Nghề vớt trùn chỉ mưu sinh

19/09/2014 09:23 GMT+7

Nhiều người dân ở ấp Bình Thành (xã Phú Bình, H.Phú Tân, An Giang) có thể sống ổn định nhờ nghề vớt trùn chỉ.

Nghề vớt trùn chỉ mưu sinh
Nghề vớt trùn chỉ - Ảnh: Thiên Phúc

Ông Lê Ngọc Ấm (56 tuổi), người đầu tiên làm nghề vớt trùn chỉ ở ấp Bình Thành, cho biết: “Nghề này tuy vất vả, phải trầm mình dưới nước nhưng bù lại thu nhập khá cao. Người siêng năng mỗi ngày có thể vớt từ 7 - 10 kg, giá bán hiện nay là 50.000 đồng/kg. Gặp những hôm trúng ổ trùn, có khi thu nhập cả triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với các loại lao động chân tay khác”.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, vợ ông, cách đây 5 năm, gia đình ông bà rất khó khăn, hai vợ chồng đều đi làm thuê, buôn bán nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Kể từ khi làm nghề vớt trùn chỉ, cuộc sống bắt đầu khá lên. 2 con trai và người con rể thấy vậy cũng theo nghề này. Hiện vợ chồng ông Ấm đang làm đại lý thu gom sản phẩm của anh em trong nghề bán lại cho người nuôi cá. Nhờ vậy, 2 vợ chồng đã giúp người dân địa phương có việc làm ổn định, đầu ra dễ dàng, không sợ bị ép giá.

Ở ấp Bình Thành, ngoài những người làm nghề vớt trùn chỉ thường xuyên, còn có trên 40 người vớt theo thời vụ. Họ phải ngâm mình dưới nước, cầm vợt xúc liên tục. Gặp nơi nước sâu, nhiều người phải lặn xuống mới có thể tìm được trùn. Anh Nguyễn Minh Tâm, một thanh niên trong nhóm vớt trùn, dùng vợt lưới thọc sâu xuống đáy ao để cào, hốt bùn. Vớt lên xong, anh bắt đầu sàng, đãi hết bùn đất mới cho vào thau. Trong lớp cặn, rác đó là vô số những con trùn li ti màu đỏ, nhỏ như sợi chỉ.

Ông Ấm cho biết “đời trùn chỉ” tuy vất vả nhưng cuộc sống tự tại, khỏe thì làm nhiều, mệt thì làm ít. Sáng nào trước khi xuống nước anh em cũng quây quần trong quán cà phê, sau đó mới chia nhau mỗi người một hướng, ai phát hiện nơi nào có trùn là nhảy xuống “chiến đấu” liền. Vì mưu sinh, nhiều thanh niên chưa có việc làm ổn định thường theo bạn bè vớt trùn chỉ. Lúc đầu chỉ thử sức, sau vài lần kiếm được tiền, họ quyết định gắn bó với nghề này. Tuy không được trang bị bất cứ dụng cụ bảo hộ nào nhưng họ vẫn âm thầm chấp nhận, với hy vọng có thể kiếm đủ sống và nuôi con cái học hành đàng hoàng.

Thiên Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.