Chuẩn bị cho những 'cú sốc'

12/09/2014 01:50 GMT+7

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu (HDR) 2014 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố hôm qua (11.9) tại Hà Nội, đã khiến nhiều người lo ngại khi cho biết năm 2013, VN chỉ đứng hạng trung bình về HDR, xếp thứ 121/187 quốc gia và vùng lãnh thổ, có vị trí khá thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (62), Thái Lan (89), Indonesia (108), Philippines (117)...

Mặc dù cấp độ phát triển con người tiếp tục tăng lên nhưng tốc độ phát triển con người đã chậm hơn, từ mức tăng trung bình 1,7%/năm (giai đoạn trước những năm 2000) đã tụt xuống mức 0,96%/năm hiện nay. Đáng chú ý, báo cáo HDR 2014 lần đầu tiên đưa ra khái niệm nguy cơ tổn thương và khả năng chống chịu của con người trước các cú sốc như các cuộc khủng hoảng, thảm họa thiên nhiên hoặc do con người gây ra.

Ai là người dễ bị tổn thương? Không chỉ là người nghèo, người khuyết tật, người già, các nhóm thiểu số mà những người lao động trong khu vực không chính thức và toàn bộ cộng đồng cũng được xếp vào nhóm này.

Theo báo cáo, gần 50% (tương đương 1,5 tỉ người) tổng số lao động trên toàn cầu là lao động không chính thức. Tại VN, khoảng 70% việc làm thuộc khu vực không chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng thu nhập bấp bênh không ổn định của người lao động. Đây là bằng chứng cho thấy sự gia tăng của tình trạng phi chính thức hóa thị trường lao động sau khủng hoảng.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng tại VN, sinh kế rất bấp bênh trong một nền kinh tế bị chi phối bởi công việc không chính thức, mức lương thấp và một tỷ lệ lớn các gia đình ở dạng cận nghèo. Thách thức chính sách hàng đầu của VN là nâng cao khả năng đối phó với những cú sốc gây ra tổn thương cho con người. Và điều này cần được xếp hạng ưu tiên như chính sách xóa đói giảm nghèo.

UNDP khuyến cáo VN cần nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực và cải cách thị trường lao động, trong đó nhà nước có trách nhiệm đảm bảo phổ cập các dịch vụ cơ bản và thúc đẩy phát triển các kỹ năng lao động, việc làm bền vững. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ xã hội toàn diện để cung cấp một mức sống tối thiểu, bảo đảm sinh kế và khả năng cơ bản cho người dân. Theo nghiên cứu này, hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay chỉ đến được với 50% người nghèo.

Ưu tiên thứ ba là đầu tư vào cải cách thể chế và tổ chức thực hiện một nền hành chính đáp ứng, hòa nhập, thích nghi… nhằm giảm thiểu rủi ro và dễ bị tổn thương của con người.

Trường Sơn

 >> Đào tạo nhân lực từ nhà trường
>> Tự tin cạnh tranh nhân lực toàn cầu
>> ‘Khát’ nhân lực mũi nhọn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.