Điêu đứng vì nuôi lươn không bùn

23/09/2014 10:25 GMT+7

Đầu tư lớn, tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi nhưng nhiều nông dân ở Bình Dương ngay sau lứa nuôi lươn không bùn đầu tiên đã điêu đứng vì lỗ nặng.

Đầu tư lớn, tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi nhưng nhiều nông dân ở Bình Dương ngay sau lứa nuôi lươn không bùn đầu tiên đã điêu đứng vì lỗ nặng.

 Điêu đứng vì nuôi lươn không bùn
Lươn không bùn của bà con nông dân tại H.Phú Giáo (Bình Dương)

Bao tiêu sản phẩm vẫn lỗ

Nhiều nông dân ở H.Phú Giáo (Bình Dương) sau khi nghe thông tin nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao đã mạnh dạn gom tiền tiết kiệm, vay vốn ngân hàng để làm chuồng trại, tìm con giống, học hỏi kỹ thuật và bắt tay vào nuôi để mong cải thiện cuộc sống nhưng kết quả thì không như mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Tâm (62 tuổi, ngụ xã Phước Hòa, H.Phú Giáo) cho biết bản thân ông là một cựu chiến binh, nhà không con cái, cái ăn cái mặc cũng không thiếu nhưng muốn chăn nuôi để kiếm thêm chút đỉnh giúp bọn trẻ trong xã mỗi dịp lễ tết. Khi biết thông tin trên truyền hình về một cơ sở ở Củ Chi (TP.HCM) nuôi lươn không bùn hiệu quả kinh tế cao, cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật và nhất là bao tiêu sản phẩm nên ông cùng nhiều bà con trong xã đã khăn gói đến học tập kinh nghiệm rồi về quê làm chuồng nuôi lươn. “Tui đầu tư con giống hết 85 triệu và chuồng trại gần 40 triệu đồng. Sau 4 tháng chăn nuôi, lươn đạt 300gr/con, đạt chuẩn của trang trại nhưng khi xuất bán toàn bộ số lươn nuôi cho đầu mối cung cấp giống thì chỉ thu về được 65 triệu đồng. Như vậy vừa không thu được vốn mà còn lỗ luôn tiền thức ăn và công chăm sóc”, ông Tâm cho hay.

Cùng cảnh ngộ như ông Tâm, gia đình ông Huỳnh Ngọc Chánh (47 tuổi) đang phải khổ sở vì phải ôm số nợ ngân hàng hơn 70 triệu đồng, nhà lại đang có 4 người con ăn học, đất canh tác không có, cuộc sống cả gia đình dựa vào việc làm thuê của hai ông bà. Ông Chánh than: “Nghe chủ trại nuôi lươn trên Củ Chi tư vấn nuôi lươn không bùn chỉ bỏ một vốn mà thu về bốn lời nên tôi ham lắm. Khi làm trại nuôi lươn không bùn, tôi chỉ mong lấy công làm lời, kiếm ít tiền nuôi 2 đứa con đang học đại học và 2 đứa đang học phổ thông để cuộc đời các cháu đỡ khổ. Vậy mà, dù được nhận câu khen ngợi là nuôi quá đạt nhưng chúng tôi cũng lỗ trên 50 triệu tiền giống và ôm hơn 70 triệu tiền ngân hàng”.

Khác với ông Chánh và ông Tâm, ông Lê Văn Long (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo) lại nhận được một số lươn giống kém chất lượng từ cơ sở cung cấp giống. Ông Long đầu tư gần cả trăm triệu đồng xây 100m2 chuồng trại, bỏ gần 300 triệu đồng mua 600 kg lươn giống và thuê công nhân chăm sóc trại lươn hàng ngày. “Sau 4 tháng, lươn xuất chỉ đạt trọng lượng hơn 200gr/ con, mặc dù chăm sóc khá tốt nhưng không hiểu sao chúng vẫn còi cọc, chậm lớn” ông Long than.

Điêu đứng vì nuôi lươn không bùn 2
Chuồng trại của bà con bỏ trống sau khi bán lứa lươn đầu tiên

Thà bỏ trống chuồng trại còn hơn

Sau khi thấy gia đình ông Huỳnh Ngọc Chánh nuôi lươn đạt tới 500gr/con, một số bà con trong vùng đã đầu tư chuồng trại và tìm đến để học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, ngay sau khi ông Chánh xuất bán lứa lươn đầu tiên, nhiều bà con đã ngao ngán và không dám nghĩ đến việc nuôi lươn không bùn. Ông Đoàn Minh Châu lắc đầu cho biết:  “Tui đầu tư gần cả trăm triệu, tính ra nuôi lươn như thế này thì thà bỏ trống chuồng trại còn hơn”.

Nhìn khu chuồng trại đầu tư bài bản của gia đình, ông Nguyễn Văn Tâm buồn rầu: “Từ bài học của tui, bà con cần cẩn trọng khi lựa chọn mô hình kinh tế mới để đầu tư. Ngoài việc nắm bắt kỹ thuật, chọn giống thì cần xem xét kỹ các điều khoản bao tiêu sản phẩm của cơ sở cung cấp giống, tránh trường hợp được bao tiêu sản phẩm kết quả vẫn lỗ”.

Bài, ảnh: Huy Anh

>> Thành công từ mô hình nuôi lươn
>> Nuôi lươn trên cạn thu nhập cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.