Lập lại trật tự ngành cá tra

24/09/2014 08:11 GMT+7

Sau thời gian rơi vào khủng hoảng thì gần đây, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội… liên tục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo bàn giải pháp gỡ khó cho ngành cá tra.

 Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang - Ảnh An Lạc

Vẫn còn khó khăn

Chưa bao giờ giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động ở mức thấp 21.000 - 23.000 đồng/kg kéo dài làm nông dân thua lỗ, không còn khả năng nuôi như vừa qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kêu la bởi giá xuất thấp, bị nhiều nước trên thế giới dựng rào cản kỹ thuật gây khó cho ngành cá tra. Đã có nhiều ý kiến chỉ ra hàng loạt tồn tại của ngành cá tra nhưng tới nay vẫn đâu vào đấy và hoạt động sản xuất cá tra cứ tiếp diễn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Bộ NN-PTNT tỏ ra kiên quyết sắp xếp lại ngành cá tra theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Chính phủ ban hành vào ngày 29.4.

Theo đó, sẽ quy hoạch lại địa điểm và diện tích nuôi cá tra phù hợp, phấn đấu tới cuối năm 2015, các cơ sở nuôi cá tra phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra VN và khi hiệp hội xác nhận thì cơ quan hải quan mới chấp nhận cho lô hàng xuất khẩu. Đây được xem là biện pháp để quản lý chặt những trường hợp bán sản phẩm kém chất lượng, bán phá giá… gây hỗn loạn thị trường và làm mất uy tín sản phẩm cá tra VN trên thương trường quốc tế.

Mặc dù NĐ 36 rất được người nuôi cá, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn… đồng tình ủng hộ nhưng khi Bộ NN-PTNT tổ chức triển khai thì vướng phải nhiều ý kiến phản đối từ các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mỗi khi xuất khẩu cá tra đều có xác nhận của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) về chất lượng, cộng với đăng ký hải quan, đăng ký tàu… mất rất nhiều thủ tục. Nay tiếp tục đăng ký với Hiệp hội Cá tra VN để thống kê sản lượng sẽ làm doanh nghiệp phiền phức và tốn thêm thời gian. Rồi chuyện quy định hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra, tỷ lệ mạ băng, quy định giá sàn… cũng còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, bởi từng thị trường xuất khẩu có nhu cầu chất lượng sản phẩm khác nhau, từ đó giá xuất cũng khác nhau.

Kiên quyết chấn chỉnh

Thật ra, chuyện phản ứng của một số doanh nghiệp là không khó hiểu, bởi lâu nay từ giá mua cá tra nguyên liệu trong nước tới giá xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài đều do doanh nghiệp tự quyết định. Chính quyền tự quyết này đã dẫn đến sự cạnh tranh nội bộ, cạnh tranh không lành mạnh, bán sản phẩm kém chất lượng, phá giá… gây tổn hại cho ngành cá tra. Ai cũng đau lòng và bức xúc khi cá tra của VN được xem là sản phẩm độc quyền trên thế giới, thế nhưng thời gian qua các doanh nghiệp bán rẻ, còn người nuôi thì thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất phải phá sản, bỏ nghề. Đã có không ít ý kiến đề nghị cơ quan chức năng loại bỏ “lợi ích nhóm”, thẳng tay xử lý những doanh nghiệp làm ăn gian dối nhằm lập lại trật tự cho ngành cá tra.

NĐ 36 ra đời đã làm một số doanh nghiệp không hài lòng, tuy nhiên không vì thế mà buông xuôi; ngược lại cần quyết liệt hơn để trả lại vị thế đúng nghĩa cho con cá tra. Nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL đặt niềm tin và kỳ vọng khi thấy Bộ NN-PTNT quyết tâm triển khai NĐ 36. Bộ NN-PTNT khẳng định, sẽ quản lý ngành cá tra theo chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm xuất khẩu. Tất cả các khâu đều có những điều kiện quy định về tiêu chuẩn và có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc kiểm tra hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp là cần thiết nhằm phát hiện doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu của người nuôi có đúng giá sàn hay không và sản phẩm chế biến có đúng chất lượng không; nếu không đảm bảo 2 điều kiện trên sẽ không cho xuất khẩu. Vấn đề kiểm tra hợp đồng cũng nhằm nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường tiêu thụ, từ đó có cơ sở tổ chức cho người nuôi sản xuất phù hợp, tránh tình trạng thừa nguyên liệu.

Quan điểm của Bộ NN-PTNT là mạnh tay xử lý những hạn chế tồn tại của ngành cá tra từ nhiều năm qua và từng bước đưa nghề này vào sản xuất bài bản. Sản phẩm “trời cho” của VN cần phải được bán đúng với giá trị thực. Ở đó, những nông dân vùng sông nước Cửu Long vất vả trong nghề nuôi cần được thụ hưởng giá trị đích thực và làm giàu một cách chính đáng từ cá tra.   

An Lạc

>> Hướng đến cá tra sạch
>> Cần siết chặt chất lượng cá tra xuất khẩu
>> Quy hoạch vùng nuôi cá tra đến năm 2020
>> Tái cấu trúc ngành cá tra
>> Phập phồng với giá cá tra 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.