Chuyện tình miền sơn cước - Kỳ 3: Vượt núi sang Lào tìm vợ

24/09/2014 02:25 GMT+7

Nhiều cơ quan chức năng ở Quảng Trị (đặc biệt là bộ phận tư pháp) đã đau đầu vì không thể quản lý nổi việc hôn nhân “xuyên biên giới” ở các bản làng giáp Lào. Nhưng với nhiều người ngoài cuộc thì những cuộc tình như vậy dẫu chưa vẹn toàn về mặt pháp luật vẫn đầy chất thơ.

Nhiều cơ quan chức năng ở Quảng Trị (đặc biệt là bộ phận tư pháp) đã đau đầu vì không thể quản lý nổi việc hôn nhân “xuyên biên giới” ở các bản làng giáp Lào. Nhưng với nhiều người ngoài cuộc thì những cuộc tình như vậy dẫu chưa vẹn toàn về mặt pháp luật vẫn đầy chất thơ.

>> Chuyện tình miền sơn cước - Kỳ 2: Đôi vợ chồng có 3 tay, 3 chân
>> Chuyện tình miền sơn cước: “Anh mù lòa, em có thương anh không ?”

 Pả Hờn (bìa trái) và con trai út Hồ Văn Hời (giữa) đều lấy vợ người Lào - Ảnh: Nguyễn Phúc
Pả Hờn (bìa trái) và con trai út Hồ Văn Hời (giữa) đều lấy vợ người Lào - Ảnh: Nguyễn Phúc

Những người già sống trong các bản làng heo hút này thường bảo rằng đến như con nai con hoẵng trên rừng cũng biết chấp nhận trầy trụa móng guốc để đi tìm bạn tình ưng ý. Vậy thì không cớ gì những chàng trai Vân Kiều, Pa Kô rắn rỏi không dám đi vài ngày đường, vượt vài ngọn núi để mang về bản một nàng dâu?

Cách đây chừng 3 năm, người viết bài này đã từng có một chuyến phiêu lưu giữa rừng già Đakrông để đi tìm những mối tình, những gia đình gọi nôm na là “Việt - Lào”  như thế. Theo chân già Pả Hương, chúng tôi đã đến được một góc nhỏ thuộc bản Pa Ngay (xã Tà Long, H.Đakrông), nơi có chừng chục cặp chồng Việt vợ Lào sinh sống. “Từ rất nhiều mùa trăng trước, khi những cơn mưa rừng thôi tuôn xối xả thì đám thanh niên lại rủ nhau vượt thác vượt ghềnh sang Lào... tìm vợ. Chúng đi thành từng nhóm cho vui và phải sau vài ngày mới về”, già Pả Hương nói.

Hơn 45 năm trước, Pả Hờn (hiện 65 tuổi) đã đi chung trong đám thanh niên đó và được bà Hồ Thị Roàng (quê ở H.Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) theo về bản Pa Ngay. “Đường xa lắm, đi mãi mà không tới nơi nhưng vì nghĩ sẽ kiếm được vợ nên ai cũng cố bước. Đi chuyến đó chỉ có bố kiếm được vợ, còn mấy đứa kia về không”, già Pả Hờn kể lại, giọng thoáng vẻ tự hào.

“Noi gương cha”, Hồ Văn Hời (20 tuổi, con út của Pả Hờn) năm trước cũng sang Lào mấy chuyến và một cô gái ở quê cũ của bà Roàng tên Hồ Thị Ta Riêu cũng tự nguyện về VN cùng dựng nhà, làm rẫy. “Đi xa không sợ, gặp thú dữ không sợ, chỉ sợ sang bên ấy rồi mà người ta không chịu theo mình về Pa Ngay...”, Hời nói đầy khí khái.

Chuyện trai gái Việt - Lào yêu nhau về cùng sống dưới một mái nhà sàn cũng phổ biến ở các xã vùng biên H.Hướng Hóa, đặc biệt là tại xã Hướng Việt và Hướng Lập. Chỉ riêng xã Hướng Việt đã có gần 20 cặp như thế. Trong đó, gia đình ông Hồ Văn Kin và bà Hồ Thị Vên (quê cũ ở H.Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào; nay sống ở bản Chai, xã Hướng Việt) là “hoành tráng” nhất bởi sau hơn 30 năm chung sống họ có 6 mặt con. “Ngày xưa mẹ Vên mê hát nên mỗi lần băng rừng sang trò chuyện, bố phải học thuộc mấy bài ca về tình yêu trai gái để còn biết mà đối đáp. Phải mất 4 lần qua lại, mẹ Vên mới chịu theo bố về”, già Kin kể.

Không chỉ có việc con trai Việt sang “bắt” con gái Lào mà ngược lại cũng có nhiều con trai Lào sang đất Việt... tìm vợ. Ví như ở bản A Đu (xã Tà Long), những cô gái như Hồ Thị Riềm, Hồ Thị Tua, Hồ Thị Ngan đều theo chồng về bản A Xóc (H.Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) và chẳng mấy khi trở lại bản A Đu nữa. “Như vậy mới có qua có lại. Nếu mình ngăn cấm thì họ cũng ngăn cấm. Vậy thì chẳng có ai lấy được vợ!”, một người già ở bản A Đu giảng giải.

Những mối tình tưởng mỏng manh nhưng hóa ra rất bền chặt

Người vùng cao thật thà như đếm, không yêu thì thôi chứ đã yêu là đượm nồng như bếp lửa giữa nhà sàn, cháy mãi không bao giờ tắt. Ngoài sự thủy chung thuộc về bản chất, họ còn bị ràng buộc bởi những tập tục cũ hoặc những “luật bất thành văn” của bản nên rất khó để... đường ai nấy đi. Chính vì thế những mối tình xuyên biên giới như trên tưởng mỏng manh nhưng hóa ra rất bền chặt.

 Đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Lào ra đời giữa niềm vui của dân bản - Ảnh: Nguyễn Phúc
Đứa trẻ mang hai dòng máu Việt - Lào ra đời giữa niềm vui của dân bản - Ảnh: Nguyễn Phúc

Ví như ở bản Pa Ngay, trước nay người ta chưa ghi nhận một mối tình nào bị... đứt gánh giữa đường. Có chăng chỉ là những tiếng to tiếng nhỏ quở trách của những người vợ đối với những gã chồng hay rượu, nhưng cũng chỉ một lúc rồi thôi. Bà Roàng (vợ Pả Hờn) sống quá nửa đời người, bảo rằng: “Nhà bố mẹ đẻ đã khuất sau nhiều ngọn núi, nếu theo chồng về bản mới xa lạ mà chồng không thương thì thà chết đi”.

Cái lạ của những mối tình Việt - Lào ấy chính là dù sống ở 2 nước khác nhau nhưng khi lấy nhau về những cặp đôi này không cần học thêm... ngoại ngữ. “Điều này có liên quan đến quá khứ ngàn năm trước, cư dân giáp biên thường có quan hệ rất gần gũi, thậm chí là họ hàng và có chung tiếng nói”, thầy Hồ Văn Đàm, một giáo viên cắm bản lâu năm ở Pa Ngay phân tích.

Tiếc rằng, cưới nhau sống với nhau nhiều năm nhưng những cặp vợ chồng này chưa hề biết mặt mũi của tờ hôn thú (giấy đăng ký kết hôn). Già Pả Hờn bảo: “Bố mẹ ngày xưa nghèo khổ, vì hoàn cảnh nên không thể làm hôn thú của nhà nước mà chỉ làm hôn thú với thần rừng thần núi. Bọn bay đang trẻ, nên chấp hành chính sách để tránh phiền phức cho con cái sau này. Bay yêu nhau, trèo đèo lội suối để đến với nhau còn được thì cái việc đi làm tờ giấy hôn thú có sá chi”.

Nguyễn Phúc

>> Lạ lùng ẩm thực vùng cao - Kỳ 5: Uống men trời miền sơn cước
>> Chợ miền sơn cước
>> Võ sư miền sơn cước
>> Bao Công" miền sơn cước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.