'Tiền tươi' để làm gì?

15/09/2014 00:00 GMT+7

Nhiều ý kiến đang đề xuất trao thêm quyền, tiền cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thông vốn cho nền kinh tế. Đề xuất này không có gì mới mẻ mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn.

Theo quy định hiện nay, VAMC có 2 cách mua nợ xấu. Cách thứ nhất đang tiến hành (mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt; các tổ chức tín dụng có thể sử dụng trái phiếu này để vay lại vốn từ NHNN) và sau hơn 1 năm, đơn vị này đã mua được gần 3 tỉ USD giá trị nợ xấu từ hệ thống ngân hàng (NH). Dự kiến đến cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên khoảng 5 tỉ USD. Như vậy có thể thấy, việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt không hề "tắc" để cần phải bơm "tiền tươi thóc thật" như nhiều người đang đẩy tới. Vấn đề cần quan tâm ở đây là VAMC đã bán được nợ xấu đã mua hay chưa? Nếu không bán được thì vướng ở đâu, cần gỡ cái gì? Liệu có khả thi hay không? Và vấn đề quan trọng hơn là các NH thương mại đã bán nợ xấu cho VAMC có sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay vốn ở NHNN hay không?

Nhìn vào tình trạng dư thừa vốn, lo ế tiền của hệ thống NH nhiều tháng nay có thể khẳng định, họ không thiếu vốn để phải chiết khấu các trái phiếu này. Nếu các NH không có nhu cầu sử dụng vốn thì có lý gì phải thúc ép bơm "tiền tươi" cho VAMC để mua đứt bán đoạn nợ xấu?

Nên nhớ phương án mua nợ xấu bằng "tiền tươi" thực chất không có gì mới. Năm 2012, đề xuất thành lập công ty mua bán nợ vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng đã bị bác bỏ với lập luận đúng đắn rằng, không thể lấy tiền thuế của dân để gánh sai lầm cho các NH. Ở thời điểm này, càng không thể sử dụng phương án bơm "tiền tươi" vì vừa không giải quyết vấn đề nợ xấu như nói trên, vừa có thể nảy sinh ra thất thoát trong quá trình mua nợ.

Thực ra, mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt hay bằng tiền tươi, vấn đề cuối cùng vẫn là xử lý món nợ đó như thế nào. Chúng ta đều biết, nợ xấu trong hệ thống NH hầu hết là bất động sản. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, bán các tài sản này, dù với giá thấp cũng không hề đơn giản. Bản thân các NH và cả VAMC đều đã thất bại nên có bơm thêm tiền để mua đứt bán đoạn nợ thì về bản chất, cũng chỉ là chuyển rủi ro bán nợ sang VAMC chứ không thể mong chờ từ đó vốn sẽ chảy ngay vào sản xuất.

Về việc này, có chuyên gia cho rằng, với vốn ban đầu VAMC có thể phát hành trái phiếu như một doanh nghiệp bình thường để dùng vào việc mua nợ. Sử dụng cách này sẽ giúp VAMC chịu trách nhiệm các khoản nợ. Khi đó, họ sẽ định giá nợ xấu đúng thực chất trước khi mua và chịu trách nhiệm bán nợ xấu sau khi mua. Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì hà hơi, tiếp sức cho VAMC đã được chứng minh là thiếu hiệu quả, nên tạo ra thị trường mua bán nợ thứ cấp, thông thoáng về luật, lệ để thu hút nhiều nguồn lực tham gia.

Bằng cách nào là việc của cơ quan quản lý. Nhưng "tiền tươi" cho VAMC dù huy động bằng hình thức nào thì khi xảy ra rủi ro, ngân sách cũng phải gánh chịu. Rất vô lý khi cứ đẩy gánh nặng lên ngân sách mà chịu cuối cùng chính là người dân trong khi chẳng ai nói đến trách nhiệm của các NH về đống nợ xấu do chính mình gây ra.

Nguyên Khanh

>> Kiến nghị ban hành luật về nợ xấu
>> Cần 'tiền tươi' để giải quyết nợ xấu
>> Nới tín chấp, coi chừng nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.