Liên kết để phát triển du lịch

16/09/2014 09:59 GMT+7

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự hội thảo Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây nguyên vừa diễn ra tại Ninh Thuận.

Liên kết để phát triển du lịch
Du khách thăm quan vườn nho Ba Mọi (Ninh Thuận) - Ảnh: Thiện Nhân

Vùng duyên hải miền Trung (DHMT), nơi có nhiều bãi biển đẹp, khí hậu ấm áp quanh năm thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch. Khu vực Tây nguyên huyền thoại có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp. Sự khác biệt địa lý giữa hai vùng miền này tạo thành các tour-tuyến và sản phẩm du lịch lý tưởng thu hút du khách. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua ngành "công nghiệp không khói" ở vùng DHMT và đại ngàn Tây nguyên vẫn chưa tạo được điểm nhấn lôi cuốn du khách.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2013, có khoảng 24 triệu lượt du khách đến khu vực DHMT và Tây nguyên, trong đó khách quốc tế gần 5 triệu và khách nội địa hơn 19 triệu lượt. Doanh thu ngành du lịch trên 34.000 tỉ đồng, chiếm 17% tổng doanh thu du lịch trong cả nước. Ngoài các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng có ngành du lịch phát triển khá sôi động thì các tỉnh còn lại, hoạt động du lịch vẫn cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch vùng DHMT và Tây nguyên rất lớn, nhất là tài nguyên du lịch biển, đảo, núi rừng và những sắc màu văn hóa cồng chiêng mang đậm nét bản sắc riêng biệt. Hai vùng này còn có vị trí địa lý rất thuận lợi trong việc liên kết phát triển với nhau, hình thành nên các tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây nguyên”... Tuy nhiên, DHMT và Tây nguyên đang thiếu một tầm nhìn xa, định hướng phát triển ngành du lịch của toàn vùng, thiếu những sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Sự liên kết hầu như mới chỉ dừng lại ở việc xác định các tuyến du lịch theo không gian lãnh thổ, chứ chưa phải sự liên kết về mặt chính sách, chương trình hành động cụ thể. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng DHMT cho rằng hạ tầng kinh tế, xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch vùng DHMT và đại ngàn Tây nguyên còn khó khăn, thiếu đồng bộ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp; công tác xúc tiến, quảng bá chưa cao; môi trường du lịch chưa được thắt chặt… Việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch, gắn kết xây dựng tour, tuyến và sản phẩm du lịch giữa các địa phương, các doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế, chưa rõ nét, thiếu chiến lược phát triển chung cho toàn vùng. Theo ông Trần Du Lịch, các tỉnh khu vực DHMT và Tây nguyên có thể liên kết với nhau thành những nhóm để xây dựng các tour-tuyến, sản phẩm du lịch đặc trưng. Sự liên kết này phải do doanh nghiệp và người dân thực hiện. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương và sự hỗ trợ chính quyền bằng cơ chế, chính sách, tổ chức các hoạt động kết nối.

Tại buổi làm việc với đại diện các tỉnh miền Trung và Tây nguyên về vấn đề liên kết du lịch vùng miền, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý, du lịch là ngành kinh tế đặc thù, ngoài yếu tố con người thì địa lý, khí hậu là cái quan trọng nhất. Tuy nhiên, những thứ đó chưa phải là tất cả, nếu muốn phát huy tối đa nguồn lực, lợi thế của địa phương mình về cơ bản các địa phương phải tổ chức liên kết để phát triển, tạo ra những sản phẩm liên vùng đa dạng, hấp dẫn. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần rà soát lại công tác quy hoạch phát triển, xác định trọng tâm, trọng điểm ngành du lịch, tránh đầu tư dàn trải, manh mún. Ngoài việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, các địa phương cần phải tiếp tục cải thiện về cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, hợp tác tạo điểm nhấn đưa miền Trung và Tây nguyên trở thành vùng du lịch trọng điểm, tương xứng với tiềm năng.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.