Nên viết nhiều hơn những câu chuyện tử tế

14/09/2014 10:45 GMT+7

Hai năm trở lại đây, việc đọc tin tức mỗi ngày trên các trang mạng luôn đem lại cảm giác nặng nề. Có quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra trong xã hội, tóm gọn lại bằng ba từ 'Cướp-Giết-Hiếp' mà chỉ cần một vụ xảy ra, trang mạng nào cũng đồng loạt đưa tin và khai thác từ 'chân đến ngọn'.

Hai năm trở lại đây, việc đọc tin tức mỗi ngày trên các trang mạng luôn đem lại cảm giác nặng nề. Có quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra trong xã hội, tóm gọn lại bằng ba từ "Cướp-Giết-Hiếp" mà chỉ cần một vụ xảy ra, trang mạng nào cũng đồng loạt đưa tin và khai thác từ "chân đến ngọn".


Một người bán vé số dạo lấy nước từ bình trà đá miễn phí góc ngã tư Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: Trần Duy

Người đọc "khôn ngoan" giờ đây chỉ dám lướt qua tiêu đề và không dám đọc nội dung bên trong. Những câu chuyện “người tốt việc tốt” chỉ còn là những đốm sáng lẻ loi trên các phương tiện truyền thông. Một hiện tượng nổi bật mà ai cũng nhìn thấy là đang có quá nhiều những cảnh báo nạn cướp giật/lừa đảo/nguy cơ… trong đời sống hằng ngày đang được dân mạng, nhất là trên facebook, truyền tin cho nhau. Vì sao người Việt Nam lại có một môi trường sống hoang mang và sợ hãi như vậy?

Nhân Tuần lễ sống tử tế được Viện nghiên cứu xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) tại Hà Nội khởi xướng từ ngày 14.9 - 20.9.2014, tôi chỉ mơ ước một điều thôi là sẽ được đọc nhiều hơn những câu chuyện tử tế lan truyền trên các trang mạng, kể cả mạng xã hội.

Vào buổi chiều 13.9, các trang mạng đồng loạt đưa tin về bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, cư ngụ ở Bình Dương) bị cha mẹ đánh đập đến bầm dập gương mặt và chấn thương não, đến mức những người hàng xóm bức xúc phải báo cho công an và đưa bé đi bệnh viện cấp cứu. Trong câu chuyện này (và câu chuyện của Hào Anh 14 tuổi bị chủ trại tôm ở Cà Mau đánh đập dã man vào năm 2010) thì người phát hiện trình báo cho công an chính là những người hàng xóm. Họ chính là những người tốt bụng, không bàng quan trước sự bất hạnh của đứa trẻ. Và nếu không có những người này thì Hào Anh và cháu bé 4 tuổi ở Bình Dương kia có thể sẽ chết trong im lặng.

Điều cần khai thác ở đây không phải chỉ là những mô tả chi tiết về sự dã man thú tính của vợ chồng chủ trại tôm hay cha mẹ đứa bé, mà chính là câu chuyện về lòng tốt của những người hàng xóm.

Vào đầu tháng 9.2014, tấm hình chụp một người đàn ông sửa chữa giày dép với tấm bảng “Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác” được cộng đồng mạng facebook chia sẻ với không ít thiện cảm. Sau đó, một số trang mạng cũng đến gặp chủ nhân của tấm bảng trên để thông tin chi tiết. Tuy nhiên, sức lan tỏa của bài viết về nhân vật, anh Lý Ngọc Bình, thợ sửa giày dép trên vỉa hè đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.HCM, người chủ của tấm bảng nêu trên, phải nói là chưa mạnh mẽ bằng thông tin về một điều xấu xa nào đó đang xảy ra trong xã hội. Thông tin về cái xấu lại lan truyền nhanh hơn, rộng hơn thông tin về những điều tốt đẹp. Đây có phải là đặc tính "kỳ lạ" của con người, hay là đặc tính "kỳ lạ" của người Việt Nam?

Trước đó, dân mạng cũng truyền tin về những điều miễn phí chỉ có ở Đà Nẵng, thành phố mà nhiều người đánh giá là văn minh hơn Hà Nội và Sài Gòn. Đó là: chữa bệnh ung thư, gửi xe ở các bệnh viện công… Trong những điều miễn phí đó, có câu chuyện về một điểm sửa xe ở ngã tư Hà Huy Tập - Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) hoàn toàn miễn phí cho học sinh và người tàn tật đã 10 năm nay.

Sài Gòn là vùng đất hội tụ nhiều anh tài của đất nước phải chăng thiếu những câu chuyện về những con người tử tế tương tự như ở Đà Nẵng? Tôi tin là không thiếu. Ở đâu đó trong những con hẻm Sài Gòn, người dân vẫn sống với nhau một cách tử tế, chỉ có điều những điều đó quá đỗi bình thường, như một phần tính cách và cách ứng xử thường ngày của họ, nên không được thông tin trên các trang mạng chăng?

Thỉnh thoảng, đi trên các con đường ở Sài Gòn giữa trưa hè nắng gắt, tôi vẫn thấy những bình trà đá, những bình nước lạnh được đặt trên vỉa hè với hai chữ “Miễn phí”; hoặc nghe ai đó đi ngang qua nhắc nhở tôi nhớ “Gạt chống chân”. Đằng sau những hành động và lời nói đó phải là những người tử tế. Những kẻ xảo trá hay hung ác vẫn còn nhiều, nhưng một đất nước không thể tồn tại nếu thiếu những con người tử tế.

Sống tử tế thật ra không cần phải làm điều gì đó lớn lao vĩ đại. Đôi khi đó chỉ là một cụm từ “Cảm ơn” mà tôi thường xuyên nghe hành khách nói với người tài xế lái xe mỗi khi xuống một trạm xe buýt ở thành phố Boston (bang Massachusett, Mỹ), nhưng lại chưa bao giờ nghe thấy trên các phương tiện công cộng ở Việt Nam.

Trong cuộc sống, người Việt không có thói quen nói “Cảm ơn” hay “Làm ơn…”, nhưng đó là hai cụm từ được người Mỹ sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày và đó là điều chúng ta cần học hỏi. Giữa sự điên đảo của xã hội hiện nay, chúng ta không chỉ cần viết nhiều hơn những câu chuyện về những con người sống tử tế mà hãy chỉ cho nhau cách sống tử tế. Đó mới chính là sứ mạng của thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.