Không để dân thiếu đất sản xuất

24/09/2014 02:00 GMT+7

Tiếp tục chuyến công tác tại Tây nguyên, trong hai ngày 22 - 23.9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác T.Ư đi thực tế tại các cơ sở KT-XH trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước tặng bò cho già A Đã, 91 tuổi, ở xã Ngọc Tem, H.Kon Plông - Ảnh: Phạm Anh

Chiều 22.9, khi đến khu công nghiệp cửa khẩu Bờ Y (H.Ngọc Hồi), nghe báo cáo chỉ có 25 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại đây nhưng hiện giờ rất khó khăn, Chủ tịch nước đã yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Kon Tum nói rõ các doanh nghiệp sản xuất ngành nghề gì, không nói chung chung và nêu lý do tại sao “kêu gọi quá trời” mà vẫn chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư. Sau khi nghe báo cáo cụ thể, Chủ tịch nước gợi ý Ban Quản lý khu kinh tế Kon Tum “chịu khó nghiên cứu các nước Lào, Campuchia, Thái Lan đang cần cái gì thì đầu tư sản xuất cái đó, chứ không nên suy luận rồi nói chung chung, mà phải nghiên cứu thực tế, sớm tiếp cận dần rồi làm, chứ không thì lỗ”.

Từ cửa khẩu Bờ Y, Chủ tịch nước đến với cán bộ và nhân dân xã Sa Loong (H.Ngọc Hồi). Nghe Bí thư Đảng ủy xã Sa Loong, ông Thao Phan báo cáo là xã có 6 thôn thì thôn nào cũng có tổ hòa giải, trong đó có già làng tham gia, Chủ tịch nước khen là làm tốt và dặn dò bà con xã Sa Loong: “Đất có hạn. Bà con chớ nghe ông nào đến rủ rê bán đất. Thế là hết đất làm, mà đất đâu có đẻ ra được. Bà con sống bằng nghề nông, không có đất thì làm sao làm để sống!”. 

Sáng 23.9, sau khi đi thăm và tặng 50 con bò sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số ở H.Kon Plông, Chủ tịch nước đến thăm Công an tỉnh Kon Tum.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Sau khi nghe các bộ, ngành và tỉnh Kon Tum bàn nhiều về đất, rừng, Chủ tịch nước lưu ý: Không thể để tình trạng đất, rừng thì mênh mông nhưng dân thì thiếu đất sản xuất. “Tôi cũng nghe hiện nay rừng tiếp tục bị mất. Nếu không giao cho dân quản lý và có chính sách tốt thì rừng tiếp tục bị tàn phá” - Chủ tịch nước nói và căn dặn, việc sử dụng đất, rừng làm sao cho hiệu quả là câu chuyện dài, phải làm sao nâng cao hiệu quả, năng suất các loại cây trồng, chăn nuôi lên cao.

Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đề nghị tỉnh Kon Tum mở rộng cửa “chiêu hiền đãi sĩ”, thu hút các nguồn lực bên ngoài vào và khai thác có lợi cho địa phương. Chủ tịch lưu ý: “Tỉnh nên sớm giải quyết cho hơn  12.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất với trên 3.000 ha, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số”.

Phải cho thế giới biết sâm Ngọc Linh

Chiều 22.9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được lãnh đạo tỉnh Kon Tum mời dự lễ động thổ xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh. Dự án này xây dựng tại cụm công nghiệp 24.4, thuộc thị trấn Đăk Tô, H.Đăk Tô, trên diện tích 177 ha, với tổng kinh phí trên 89 tỉ đồng. Trao đổi tại đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kon Tum phải khai thác lợi thế của mình. Ở đây có sâm Ngọc Linh, làm sao phải xuất khẩu mạnh ra thế giới. Vì sao sâm ta quý hơn sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, nhưng thế giới lại chỉ biết có của họ, còn chưa biết nhiều sâm Ngọc Linh. Vậy nên phải làm cho thế giới biết ta có sâm Ngọc Linh”.

Phạm Anh

>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại đảo Cồn Cỏ
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tiếp tục phát huy và nhân rộng những mô hình giáo dục điển hình
>> Phu nhân Chủ tịch nước đến với người nghèo tỉnh Sóc Trăng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.