Tiền bay - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

14/09/2014 03:00 GMT+7

Chim chóc càng lúc càng hiếm hoi. Săn bắt khó, gã làm thêm việc thu gom và thu nhập có đỡ hơn. Hàng họ càng hiếm càng quý nên giá trị tăng mà yêu cầu lại sút giảm. Giả như chim ướp lạnh, trước đây bị từ chối. Giờ, có ăn đã mừng húm. Ướp, giờ cái gì không ướp nói chi thứ hàng độc đáo này. Bà chị trong Nam, mỗi lần gọi điện ra thăm đều duy nhất một yêu cầu. Gã cười lên khanh khách nói chị sao hay giỡn dữ? Bà chị dằn xóc:

Tiền bay - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ 
Minh họa: Tuấn Anh

- Bộ ngoài công chuyện đó, vợ chồng chú hết việc? Tưởng sao! Chứ sống ở nông thôn vậy cũng rảnh và sướng quá rồi còn gì.

- Chị lại nói mỉa móc, cạnh khóe thằng em rồi.

- Tôi đâu dám.

- Chị tính giùm nghe. Làm ruộng, hồi được mùa hồi thất bát, bù qua sớt lại cứ coi như cũng đủ gạo bỏ nồi. Rau rác trong vườn cũng đủ luộc, nấu canh…

- Rồi sao nữa? Nhà quê tiêu pha bao lăm… 

- Chứ lít dầu ăn, bì bột ngọt, xăng đổ xe, tiền học cho lũ nhỏ rồi tiền ơn, tiền nghĩa… ở đâu có?

- Vậy là ở mấy con chim. Vậy là tụi nó phải chết để cho gia đình chú sống hả?

Tuần trước, gã gặp được một mối quá ngon. Một chủ nhà hàng đặt mua vài trăm con giá cao ngất ngưởng. Với điều kiện chim còn nhảy nhót, hót ca, còn kêu còn đạp nghĩa là sống nhăn. Khách ăn chỉ mấy chục nhưng đòi chim, chế biến tới mấy món nên mới cần tới số lượng đó. Cả nhà vất vả và vui vẻ lao vào công việc. Gã và thằng con bất kể xa bất kể cực, miệt mài săn lùng. Vợ và đứa con gái lãnh phần mua và lo cho chim. Lắt nhắt người vài ba con, người năm bảy, kẻ một chục và tất cả đều được nhốt lại trong mấy cái lồng. Theo thứ tự trước, sau. Chim ốm mệt theo từng ngày nhưng không sao, miễn đừng chết là được. Cái chuyện chăm bẵm chim, đừng giỡn, thấy nhẹ xác chứ mà nhọc công gấp vạn lần phát bờ, làm cỏ ruộng, trồng trỉa rau trái trong vườn. Đây mà tụi nó rũ ra chết có mà vợ chồng gã bại liệt theo. Bởi sao? Toàn là tiền mượn vay chứ gia đình gã đủ sống đã mừng, có đâu mà dư nổi. 

Đêm, không ngủ được, gã ra chái hè ngồi hút thuốc và suy nghĩ miết. Chưa có lần giao hàng nào nhiều đến cỡ này và chưa có đợt xuất chim nào khiến gã bần thần lo lắng tới mức vầy. Đếm thầm chim đã kiếm được và thu mua được trong ngày rồi gã nhẩm tính khoản tiền lời, sau khi đã gom đủ số để giao. Người gã tự nhiên khác lắm! Bồi hồi vui sướng cũng có mà hoang mang sợ sệt cũng có. Là một cảm giác rất khó tả và đó là khi gã thức. Còn hồi ngủ thiếp, gã lại thấy những đồng bạc năm trăm ngàn bay lất phất quanh chỗ nằm. Cứ bay tới bay lui, bay thẳng tắp bay lòng vòng, bay nghiêng qua chếch lại, bay thấp rồi bay cao chứ dứt khoát không chịu sà xuống giường dù gã cố rướn người, đưa cả hai tay với cao và xiên bên trái và quẹo bên phải, bắt níu. Không cách gì chộp được bởi những đồng bạc, cố tình, trửng giỡn gã, chọc ghẹo gã cho đuối mệt, cho bực tức chơi. Tỏ tường cặp mắt của gã đã thấy những tờ năm trăm đó và hốc mũi gã đây còn ngửi được mùi tiền thơm dậy cả căn buồng nhỏ thấp, rồi đích thị đôi tai gã, nghe rất rõ âm thanh của những đồng bạc sột soạt, chin chít, hồi đếm tới đếm lui trước khi được sắp xếp lại cẩn thận.

Mồ hôi tuôn hết cả người, nhọc nhoài với cuộc bắt rượt chộp giữ, gã thả phịch tấm thân xuống giường và giấc ngủ kéo tới ngay. Và mết mê trở lại, rồi thấy tiền theo gã ra thành phố sắm cái này, làm cái kia. Và tiền, dẫn vợ gã ra chợ huyện để chừng trở về là một giỏ thức ăn nặng trịch. Rồi tiếp tới là mâm cơm vun ngập đồ ăn chứ không phải chỉ có xoong canh rau tập tàng nấu với đậu phộng hay mớ cá đồng nấu lá me. Cũng ngay lập tức là hình ảnh mấy thằng con ngồi xếp bằng cạp cục giò heo bắt ngập tận chân răng, mỡ rỉ rỉ ra cả hai bên mép. Khỉ khô. Dân thành phố giàu sang bịnh tật tùm lum kiêng ăn mỡ ăn dầu, kiêng thịt đỏ thịt đen. Còn cả cái gia đình của gã từ người già đến người trẻ, từ đàn ông cho tới đàn bà, từ người lớn cho tới con nít thèm thịt muốn chết, mà có đâu ăn? May lắm, hồi nhà giỗ quẩy hay tết nhất mới được ít miếng, đủ thiếu gì!

***   

Cả nhà thiếu điều lên cơn sốt khi còn đúng nửa buổi và một đêm nữa phải giao hàng mà số chim gom về còn thiếu tròn con số năm chục. Chỗ bán buôn này rất sộp, phải tiếp thị miết gã mới bập vô được và đây là lần thứ nhất làm ăn với nhau. Sẽ không bao giờ có lần hai, lần ba… Những lần tiếp theo nếu như cái cú đầu đây bất thành. Nghĩ lại cái bữa đó mà hết cả cái lồng ngực của gã vẫn còn tức ran. Trong khi mình hết sức là chững chạc cam kết, số lượng và thời gian giao hàng thì mụ chủ chỉ nhếch mép cười và từ nơi đó phát ra đúng có một câu: “Tùy. Biết giữ chữ tín thì còn dài dài...”. Đâu cần thêm bớt. Chỉ chút lấp lửng, ngập ngừng vầy vậy cũng là quá hiểu rồi. Chỉ nhiêu đó cũng đã trọn vẹn... niềm lo rồi.

Ruột nóng như bỏ lửa, lùa đại ít chén cơm cha con gã bươn bả rời nhà, dù đang giữa trưa đứng bóng. Gã và thằng út một hướng còn thằng đầu với thằng giữa một hướng, lao đi. Săn lùng riết róng suốt một buổi chiều, gã chỉ kiếm được đúng ba con. Chửi thề khi thu gom đồ nghề và bất mãn khan khi nhìn thằng út ngồi bó gối ngủ gục. Chạng vạng mà không giữ cái hồn vía cho tỉnh táo, ma cỏ bụi bờ nó bắt như không. Gã gắt um: “Chứ mày tính một thế đó, suốt đêm, cho muỗi nó tha luôn cái mạng đi hay sao? Về!”. Nghe tiếng xe gã từ xa, cả nhà đã túa ra hết ngoài ngõ đón chờ. Nhìn khuôn mặt vợ con phừng phực nỗi mừng, gã thở phào ra nhẹ nhõm. Phải nói là quá hên khi hai thằng con gã trúng đậm, đã vậy, mẹ nó còn quơ quào hết các mối ở xóm trên xóm dưới, được trên bốn chục chim. Tưởng xoay xở không đủ, ai dè dư bộn. Gã ra lệnh thui liền mấy con rồi nhổ lông nướng mọi, uống xị đế pha tiết xóa sạch nỗi lo và mừng sớm… chiến công. 

***

Cha con gã dồn hết chim vô hai cái lồng to rồi cột ràng rất kỹ hai bên yên, có vậy, xe mới bằng thẳng được. Khi đã rồ máy và chạy được một đoạn, bà vợ gã còn nói với theo: “Cẩn thận nghe ông”. Úy! Tưởng đâu xa chứ mấy con đường làng quanh co ở đây gã đã từng chở heo, chở hàng mấy bao lúa, chở lút đầu rau màu hoa trái nên nhằm nhò gì. Hàng nhẹ hều và gọn bưng vầy chạy quá khỏe. Hết đường đất vừa ra tới cây cầu, cả người và chim gặp ngay một luồng gió lớn tấp tới, khiến cái Wave Tàu đứng khựng lại. Không sao! Ảnh hưởng bão xa đây mà. Cây cầu hẹp thường có xe lớn đi qua nên gã rà thắng cho xe tấp sát bờ. Gã dắt xe và hết sức khó nhọc khi từng chút một, đẩy lên phía trước. Xe đẩy tới và gió đẩy lui nhưng gã quyết không dừng bước. Và cứ thế người đẩy xe với chim nhích dần, nhích dần lên.

Cây cầu này có một nhịp đã mất thanh che chắn nên khi xe vừa chớm tới đó, gã thấy lo. Bậm chặt môi, dồn hết sức bình sinh, gã gắng băng qua càng nhanh càng tốt. Nhưng đâu ngờ, ngay giữa lúc đó một cơn gió rất mạnh ào tới khiến cái xe cà tàng của gã nghiêng qua, đảo lại. Gió mỗi lúc một hung dữ hơn. Cả cái xe ập lên gã thiếu điều đè nghiến lấy gã, nếu gã không ráng trụ vững đôi chân. Và trong tư thế ấy, gã dồn hết sức mạnh ở trong con người mình lên bàn tay phải để gồng giữ chặt lấy cái xe, trong khi tay trái lật đật mò túi lấy cái di động kêu người nhà ra giúp. Nhưng không kịp nữa rồi. Gió hung dữ và thâm hiểm thật! Như canh rình chút sơ hở đó của gã, để rất nhanh, tấn công bằng những cú đập ầm ầm. Không chịu nổi sức mạnh của gió, một lồng chim bung ra và lập tức rơi vèo xuống sông. Còn chưa biết xử lý thế nào, lồng thứ hai cũng ngay tức thì, ùm, gọn lỏn.

Không kịp nghĩ suy, gã thả xe và lao vội xuống lòng sông. Rồi chới với rồi điên dại bơi nhanh theo hai lồng chim. Đâu phải chim dạt trôi mà tiền của gã, đã nằm trong vòng tay của gã, tuột trôi, trôi tuột. Gã phải lấy lại, giành giật lại vì tiền trả nợ nằm trong đó, tiền mua phân tro giống má cho đất vườn, đất ruộng nằm trong đó, tiền mua thuốc men cho vợ nằm trong đó, tiền đóng học phí của con, sửa cái xe máy… Hết thảy, nằm trong đó. Không thể được… Gắng cố rồi hai cái lồng chim cũng gần với tầm tay với tới của gã hơn. Gần hơn, gần hơn và cuối cùng gã cũng chộp được. Chộp được và không còn là vọng đưa, thoảng tới mà ngay sát bên tai gã, trong lòng gã tiếng cả bầy chim nháo nhác hoảng sợ kêu lên những tiếng ngằn ngặt, đứt đoạn cầu cứu… Những tiếng kêu rơi đúng vào lúc gã vừa thoát chết khiến gã co giật mình, thảng thốt. Có một cái gì vừa đập đến choang trong cái đầu vốn nhỏ hẹp, cạn cợt của gã, đánh cái rầm vô trái tim vốn lạnh khô của gã. Và cái đầu động cựa và trái tim đập dồn và cả tâm hồn cả thân xác gã, bã bời trong một cơn… bừng tỉnh.

Như được bầy chim tiếp sức, gã thấy nhanh nhẹn hơn trong từng động tác, khi cố giữ thăng bằng trên mặt nước và hít thở và đạp bơi, trườn tới. Độ lướt của thân thể theo mỗi một nhịp bơi cứ ngắn hơn, ngắn hơn và rồi đứng sựng lại. Gã đã tính cứ một tư thế đó cho tới hồi hết chịu nổi… Nhưng ý nghĩ đâu chỉ một mình mình chết mà cả vài trăm chim cũng sẽ chết theo, khiến máu trong cơ thể của gã như được hâm nóng, đôi chân tự nhiên hết cứng ngắc, cọ quậy trở lại và tiếp tục vùng vẫy. Do đôi tay mắc níu giữ hai lồng chim nên gã chỉ còn có thể bơi bằng cặp chân. Cũng không thể bơi ngửa và phải sấp mặt thường xuyên nên có lúc nước tràn vào miệng gã khiến sặc và ngộp. Uống nước nhiều cho gã cái cảm giác kinh hồn là sắp chìm nghỉm xuống lòng sông. Một cơn đuối mệt nữa lại ập tới dù gã cố thêm một lần nữa, vài lần nữa. Đôi chân thật sự không chịu tuân theo sự điều khiển của gã nữa rồi. Đầu óc vẫn còn hoạt động nhưng cơ thể đã rã rệu, tới mức này cặp giò không cứng đơ mới thật lạ. Cặp giò cứ cà đuỗn ra và gã tự nhủ: “Thôi! Mày thua rồi nghe”. Giữa khi mà gã đã định thả buông tất cả, thì mắt gã chợt nhận ra cái màu xanh mơn mởn của triền cỏ ven sông ở sít kề ngay tầm mắt mình, chỉ cách chừng vài sải bơi. Gã thiếu điều muốn hét toáng lên: “Sống rồi”. 

***

Sau khi đẩy được cả hai cái lồng lên bờ, toàn thân gã rũ liệt. Nửa người trên đã úp mặt được trên cỏ nhưng nửa người dưới không cách gì ráng thêm được nữa. Dẫu một chút, chỉ là một chút. Gã thử nhúc nhích cặp giò nhưng hai chân cứ như đeo cả tấn đá nặng trịch. Đôi tay mỏi nhừ nhưng gã vẫn không thôi bám chặt lấy hai cái lồng chim và trong tư thế ấy, với tình trạng ấy, gã thiếp dần. Khi mắt vừa hé mở, gã đã vội khép chặt vì nắng quá và sáng quá! Bên cạnh gã là người hàng xóm làm nghề sông nước. Tay này reo lên khi thấy gã tỉnh lại. Hắn nói sau khi ông chở mấy lồng chim đi, tôi cũng vác cái sõng và tay lưới ra sông kiếm con tôm, mớ cá. Giựt được hai mẻ lưới cũng khẳm nên về nghỉ, ai dè, đang đi mất hồn khi thấy có người nằm chết. Xán lại gần, dòm thử, đâu ngờ ông. Tay này hơ hớ cười khi chọc: “Mà sắp chết vẫn ôm cứng hàng nghe. Sao ham tiền dữ vậy cha?”.

Hai thằng con được báo tin, vội ra ngay. Phiên phiến với ba nhưng kỹ càng lắm khi coi ngó lại chim chóc. Nhìn cái kiểu cách của con, gã hiểu. Một thứ hiểu thấm tháp vô vàn cái xót trong vô cùng nỗi đau. Gã ráng kìm lại tiếng thở dài. Kiểm tra xong, hai đứa cười khùng khục. Thằng đầu liến thoáng: “Đã quá! Chết chưa tới chục con mà ba. Để phơi chút cho khô rồi con chở lên giao vẫn còn kịp”. Thằng sau tiếp lời: “Ba nằm nghỉ chút, con chở về nhà kẻo má lo”. Gã ờ ờ và tự nhiên chồm dậy trong người rất nhiều cái sợ. Sợ khan. Sợ bắt run bắn cả người. Kỳ! Dưới nước và thì thọp trong nước suốt ngần ấy thời gian, trong khi cái chết lơ lửng ngay bên, vậy mà không run; còn giờ, bộ đồ ướt mèm đã khô và sức nóng mặt trời rọi thẳng vô mình, bắt rát vậy mà lại run quá chừng.

Gã ngồi dậy cúi đầu đăm đắm nhìn chim. Những chú chim với cái mỏ nho nhỏ, chiêm chiếp chào đón gã và… gượng gạo cảm ơn. Không phải sao! Gã đã cứu mạng chúng. Từng tiếng, từng tiếng chim như đã bớt đi những nỗi hãi hùng, khiếp đảm. Những tiếng kêu đã như báo hiệu sự sống và nỗi an bình. Và liền kề ngay đó, những tiếng chiêm chiếp, chiêm chiếp quen thuộc bỗng rạc rời và rụt rè bao nỗi hoang mang. Những tiếng kêu của run sợ, lẩy bẩy, tuồn hết vô trái tim gã đang loạn nhịp, đập dồn. Chắc bọn chúng hiểu sự sống mà gã vừa giành giật giùm cho chúng thì rất mơ hồ và chỉ là chóng vánh thôi mà. Cái chết, ấy mới điều chắc chắn và cái chết đã lộ hiện và đang dần từ đi tới. Gã như đi xuyên suốt qua những lẩy bẩy của bọn chúng và cùng lúc, nhận ra nỗi run sợ của người và của chim, đâu khác gì. Ứa nước mắt, gã nghĩ, chỉ ngay chiều nay ngần ấy chim cũng là ngần ấy sự sống vừa cùng gã hồi sinh, đã… thôi đành. Bất giác câu nói của bà chị trong Nam ong ong trong lồng ngực: “Vậy là lũ nó phải chết để cho gia đình chú sống hả?”.

Hai thằng con khiêng lồng chim trở lại cây cầu. Đoạn đường không xa mà gã thấy lăng lắc với lòng xót xáy. Gã khom lưng, lầm lũi bước theo chim như một kẻ tội đồ đang trên đường đi đến nơi bị hành hình. Cứ như không phải gần ba trăm con chim sẽ tức tưởi chết ngay chiều nay mà là gã. Chính gã. Không phải là huyết của chúng sẽ được hòa vào những lít rượu gạo mà là huyết của gã. Không phải thịt da chúng sẽ bị thiêu đốt, sẽ được bằm nát trong các món chả món xôi. Và những đôi chân, những cặp cánh, những ức lườn của chúng, sẽ được nướng mọi chiên giòn hay là rô ti? Xen lẫn trong những mường tượng là những tiếng chim kêu não nuột, u u, trong cái đầu gã căng ra buôn buốt. Vồng ngực thót đau khiến xuội cả một bên người. Đoạn đường ngắn ngủn mà gã vấp té hằng bao lần, ngã chúi hằng bao bận.

Hai thằng con đặt lồng chim trên đất để bước lên đường, xoay trở lại đầu xe. Vừa thấy thế, cơn đau trong gã mất biến rồi máu ở trên não gã tự nhiên ào ào, tuồn xuống khắp cơ thể, dồn hết xuống dưới, khiến đôi chân gã bỗng mạnh mẽ và nhanh nhảu bất ngờ. Nhưng nhanh và mạnh hơn, là hai tay thoắt cái đã đặt trên hai cửa lồng và bật mở.

Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

>> Diễn - Chùm truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Hát - Chùm truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Thở - Chùm truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Ươn - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Người cũ - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.