Phim 'quốc doanh' không cần doanh số ?

23/09/2014 03:00 GMT+7

“Nếu nói là phim nhà nước sẽ lỗ cũng không đúng. Vì phim nhà nước nếu muốn họ cũng sẽ đi làm những đề tài ăn khách và họ cũng sẽ có lãi được chứ không phải không”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Hãng phim BHD nói.

“Nếu nói là phim nhà nước sẽ lỗ cũng không đúng. Vì phim nhà nước nếu muốn họ cũng sẽ đi làm những đề tài ăn khách và họ cũng sẽ có lãi được chứ không phải không”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Hãng phim BHD nói. 

 Phim 'quốc doanh' không cần doanh số ?
Phim Gái nhảy do nhà nước làm vẫn có doanh thu rất cao - Ảnh: Vinacinema

Không phải phim tư nhân nào cũng lãi

Năm ngoái, BHD - một doanh nghiệp điện ảnh giàu kinh nghiệm, đã phải chịu lỗ khi đầu tư cho phim hành động giả tưởng Lửa Phật. Một thất bại cho thể loại mới chào sân thị trường phim Việt. Trước đó, Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng cũng chi nhiều mà thu về chẳng bao nhiêu. Thậm chí bộ phim dã sử Thiên mệnh anh hùng mặc dù đạt doanh thu rất cao, nhưng theo nhà sản xuất, cuối cùng vẫn chịu lỗ. Với những bộ phim như thế, lỗ tiền tỉ, các nhà đầu tư chắc chắn đã phải bán nhà. Có điều nếu ai có “nhiều nhà” thì sẽ trụ lại. Buôn tài không bằng dài vốn, các cụ nói không sai.

 

Nếu nói là phim nhà nước sẽ lỗ cũng không đúng. Vì phim nhà nước nếu muốn họ cũng sẽ đi làm những đề tài ăn khách và cũng sẽ có lãi được chứ không phải không. Như hồi xưa Hãng phim Giải Phóng làm Gái nhảy đó

Ngô Thị Bích Hạnh,
Giám đốc Hãng phim BHD

Tuy nhiên, cũng chính các phim tư nhân trong những năm qua mới là nhóm đã lập các kỷ lục phòng vé. Nếu như Cô dâu đại chiến 1 đã lập kỷ lục mùa phim tết 2010 thì Long Ruồi qua mặt cả Cô dâu đại chiến lẫn Để mai tính mà lập kỷ lục của năm 2011 là 37 tỉ đồng. Công chúa teen và Ngũ hổ tướng lúc đó cũng đã có kỷ lục khác khi cán mức 40 tỉ đồng. Đến năm 2014, Cô dâu đại chiến 2 cũng không chịu kém người tiền nhiệm với doanh thu hơn 40 tỉ đồng. Những cuộc rượt đuổi kỷ lục doanh thu sẽ còn liên tục diễn ra như thế. Nhưng đã hàng chục năm, không một phim nhà nước nào lọt vào danh sách này, bất chấp việc điện ảnh nhà nước và tư nhân vẫn so kè và sánh vai nhau trên bục nhận giải các liên hoan phim nước nhà.

“Nếu nói là phim nhà nước sẽ lỗ cũng không đúng. Vì phim nhà nước nếu muốn họ cũng sẽ đi làm những đề tài ăn khách và cũng sẽ có lãi được chứ không phải không. Như hồi xưa Hãng phim Giải Phóng làm Gái nhảy đó”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc BHD nói. Không ai quên, cú hích đầu tiên cho dòng phim thị trường chính là của một hãng phim nhà nước. Năm 2003, với Gái nhảy, Hãng phim Giải Phóng đã lập kỷ lục doanh thu 12 tỉ đồng. Kịch bản phim trước đó có tên là Trường hợp của Hạnh đã được đổi thành Gái nhảy, đánh thẳng vào sự tò mò của công chúng về thế giới trong bóng đêm của những cô gái làm nghề liên quan đến tình dục.

Tuy nhiên, giờ đây, điện ảnh nhà nước không còn được cấp tiền để làm những bộ phim như thế nữa. Họ đều đã trở thành những doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu để làm các phim nhà nước đặt hàng. Mà phim nhà nước đặt hàng giờ chỉ gói gọn trong không nhiều đề tài. Chủ yếu là phim tuyên truyền hoặc phim khoa học.  

Công thức hút khách của phim tư nhân

 

Mới thì đừng mơ

Phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận giải Phim hay nhất tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế Venice, thuộc khuôn khổ LHP Venice 2014, là niềm tự hào của điện ảnh Việt. Dẫu vậy, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD là nơi Hoàng Điệp đã học, đã trưởng thành cũng đứng ngoài các khoản đầu tư làm phim của nhà nước. Đơn vị này hiện đã có nhiều dự án phim ngắn được giải Cánh diều, cũng như đi liên hoan phim quốc tế.

Các cơ hội, trên thực tế đều được giao cho những khuôn mặt, những phong cách không thể nói là mới mẻ. Điều này thấy rõ nhất ở các phim nhà nước đặt hàng.

Công thức nói chung để hút khách, theo bà Hạnh, nằm trong hai chữ: chiều khách. Nếu phim lịch sử có làm kiểu thương mại thì cũng phải khác đi, nhấn mạnh yếu tố ăn khách hơn. Chẳng hạn như thêm yếu tố hành động, đẩy mạnh các hiệu ứng cháy nổ... Tuy nhiên, “phim lịch sử, phim nghệ thuật, thể loại phim mới phá thói quen... là những loại phim dễ lỗ nhất”, bà Hạnh tổng kết từ những bài học xương máu trong sản xuất, phát hành phim của mình.

Khi những công thức phim an toàn đã tạm thời được tạo dựng thì thoạt tiên khán giả sẽ được hưởng trạng thái ung dung, đến rạp là có phim để giải trí. Nhưng đằng sau công thức đó cũng có ẩn họa. Bởi với Tèo Em, một phim sau này đã ẵm giải Cánh diều vàng ở nhiều hạng mục, nhiều khán giả đã cảm thấy bị xúc phạm vì mức độ nhảm nhí của hài. Bất chấp việc Thái Hòa đã chi phối được những trận cười, thậm chí nhận giải diễn viên nam xuất sắc, liệu ai sẽ muốn nhớ mãi kiểu cười đó của nhân vật trong phim?

“Tôi nhớ hồi làm Cánh đồng bất tận, đó là một trường hợp quá đặc biệt. Làm vì chỉ muốn làm một tác phẩm tốt, không nghĩ đến lãi”, nhà biên kịch Phước Châu nhớ lại. Trên thực tế, Cánh đồng bất tận là một cuộc chơi quá đặc biệt của Nguyễn Phan Quang Bình, vừa là đạo diễn, vừa là người đầu tư. Rất may, phim sau đó có lãi dù không nhiều.

“Vì đã lập trình là không lãi nên khi nó lãi chút ít thì mình nghĩ là nó lãi rất nhiều. Có phim như Lửa Phật thì chúng tôi lỗ. Nó không nằm theo dòng bình thường ăn khách. Nhưng nếu không làm những thể loại phim mới để khán giả quen thì mãi mãi sẽ chỉ có phim hài thôi, hoặc mãi mãi chỉ vài thể loại. Kể cả hãng tư nhân hay nhà nước khi mở rộng đề tài mới cũng phải làm thế nào mới dám đầu tư. Vì có khi phim thứ nhất lỗ mà phim thứ hai, thứ ba lại lãi. Cần phải có thời gian và cũng phải nhiều kinh nghiệm. Tóm lại là vẫn phải mở đường”, bà Hạnh nói.

Trinh Nguyễn 

>> Phim Việt tham gia nhiều LHP quốc tế
>> Phim Việt 'đập cánh' nhờ quỹ điện ảnh nước ngoài
>> Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường làm 'nóng' thị trường phim Việt
>> Phim Việt ra thế giới: Con đường bị 'phong tỏa'?
>> Phim Việt ra thế giới  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.