Nụ cười

22/09/2014 08:23 GMT+7

(TNO) Sau một thời gian sôi sục, cuộc bạo động ở thành phố Ferguson thuộc tiểu bang Missouri, Mỹ, khởi phát từ vụ thanh niên da đen Michael Brown bị cảnh sát viên da trắng Darren Wilson bắn chết dù không mang vũ khí đã tạm lắng.

Vụ nổ súng vẫn đang được điều tra và nguy cơ bất ổn bùng phát trở lại luôn chực chờ trong trường hợp kết quả cuối cùng bị cộng đồng da màu xem là “không có công lý”. Cũng như đợt bất ổn sau khi người bắn chết thiếu niên da đen Trayvon Martin được tuyên trắng án tại Chicago hồi năm 2013, cái chết của Brown và những gì diễn ra sau đó là minh chứng cho thấy vấn đề an ninh cá nhân và chủng tộc vẫn luôn nhức nhối tại Mỹ, bất chấp nhiều thành tựu về bình đẳng và công bằng cho tất cả.

Xin giới thiệu với bạn đọc những trải nghiệm và cảm nhận của Jon Dillingham, một người Mỹ da trắng, gửi riêng cho Thanh Niên Online

Nụ cười

Cảnh sát bắt những người tham gia biểu tình bạo động tại Ferguson hồi tháng 8 - Ảnh: Reuters
Cảnh sát bắt những người tham gia biểu tình bạo động tại Ferguson hồi tháng 8 - Ảnh: Reuters

Chuyến xe từ South Central đến Hollywood mất nhiều thời gian hơn bình thường trong ngày tuyên án vụ Trayvon Martin. Những người biểu tình đã diễu hành trên đường cao tốc trước khi hứng đạn cao su của lực lượng chống bạo động. Trên xe buýt, màn hình chiếu bà Sybrina Fulton, mẹ của Martin đang trả lời câu hỏi về đứa con xấu số của mình trong phòng xử.

Tòa án tuyên bố George Zimmerman (người bắn Martin) vô tội dựa trên bộ luật “Stand Your Ground” (một trong những bộ luật nổi tiếng của Mỹ, cho phép bạn tấn công hay giết kẻ tình nghi nếu cảm thấy bị đe dọa - ND). Cạnh tôi, một người đàn ông đang cố giải thích cho bạn anh ta thế quái nào mà Zimmerman trắng án. “Cái gì cơ!?”, người kia lặp lại với vẻ mặt không thể tin được, “Cái gì cơ!?”. Tôi cũng chen vào để giải thích rằng điều tồi tệ nhất ở đây là thậm chí mấy ông luật sư còn không cần viện dẫn luật “Stand Your Ground” để thắng.

Tôi xuống xe tại một trạm dừng ở Hollywood. Phong cảnh thành phố luôn lộng lẫy khi nhìn từ trên cao. Tôi đếm được 11 chiếc máy bay trực thăng tuần tra bay ngang qua bầu trời. Trong những ngày “bình thường” thì chỉ có khoảng 6 chiếc lượn lờ xung quanh. m thanh phát ra từ những “con chim sắt” đó thật khủng khiếp, chúng lượn vòng quanh như lũ kền kền. Cách đó không xa, pháo hoa thắp sáng bầu trời từ Hollywood Bowl, trông như những đóa hoa lửa khi một khẩu pháo nào đó bắn hạ bọn trực thăng từng chiếc một.

 Một cuộc diễu hành phản đối cái chết của Michael Brown và cả Trayvon Martin - Ảnh: Reuters
Một cuộc diễu hành phản đối cái chết của Michael Brown và cả Trayvon Martin - Ảnh: Reuters

Ứng dụng điểm tin tức trên điện thoại bỗng reo lên: đoàn biểu tình đã tiến từ South Central đến Hollywood và du khách từ khắp nơi trên thế giới đã được chứng kiến một buổi “trình diễn” ngay tại Đại lộ danh vọng.

Tôi về nhà trước nửa đêm khi một chiếc trực thăng đang bay trên đầu. Tôi bước vào bằng cửa sau và Abe đang dán mắt vào một chiếc ti vi màn hình phẳng khá lớn ở phòng khách, say sưa xem một diễn viên hài đang nhạo báng người nghèo.

“Chiếc trực thăng đã lượn lờ quanh đây khoảng 3 tiếng rồi”, Abe nói. Chuyện trực thăng xuất hiện ở khu nhà giàu này không có gì là lạ nhưng 3 tiếng đồng hồ thì ít thấy. Cuộc tuần tra bằng trực thăng lâu nhất mà chúng tôi từng thấy chỉ có 40 phút. Tôi luyên thuyên vài ba phút về chế độ nhà nước cảnh sát và về chuyện những người “không phải da trắng” hoặc “nghèo hèn” bị giết một cách hợp pháp. Abe vẫn hướng mắt về màn hình và không nói tiếng nào.

Abe là một nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế giàu có, sống một mình và tôi đã ở nhà cậu ấy được một thời gian. Ngôi nhà gần như bị lấp đầy bởi những chiếc ti vi màn hình phẳng: từ văn phòng đến nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ. Có cảm giác bạn bị bao vây suốt ngày suốt đêm bởi quảng cáo, các chương trình thực tế, talk show và đủ các thể loại tin tức. Ngay trên sàn nhà là một màn hình phẳng lớn không được sử dụng.

Bất chợt tôi nghe thấy một tiếng động nhỏ, tiếng cửa kêu cót két phía sau nhà nhưng dường như Abe không chú ý. Khoảng một phút sau, tay nắm cửa trước xoay nhẹ. Chúng tôi nhìn nhau. “Có ai đó đang lẻn vào nhà đúng không?”, Abe hỏi tôi đầy lo lắng. Cậu ấy đứng phắt dậy và đi sang phòng khác. Tôi nhìn ra sân sau và thấy ngay vài người mặc áo có nón trùm kín đầu. Trời khá tối và tất cả những gì tôi có thể thấy là 2 hoặc 3 cái bóng đang di chuyển chậm chạp.

“Có vài tên quanh quẩn sau nhà”, tôi lập cập báo cho Abe. Cậu ấy trở lại với khẩu súng lục trên tay, nấp sau bức tường và thò đầu ra nhìn. Một cảnh mà bạn thường chỉ thấy trong phim hành động. 

“Gọi cảnh sát mau!”, Abe nói rồi chạy ra chĩa súng xong lại quay lại sau bức tường như thể đang đấu súng. Tôi bấm 911 và cố gắng trình bày rằng những tên lạ mặt trùm kín đầu đang cố đột nhập vào nhà và họ đang ở sân sau.

“Họ là người da đen, da trắng hay người La tinh?”, đầu dây bên kia hỏi.

“Tôi không biết nữa, trời khá tối nên tôi không thể nhìn chúng rõ”.

“Họ thuộc sắc tộc nào?”.

“Tôi không chắc. Trời tối và chúng trùm kín đầu (**)”.

Abe vẫn tiếp tục ló ra ló vào sau bức tường, cậu ấy chỉ mặc độc quần xà lỏn và áo ba lỗ. Tôi tưởng tượng rằng nếu cánh cửa mở ra thì một trong chúng tôi sẽ có người bị “làm thịt” ngay lập tức và hôm sau, cả nước sẽ nghe giọng nói của tôi trên ti vi. Đầu dây bên kia yêu cầu giữ máy để kiểm tra. Ngay lúc đó, mấy gã trùm đầu trèo qua hàng rào rồi biến mất vào con hẻm sau nhà, nơi mấy ông vô gia cư vẫn xỉn gục ở đó. Tôi thông báo với bên kia mấy tên lạ mặt đã rời đi. Bên 911 nói sẽ có cảnh sát đến điều tra thêm. Sau đó tôi và Abe ngồi xuống và cố trấn tĩnh bằng cách tập trung vào cái ti vi. Cậu ấy mân mê khẩu súng và thỉnh thoảng nòng súng chĩa về phía tôi. Dĩ nhiên, Abe không cố ý nhưng súng cứ chĩa vào tôi và cảm giác đó không dễ chịu chút nào. Abe nở một nụ cười rất khó diễn tả. Được một lúc, Abe tháo ổ đạn.

“Không có chốt an toàn”, Abe nói. “Súng của cảnh sát thì có chốt an toàn còn vũ khí dân sự thì lại không. Chẳng hiểu được!”. 

Tôi cầm những viên đạn và tưởng tượng sẽ như thế nào nếu chúng ghim vào cơ thể mình. Abe đứng dậy đi qua phòng khác rồi trở lại với một khẩu shotgun cùng một nụ cười còn bự hơn lúc nãy. Cậu ấy đứng trước mặt tôi và lên đạn điêu luyện như những mấy thằng anh hùng cơ bắp trong phim. Những vỏ đạn bự chảng tung tóe khỏi khẩu súng và trút xuống người tôi như mưa.

Tôi đứng dậy và giật lấy khẩu súng. Chốt an toàn đã được mở. Cái nụ cười khốn nạn! Ngay lúc đó tôi chỉ muốn chĩa súng vào Abe, tôi muốn nạp đạn và bóp cò nhưng cuối cùng tôi trả nó lại và ngồi xuống cạnh khẩu súng ngắn vẫn nằm chỏng chơ trên ghế nãy giờ. Abe đã thôi không cười nữa, cậu ấy bắt đầu khóc.

J.D (*) 
(Lam dịch)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và cách nhìn của tác giả - nhà văn, nhà báo tự do Jon Dillingham. Ông lấy bằng thạc sĩ ngành truyền thông của Đại học Nam California; đã sống, làm việc tại Việt Nam gần 10 năm và từng làm biên tập viên cho một số tờ báo tiếng Anh ở TP.HCM.

(**) Ở Mỹ vẫn tồn tại quan niệm rằng những thanh niên da đen mặc áo trùm đầu nếu không phải tội phạm thì cũng là phường du thủ du thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.