Ăn thịt mèo ‘nhớ hương vị quê hương’: Dân mạng 'bút chiến'

20/09/2014 21:42 GMT+7

(TNO) Việc một người gốc Việt Nam sống ở Đức đã thừa nhận giết và nướng thịt một con mèo của hàng xóm để ăn vì… nhớ “hương vị quê hương” đã trở thành tâm điểm của dân mạng.

Theo đó, những bình luận trái chiều “nổ” ra khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Tại Fan Page Báo Thanh Niên trên Facebook (https://www.facebook.com/thanhnien) cũng như trên bài viết tại Thanh Niên Online, đã có hàng trăm lượt chia sẻ, kèm theo những quan điểm khác nhau.

“Đây là chuyện bình thường thôi mà. Có gì đâu mà làm ầm ĩ như vậy. Phải thông cảm cho người ta, miếng ăn là miếng tồi tàn, chỉ vì người ta thèm mà bắt rồi xỉa xói thậm tệ thì không nên”, Hoàng Anh bình luận trên Facebook.

Tương tự, một thành viên khác bảo chưa từng thấy ai phản đối việc ăn thịt mèo, vì đó là văn hóa của người Việt (!?), nên chuyện này chẳng có gì to tát để “nâng cao quan điểm”, làm to chuyện cả.

Tuy nhiên luồng ý kiến tỏ vẻ thông cảm như trên cực ít, dường như “lạc lõng” giữa hàng loạt bình luận “ném đá”, chỉ trích, coi đây là hành động không thể chấp nhận được.

Đa số ủng hộ không ăn thịt mèo - Ảnh: AFP-TNO
Đa số ủng hộ không ăn thịt mèo - Ảnh: AFP-TNO

Chia sẻ trên tờ Daily Mail (Anh) ngày 19.9, ông Tran Qui, “nhân vật chính”, bảo rằng vì ông nhớ “hương vị quê hương” nên đã nướng thịt mèo và chấm nước mắm pha để ăn, và “có gì sai trái đâu khi ăn thịt mèo?”. Tuy nhiên với nhiều người, hiện chưa có một tài liệu chính thống nào xác nhận thịt mèo là “hương vị quê hương”, nên cách biện minh của người này thật khó chấp nhận.

Như độc giả Tran Quang (ở TP.HCM) không đồng tình: “Đã làm sai mà còn dẫn cả khái niệm chuỗi thức ăn, văn hóa ẩm thực dân tộc ra để biện minh cho hành động này. Đã sai lại càng sai. Và đáng buồn hơn khi có người ủng hộ hành động sai trái này”.

Hay độc giả Tuan (ở Mỹ) chỉ trích: “Dám đem quê hương, dân tộc ra để chối tội. Hơn 4 triệu người Việt sống ở hải ngoại, không nhiều thì ít nhưng ai cũng nhớ về quê hương vậy mà có ai đi bắt mèo hàng xóm làm thịt đâu?”.

Ngoài ra những ý kiến như “chỉ có một bộ phận nhỏ người Việt ăn thịt mèo, còn đa số dân Việt đều phản đối! Ông ta đừng ngụy biện như vậy, làm xấu hổ dân Việt. Làm chuyện xấu lại làm dân châu u hiểu lầm cho cả dân tộc”; hay “ăn cắp mèo, ăn cho đã, rồi ngụy biện đủ điều theo thói quen văn hóa của một số người Việt Nam. Thấy bất kỳ con nào động đậy là ăn, rồi cho là văn hóa ẩm thực mang tai tiếng cho cả đất nước Việt Nam. Thật xấu hổ”… nhận được sự tán đồng của nhiều người với nhiều lượt like.

Rất nhiều ý kiến cho biết thêm đối với người phương Tây, rất quý động vật, nhất là các thú nuôi trong nhà. Ông Qui đã sống lâu năm cần phải hiểu điều đó vì nhập gia phải tùy tục. Ngoài ra việc trộm mèo là hành vi phạm pháp, không thể chấp nhận được. Nên đem quê hương ra ngụy biện, chối tội là không được.

Bài viết về một người Đức gốc Việt thịt mèo của hàng xóm vì
Bài viết về một người Đức gốc Việt thịt mèo của hàng xóm vì "nhớ hương vị quê hương" gây ra nhiều tranh cãi trên Fan Page của Thanh Niên - Ảnh: Thanh Nam

“Và đây là một bài học đắt giá không chỉ cho chính ông mà với nhiều người Việt Nam đã, đang và sẽ sống ở nước ngoài”, độc giả Hồng Nguyên, nói.

Thanh Niên Online cũng đã khảo sát có ủng hộ việc ăn thịt mèo hay không, tính đến 21 giờ 47 ngày 20.9 đã thu hút 1.488 lượt bình chọn. Trong đó lựa chọn “không” áp đảo với hơn 71.84 % (1.069 lượt), đồng thời có ý kiến mong muốn “Việt Nam cũng nên có luật này để ngăn chặn việc trộm chó mèo hiện nay” như của độc giả Vĩnh Phúc (ở Trà Vinh).

Tuy nhiên vẫn còn 28,16% (419 lượt bình chọn) ủng hộ việc ăn thịt mèo vì “Ăn thịt mèo không có gì là kém văn minh hay nhục cả. Con heo , con lợn, con bò, con gà cũng là động vật không vậy. Chả lẽ phân biệt đối xử, giết được con lợn, con heo, con bò, còn con mèo thì không được giết ? Hãy suy nghĩ có công bằng”.

Thanh Nam

>> Cảnh sát Đức điều tra một người gốc Việt thịt mèo hàng xóm vì ‘nhớ hương vị quê hương’
>> Án mạng trong quán thịt mèo
>> Nguy cơ từ thịt mèo nhập lậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.