, sơ mi lúc nào cũng thẳng thớm, giày không dính một vết bụi. Nụ cười anh vừa phải, giọng anh trầm ấm. Ngày bác sĩ nói chị Ly bị bệnh, tôi thấy anh gục đầu vào hai tay, nói lỗi tại anh. Anh lịch sự đến vậy kia mà. Tôi nói với Vinh, thôi đừng tìm kiếm gì nữa, trong cuộc đời này không phải chuyện nào cũng có thể có lời giải thích. Khi tôi nói điều đó, lòng lạnh ngắt.

Tôi nhìn chị Ly đang tha thẩn nằm dài trên sàn nhà, ánh mắt dài dại đếm đi đếm lại từng miếng giấy nắm trong tay, lòng dâng lên nỗi khoái cảm lạ lùng. Trong mắt tôi, hình ảnh chị Ly luôn là cô gái có mái tóc dài xõa vai, uốn xoăn quyến rũ. Chị luôn thích mặc váy dài. Đàn ông nhìn chị không quá ba lần đã muốn xin số điện thoại của chị. Còn chị nhìn tôi, tôi luôn cảm thấy trên đôi môi đỏ của chị là nụ cười dè bỉu từ bộ quần áo tôi mặc, màu son tôi xài, kiểu tóc lạc mốt của tôi cho đến cách dùng từ cùn cũ hay những bài thơ không thể thoát khỏi vũng lầy yếu đuối, ngu muội. Ở trường học, chị Ly luôn đứng đầu, còn tôi là cái bóng cần mẫn phía sau chị, là vật phẩm được tặng kèm khi người ta nhắc cái tên Vân Ly. Tôi thôi nói chuyện với chị từ dạo tôi nhận ra trong xấp thư chị ném chỏng chơ trên bàn học, có nét chữ quen của người tôi yêu quý, từ dạo trong giấc mơ tôi cũng thấy nụ cười của chị. Tôi chuyển nhà ra sống riêng, rời khỏi ngoại ô, viện cớ phải làm đêm, đi về không tiện. Những đêm trong căn phòng mười sáu mét vuông, tôi thấy tôi đang tự ăn da thịt mình. Tôi đi vào bụng mình, chỉ thấy toàn bóng đêm rồi chết ở đó, không tài nào ra được. Giật mình tỉnh giấc, tôi lại cố nhắm mắt, muốn biết mình đã chết ra sao, cảm giác có đau đớn, có tuyệt vọng, có cầu cứu ai không? Tôi làm thơ, tôi viết, tôi mài tôi, mài sự tuyệt vọng, tị hiềm ác độc trong tôi ra trang giấy, thấy chị Ly quẫy đạp trong vũng bùn tôi cố nhét chị vào. Tôi chỉ một đôi lần chùng tay khi từ phía bờ chữ xa xa kia, thấy mẹ đang nhìn tôi, nhìn chị Ly. Chỉ có chị Ly chịu ở cạnh mẹ. Chỉ có chị Ly là người vẫn thì thầm nói chuyện với mẹ, vẫn dỗi hờn, vẫn chịu sự trách móc, cay nghiệt của mẹ mỗi khi mẹ lên cơn say.

Đôi khi, tôi thấy mình đóng vai của mẹ. Mẹ tôi, đang ngồi đâu đó trong một căn phòng sáng đèn, nhìn bốn đứa mang danh phận con của mình, mỗi đứa như một viên đá lạnh thả mình trong dòng nước, trôi đi, tan biến dần dần. Chúng tôi, bốn đứa sống ở bốn căn phòng khác nhau, trong thành phố này. Bốn đứa nhốt mình ở nơi mà mẹ không tài nào mở cửa được. Và nếu mẹ có đứng ngoài cửa gõ cửa, không biết chúng tôi có mở cửa hay không? Chúng tôi nhốt mình trong nỗi cô độc mà mẹ không thể thấu hiểu.

***

Năm tôi chín tuổi, Khánh ba tuổi, chị Ly và Vinh về nhà chúng tôi. Tôi đi học về, nghe tiếng lạ trong nhà, nhìn hai đứa con gái mái tóc loe hoe, bận hai bộ đồ bộ giống nhau, chỉ khác nhau về kích cỡ, đang đứng khoanh tay khép nép chào mẹ tôi. Mẹ ngoắc tay tôi, nói chào dượng đi con. Chị Ly lớn hơn tôi ba tuổi, sẽ là chị của tôi. Vinh tuổi Ngọ, nhỏ hơn tôi một tuổi, nhưng lớn hơn Khánh. Vinh sẽ gọi tôi bằng chị, gọi Khánh bằng em. Mẹ nhanh chóng phân chia thứ bậc trong gia đình. Vậy là xong, nhà có thêm một người đàn ông và hai đứa con gái.

Gia đình - hai tiếng đó, mỗi khi nghĩ đến lại nghe chúng nhảy múa loảng xoảng trong đầu. Ba chị Ly đi làm trong đoàn xiếc, nay đây mai đó. Ông gửi chị Ly và Vinh, gửi lại lời hứa hẹn, mong ước về một gia đình đủ đầy, có cha, có mẹ chỉ bởi hôm mẹ tôi dúi vào tay ông hai bộ đồ bộ, nói cho hai đứa con gái mặc. Con gái lớn rồi, đừng để tụi nó mặc quần lủng đít. Ông nghĩ, người đàn bà như vậy sẽ không bao giờ hắt hủi, ác độc với con ông. Nên ông đã chọn mẹ, dành hết số tiền chắt chiu để mở tiệm tạp hóa cho mẹ tôi. Tôi không nhớ gì về ông, ngoài giọng nói nghe hiu hắt, gọi chú là cha, đừng gọi dượng, nghe ác lắm. Tôi nói, tôi không có cha, từ nhỏ tới lớn chưa gọi cha bao giờ, thấy dáng ông lầm lũi đi ra phía sau nhà. Lúc đó, tôi nghĩ, rồi sẽ có ngày mình quen, rồi sẽ có ngày mình nói được tiếng cha, như Khánh vậy. Rồi cũng sẽ có lúc mình thử quấn quýt với người xa lạ này, như cái cách Khánh hào hứng ngồi trên chiếc xe đạp sườn ngang, để cha chở đi khắp xóm khoe cái chong chóng giấy cha mới mua cho. Nhưng tôi chưa kịp học nói tiếng cha, ông đã đi rồi. Đó là một trưa mùa hè ắng lặng đứng gió, ngọn cây đứng im. Chỉ nghe tiếng xe cộ hun hút trên đường quốc lộ. Thím Năm Thích đầu xóm hớt ha hớt hải chạy về thông báo với mẹ tôi, ông Long ổng bị xe tông, nằm im trên đường, không kịp đưa đi cấp cứu.

 Dượng đi, chị Ly và Vinh ở lại. Hàng xóm nói số mẹ tôi khổ, tưởng được yên thân, giờ phải đèo bòng thêm hai đứa không máu mủ ruột rà. Mẹ tôi cười cười, hồi ổng còn sống, ổng tốt với tui lắm. Hẳn chị Ly cũng thường nghe hàng xóm nói vậy, nên chị không bao giờ làm mẹ phật lòng. Chị học giỏi, đứng đầu khối. Chị ngoan ngoãn, sau giờ học là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Chị giữ từng cái nồi nấu cơm, kho cá sáng choang, dù nhà tôi nấu ăn bằng bếp củi, đâu cần thiết xoong nồi phải giữ màu sáng? Mỗi ngày chị quét con ngõ dài hai lần sáng chiều, không một lá cây rụng hay một ngọn cỏ làm chướng mắt người nhìn. Duy chỉ có lần, bà Bảy già thấy chị lượm mót trái ổi sẻ đứa trẻ nào ăn ngán bỏ ngang trên ngõ và chị ăn ngon lành khi đang quét ngõ. Họ nói mẹ tôi là bà dì ghẻ ác độc, bỏ đói chị Ly, đến nỗi chị Ly phải đi lượm mót mà ăn. Có những chuyện không giải thích được, bởi người ta không tin, bởi người ta vốn tin vào thói quen. Như khi Khánh bị thím Hai Di đổ tội ăn cắp cái ca múc nước bằng inox từ thời chống Mỹ, bị tôi đánh đến sưng vù môi, Khánh vẫn nói em không lấy, nhưng không ai tin, cho tới một mùa hè nào đó lúc người ta cào giếng, thấy cái ca inox ngập bùn dưới đáy giếng. Trí nhớ người lớn vốn bộn bề, làm sao nhớ được mấy chuyện vặt vãnh, làm sao nhớ được mình từng đổ oan cho một đứa nhỏ? Chỉ có đứa nhỏ là nhớ, là lớn lên với ý nghĩ rằng mình là đứa không ra gì, không được dạy dỗ đàng hoàng. Đứa không được dạy dỗ đàng hoàng thì không làm nên được chuyện gì, dù có sống tốt, muốn làm người tốt cũng không ai muốn tin. Đứa nhỏ mười hai tuổi đó đã cầm đá phang lỗ đầu đứa dám chửi cha nó (mà là cha nào?). Đứa nhỏ sinh ra oán ghét con người, bởi sau khi dượng nó bị xe tông chết, mẹ nó cầm cuốn sổ nợ ở tiệm tạp hóa đi đòi nợ, ai cũng nói đã trả rồi nhưng chắc ổng quên chưa gạch sổ.

***

Từ ngày chị Ly bị bệnh, tôi và Vinh phải quay về nhà, chia nhau phụ mẹ trông coi chị Ly vì đã hai lần mẹ bắt gặp chị Ly muốn treo cổ tự tử. Vinh khép nép bên cửa, vạt váy dài không che được cái bụng lùm xùm, đoán chừng đã sáu, bảy tháng. Tôi chặc lưỡi, lâu quá rồi không gặp. Nhanh quá, mới đó đã một năm rồi phải không Vinh? Ừ, một năm rồi chứ ít ỏi gì đâu. Tôi nói với Vinh mà như nói với chính mình. Một năm, tôi chuyển việc hai lần, thay chỗ trọ bốn lần, thay ba người đàn ông. Tình yêu đã chết từ lâu lắm, vào năm tôi hai mươi hai tuổi, khi vợ người đàn ông tìm đến cửa phòng trọ. Tôi không thất vọng vì người đàn ông đã vẽ cho tôi ảo ảnh tươi đẹp, chỉ thất vọng với cuộc đời, rằng sao người ta có thể dối trá, trơ trẽn đến vậy? Sao người ta có thể chối phăng mọi lời yêu thương đã nói. Sao những người bên cạnh người đàn ông đó mới hôm qua còn gặp tôi, còn tay bắt mặt mừng, còn nói lời chúc phúc, nay đã thề thốt rằng chưa từng quen biết, rằng tôi là con hồ ly quyến rũ đàn ông? Sau hai mươi hai tuổi, trong tôi chỉ còn sự gắn kết tạm bợ với người đàn ông mình chọn hoặc chọn mình. Nhắn tin tình cảm yêu thương qua điện thoại, anh nhớ em, em nhớ anh, mình gần nhau trưa nay nghen, chúng ta sẽ thử một cái gì đó mới lạ, và những tin nhắn mà trong khi gửi đi đã thấy tởm lợm với ngón tay mình, mắt mình. Làm tình trong nhiều khách sạn, để rồi ngay lập tức vơ lấy khăn quấn lên người, sau đó ngồi thật lâu trong bồn tắm, tự mình vày vò, thỏa mãn cơ thể mình. Phải biết giấu đi nỗi cô đơn, giấu đi sự bẽ bàng trong đáy mắt.

- Bây giờ, em không làm gì, chờ sinh nở thôi, nên em sẽ trông coi chị Ly. Em biết, chị cũng không muốn ngày ngày đối mặt với chị Ly.

Một bữa nào đó trong chuỗi ngày chúng tôi chung mái nhà, Vinh nói nhỏ như chờ đợi lời phản đối từ phía tôi, như để Vinh có thêm hy vọng về sợi dây tình cảm vốn rất mơ hồ giữa tôi và chị Ly, và Vinh.

- Vậy chị sẽ phụ em chút tiền, để em lo chuyện sinh nở.

Tôi thẳng thừng, ngụ ý không muốn mang nợ Vinh. Vinh không nói gì thêm. Dáng Vinh nặng nhọc đi chuẩn bị bữa ăn cho chị Ly. Tôi nhìn Vinh từ phía sau, vẫn còn bỡ ngỡ, không biết có phải đó là Vinh hay không? Đó có phải là đứa con gái tóc tém sát rạt, loe hoe vàng, luôn cười thật tươi trong năm tháng ấu thơ? Tôi càng ngày càng thấy mơ hồ với mặt người quanh mình. Chứng tâm thần phân liệt là chứng bệnh có thể lây? Hay là tôi đang chính là chị Ly, chị Ly đang là tôi đây? Rồi chợt nhớ ra, à, lần cuối gặp Vinh có thấy Vinh đang đi cùng với một gã thanh niên cao to, có khuôn mặt nhang nhác Khánh, chỉ thiếu hình xăm. Bây giờ, đêm nằm cạnh nhau, Vinh nói, em đã bỏ căn phòng đó, về đây, nó không tìm ra em đâu, mà em cũng không muốn cho nó biết.

- Một bữa, nó trở về nhà, thấy một đứa con gái ngồi khóc trước cửa phòng em. Nó đã tát em một cái xiểng liểng. Nó còn chưa hỏi em rằng tại sao đứa con gái kia lại khóc. Lẽ ra, em mới là người khóc khi đứa con gái tới tìm em, khi em phát hiện ra nó đã lấy hết tiền em dành dụm chờ sinh, chỉ bởi nó nghĩ em và anh trai nó phải có trách nhiệm với nó. Hình như ở đời này, không khóc là một thiệt thòi.

Vinh hỏi, chị nghe lý do đó có hợp không? Tầm thường, dễ giải thích hơn nhiều phải không, dễ chấp nhận, không cần phải đào sâu làm gì hết. Đập vào mắt như vậy, là hiểu. Hay là câu chuyện em luôn chấp nhận cái cách gã con trai mang khuôn mặt Khánh lưu tên mình trong điện thoại bằng chữ Sư Tử, chấp nhận chuyện thỉnh thoảng vào ngày trở gió nào đó, gã đi đến sáng mới về, trong điện thoại có tấm hình chụp khuôn mặt gã và đứa con gái khác trong khách sạn. Chỉ là bỗng nhiên một ngày, tự dưng mở mắt ra, cảm thấy mình không còn chịu được, thấy mình lạc lõng, chơ vơ, nghe tiếng thở của mình nóng rẫy, không biết bấu víu vào đâu. Vậy là bỏ đi. Trơ trọi, chị có bao giờ như vậy chưa? Tôi không nói gì, thấy hơi thở mình nặng nhọc, giống như Vinh vừa đâm một nhát chí mạng vào mình. Vinh lại nói, hôm qua em nói chuyện với chị Ly, em nói chậm thôi, rất chậm, em hỏi chị Ly có còn nhớ Khánh không? Là Khánh, em của chị em mình đó. Lúc đầu, chị Ly ngơ ngác, không nhớ ai. Lúc em đưa hình nhà mình cho chị Ly coi, nhìn ánh mắt chị Ly, em biết chị Ly có nhớ về Khánh. Tôi nói, ừ, bệnh này thỉnh thoảng người ta vẫn có thể nhớ, nhưng chắc là không lâu. Chắc ngủ dậy rồi chị Ly sẽ quên hết, tốt nhất là đừng nói, cũng đừng kể chuyện Khánh đang bị công an truy nã. Vinh nói, em biết rồi. Lát sau, lúc tôi đang mơ màng chìm vào giấc ngủ, Vinh lại nói, chị nhớ không, hồi đó em hay đánh mấy đứa trong xóm vì tụi nó hay ăn hiếp Khánh. Trong nhà, em là đứa dữ nhất. Lớp bảy, em xin mẹ cho đi học võ, thi đấu cấp thành phố. Đứa nào đụng tới Khánh là em đánh hết. Tụi con trai trong xóm đều sợ em răm rắp. Có lần em đánh thằng Khiêm tới chảy máu cam, gãy răng cửa, bị ba nó mắng vốn, mẹ lôi em và Khánh ra, đánh mỗi đứa một trận lằn ngang lằn dọc. Có lẽ vì vậy mà mỗi cái em làm, mỗi khi em đến gần Khánh, đều làm cho Khánh chán ghét. Đôi khi em nghĩ, hồi Khánh đón xe bỏ lên Tây nguyên, đi hái cà phê, nhảy tỉnh này tỉnh kia, rồi tự nhiên trở thành giang hồ là do không muốn nhìn thấy mặt em. Em lại nghĩ, nếu ngày đó chị Ly và em không xuất hiện trong nhà mình, chắc mọi chuyện sẽ khác. Mẹ cũng sẽ không cáu bẳn, không cay nghiệt, sống đằng đẵng trong sự oán giận cuộc đời. Rất nhiều lúc em ước tất cả chỉ là giấc mơ, mở mắt ra mọi thứ quay lại lúc chúng ta chưa từng chạm mặt nhau.

- Mà có được đâu. Tội của Khánh, em nghe nói từ mười tới mười lăm năm tù.

Giọng Vinh nghe như tiếng nấc.

***

Lúc người ta chiếu hình ảnh băng cướp trên ti vi, tôi thấy Vinh đưa tay chậm nước mắt. Khóc là một tội lỗi, là một lời thú nhận của Vinh vào lúc này, nên Vinh cố nén. Máy quay lia từng nhát sắc lẻm, lạnh lùng vào từng khuôn mặt bốn đứa thanh niên đang cúi đầu ra đầu thú sau nhiều ngày lẩn trốn. Lời miêu tả đanh thép, hùng hồn nối đuôi nhau chảy qua miệng một phóng viên nhân chứng. Là một tin tức cướp giật bình thường giữa thành phố mỗi năm có hàng trăm vụ cướp này. Nhưng một khi nạn nhân là một người có chức, có quyền, mọi thứ sẽ khác.

- Nếu mà còn chị Ly hồi đó...

Tôi tắt ti vi, đặt bàn tay mình lên vai Vinh, siết nhẹ, cảm nhận cái đắng đót trên bờ vai Vinh. Tôi muốn nói với Vinh lời an ủi, nhưng lời kịp thoát ra khỏi bờ môi đã tan vào bóng tối. Đã lâu rồi, tôi không còn nói tiếng nói lòng mình. Như khi Khánh gọi cho tôi vào một ngày tháng năm, sau buổi sáng mưa, tôi chỉ muốn hỏi Khánh, chị em mình có thể cùng ăn một bữa cơm không? Vậy mà khi cuộc điện thoại giấu số đến, hai khóe miệng tôi cứng đờ, chỉ chờ nghe lời Khánh nói. Khánh dặn dò, em chỉ xin chị một điều, đừng làm gì cho em. Em đi rồi em về. Khánh nói nhẹ bẫng.

Lúc này, tôi nhận ra, từ lâu lắm rồi, chúng tôi đã mang trong mình hành trang không thể chia sẻ với ai. Năm năm, mười năm, hay mười lăm năm, có là cái chớp mắt? Tôi muốn nổi giận, tôi muốn hỏi Khánh tại sao lại làm vậy? Tôi muốn gào đến khản giọng nhưng tôi biết tất cả đã là xa xăm. Tôi nghe tiếng thở của Khánh ngập ngừng. Khánh nói liên miên gì đó về mẹ, về mấy con chim trong vườn, về ước mơ của Khánh trong tháng ngày rày đây mai đó.

- Em chỉ muốn dọa đánh ổng thôi. Làm thằng đàn ông, ít nhất đừng hèn hạ. Không ngờ ổng nhát quá, bỏ xe chạy, rồi sau đó nói rằng tụi em đã dàn cảnh, đã cướp của ổng. Dù sao, em cũng mừng vì chị đã rời khỏi một thằng hèn hạ. Không phải lỗi của chị đâu. Bây giờ, em mỏi chân rồi, đến lúc phải dừng lại.

Lời cuối cùng, Khánh nói nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi có thể tưởng tượng cảnh Khánh ngồi đâu đó trong quán cà phê ắng lặng, cúp điện thoại, nở một nụ cười nhẹ nhàng. Tôi mang khuôn mặt với nụ cười thơ trẻ của Khánh vào giấc mơ. Tôi thấy Khánh đã trở về nhà vào một buổi sáng mưa, chị Ly đang ngồi xem một bộ phim nào đó, Vinh thì đang ủi thẳng thớm từng cái áo nhàu nhò xa nhà của Khánh. Tôi pha trà hoa cúc, Khánh ngồi bên hiên nhà. Bầy chim bên hiên nhà hát khúc hát tháng năm.

Truyện ngắn của  Yến Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.