Hai hộ ngồi chung một sạp ở ‘chợ dự án’

22/09/2014 10:20 GMT+7

Một sạp hàng có hai hộ cùng ngồi, đồ ăn chín bán cạnh hàng đồ sống… là chuyện đang xảy ra ở chợ Tổng, xã Lưu Kiếm, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.

Các quầy hàng bị ghép đôi cho hai hộ cùng bán - Ảnh: Lê Tân
Các quầy hàng bị ghép đôi cho hai hộ cùng bán - Ảnh: Lê Tân 

Theo UBND xã Lưu Kiếm, khu chợ này được đầu tư với số vốn 3 tỉ đồng, thuộc dự án chợ Lifsap (dự án cạnh tranh  chăn nuôi và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới tài trợ), nhằm xây dựng chợ thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở nông thôn.

Năm 2013, trên nền chợ cũ diện tích 200 m2, chợ được xây dựng với 46 quầy hàng cho 46 hộ, mỗi quầy rộng 10 m2 và chỉ được bán các mặt hàng tươi sống là thịt gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, trên thực tế có đến 76 hộ kinh doanh tại đây, bằng cách ghép quầy. Ví dụ: tại quầy 11, tên đăng ký là chị Nguyễn Thị Nhung được ghép với chị Nguyễn Thị Hiền, quầy 12 tên người đăng ký là Đinh Thị Ánh lại là chỗ của chị Đào Thị Liệu và Đào Thị Liên, quầy 14 tên đăng ký Nguyễn Thị Huân nhưng thực tế là của chị Lê Thị Nguyệt và chị Lê Thị Sen…

Có tới 30 quầy bị ghép đôi khiến các hộ kinh doanh cũng  bức xúc vì sự bất tiện vì việc bày bán, chế biến rất lôi thôi, trong khi an toàn thực phẩm bị vi phạm bởi nhiều quầy hàng bán giò, chả phải chung với hàng thịt sống, tiết lợn. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, người được ghép với chị Đào Thị Hà ở quầy 45, “việc ngồi ghép là do đội quản lý yêu cầu”.

Do chật chội khi phải ghép đôi, nhiều hộ đã kê thêm bàn ghế, cơi nới quầy hàng dẫn đến xô xát với đội quản lý chợ: ngày 9.9 vừa qua, chị Lê Thị Sen, một hộ bán thịt chó trong chợ, do quá khó chịu với việc ghép đôi nên đã kê một bàn ra cổng chợ để bán và bị một cán bộ quản lý nhắc nhở, sau khi hai bên qua lại, ông này dùng thước đánh vào mặt chị Sen gây thương tích.

Có mặt tại đây ngày 10.9, phóng viên cũng bắt gặp cảnh người của ban quản lý chợ cãi cọ và xô xát với một số tiểu thương bán thủy, hải sản, gây huyên náo một góc chợ.

Theo ông Lê Sinh, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiếm, các khoảng thuế, phí môi trường, phí an ninh, phí mua quầy và vé vào chợ được nộp về ngân sách xã. Tuy nhiên, ông Sinh cho biết xã chỉ thu (từ ban quản lý) các khoản tiền trên của 46 hộ kinh doanh như trong danh sách đăng ký và phủ nhận việc có các hộ ngồi ghép trong chợ, đồng thời không xác nhận việc có thu các loại thuế, phí của các hộ này hay không.

Lê Tân

>> Tiểu thương chợ Vinh lại bãi thị
>> UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết hỗ trợ tiểu thương chợ Hải Hà
>> 300 tiểu thương Quảng Ninh 'chê' chợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.