Trả trung thu cho các em

09/09/2014 09:40 GMT+7

Mọi người đều nghĩ như vậy nhưng sự đời lắm chuyện tréo ngoe kiểu “Nói vậy mà không phải vậy” và trung thu là chuyện điển hình.

Lâu nay, nhiều người cho rằng trung thu là tết thiếu nhi, tết trông trăng, tết đoàn viên… và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các nước châu Á dùng lịch âm đều có tết vào rằm tháng 8 âm lịch tương tự. Gần đây, theo những nghiên cứu tin cậy, nguồn gốc tết trung thu là của người Việt cổ ở đồng bằng sông Hồng. Chính các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ Việt Nam đã Tàu hóa và gây ra ngộ nhận trên? Dù vậy, trung thu Việt vẫn có nhiều nét khác biệt, thể hiện rõ bản sắc văn hóa độc lập. Từ lồng đèn, bánh kẹo, múa lân, phá cỗ…

Từ nhỏ, tôi có nghe nói loáng thoáng về trung thu chứ chẳng biết  cụ thể thế nào. Bọn trẻ quê ở vùng giáp ranh chỉ nghĩ trung thu cũng như ông già Noel là của đám nhà giàu. Vào Sài Gòn, tôi mới biết trung thu thì mình đã lớn. Sau 1975, đất nước thống nhất, trung thu trở thành ngày hội của mọi tầng lớp trẻ em. Trẻ phố thì có lồng đèn tự làm là chủ yếu. Trẻ quê thì tự chế bằng lon sữa bò, bằng gáo dừa…Thậm chí không có lồng đèn thì làm đuốc bằng dầu mù u để rước đèn. Lân, trống tự chế, mâm cỗ tự bày và trẻ con thì náo nức, thỏa sức chơi đùa. Dần dần, trung thu bị người lớn lấn sân, trẻ con ngày càng bị ra rìa, thậm chí làm kiểng và diễn kịch.

Cách đây vài chục năm, trẻ quê gần như đứa nào cũng biết làm lồng đèn bằng nan tre hoặc ống lon. Nhiều bạn con nhà nòi còn biết làm đèn kéo quân, làm đầu lân…Bây giờ thì cả người lớn cũng mù tịt. Mọi thứ có sẵn ngoài chợ, chơi không đã. Chưa kể trung thu là dịp con nhà giàu khoe của, chơi nổi. Hình như từ thời đổi mới, nhiều người lớn đã “ăn cắp tuổi thơ” của con em mình. Trung thu là dịp người lớn nhân danh con nít, biếu xén, cống nạp để xây dựng và gia cố các mối quan hệ làm ăn. Nhiều doanh nghiệp lấy thiếu nhi làm cảnh hoặc bình phong để quảng cáo và ăn chia hoa hồng. Vùng sâu, vùng xa thì ít ai chịu đến, dù các em rất cần vì khó xin tài trợ, khó quảng cáo và cực ban tổ chức. Càng trung tâm, càng hoành tráng. Nhiều lúc, chi phí tổ chức gấp mấy lần quà tặng. Thậm chí, có nơi, thầy cô phụ trách các em phải hỏi chất lượng quà để biết đường quyết định vì cùng đối tượng mà năm bảy đơn vị mời.

Trung thu là Tết của trẻ em. Xin đừng tập cho các em sự dối trá và bệnh phô trương cùng nhiều thói tật khác - Ảnh: Tịnh Tâm
Trung thu là Tết của trẻ em. Xin đừng tập cho các em sự dối trá và bệnh phô trương cùng nhiều thói tật khác - Ảnh: Tịnh Tâm

 

Tôi đã có nhiều dịp cùng báo Thanh Niên và các báo khác tổ chức “Tuần hội trung thu” cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Trẻ quê mê bánh thập cẩm chứ không thích đậu xanh và trứng. Lồng đèn phải làm bằng phim phổi vì dễ vận chuyển, không sợ cháy, rách và có thể chơi nhiều mùa. Xin nước suối tặng là để các em dùng chai đựng nước đi học, đi chăn bò…Nhiều vùng phải chở quà bằng xe máy cày, xe bò, xe thồ hoặc xuồng nhỏ luồn lách. Các em càng nghèo thì niềm vui càng lớn. Kết thúc tuần hội, đoàn từ thiện thường dừng chân ở Phan Thiết , “ăn theo” lễ hội trung thu lớn nhất nước. Chính tôi là người giới thiệu và đưa Vietbook ra Phan Thiết dự lễ, kiểm tra và trao cúp kỷ lục. Phải nói là quá hoành tráng. Chỉ Phan Thiết mới làm được vì thường trưởng ban tổ chức là Chủ tịch UBND thành phố. Các nước khác cũng không thể làm như vậy.

Lễ hội rước đèn trung thu Phan Thiết có mấy chục xe hoa lồng đèn khổng lồ tự chế. Không phải xe hoa trên xe hơi mà thường là trên xe ba gác, xe 4 bánh đẩy tự chế hay xe đạp ghép rất lạ. Có năm gần 50 chục xe. Mỗi xe một trường với 80 lồng đèn nhỏ “đồng phục”. Ban đầu tôi rất hào hứng nhưng càng về sau càng áy náy vì quá tốn kém (tốn tiền mà kém hiệu quả). Có lẽ nhiều thầy cô và phụ huynh cũng nghĩ vậy? Tôi tiếc đứt ruột khi biết mấy chục lồng đèn kỳ công mướn thợ làm cả tháng và giấu kín ý tưởng (sợ trường khác vận dụng hay hơn?) chỉ rước đèn vài giờ sau đó về trường phá cỗ rồi xếp xó. Có cách gì trưng bày cho nhân dân và du khách xem cả tháng sau đó? Tiếc của, tôi đã gạ mua đứt mấy chiếc độc mang vào Sài Gòn bày trong hội chợ du lịch nhưng cũng chưa ăn thua gì. Mua 3 chiếc nhưng phải thuê 2 xe tải không mui vì đèn nhẹ nhưng quá khổ. Tôi cũng từng đề đạt và ao ước là mấy ngàn lồng đèn con “đồng phục” nên để các em tự làm thì hấp dẫn biết mấy.

Theo thiển ý của tôi, dẹp bỏ lễ hội rước đèn trung thu ở Phan Thiết là chuyện không nên. Còn tiếp tục như hiện nay cũng khó và ngày càng mất ý nghĩa. Sự hào hứng ban đầu đã bị thay thế bởi bệnh hình thức, chạy theo thi đua, làm khổ cả thầy, trò và cả phụ huynh? Phải duy trì nhưng trả lễ hội cho các em. Thật ra trí tưởng tưởng và sức sáng tạo các em cực kỳ phong phú. Các em sẽ tự làm xe hoa với sự hỗ trợ của người lớn. Còn lồng đèn nhỏ các em phải tự làm lấy nhưng không bắt buộc. Xe hoa làm chung, còn lồng đèn nhỏ làm riêng vào một ngày nhất định. Du khách có thể đến tham quan xem các em làm. Cũng có thể thi làm lồng đèn cho du khách và cùng tham gia rước đèn với đội hình riêng. Giải thưởng sẽ trao theo độ tuổi, chủ yếu là thể hiện tính tự chủ và sự sáng tạo. Lễ hội và rước đèn xong, mời khách và phụ huynh cùng về trường phá cỗ. Sau đó, triển lãm “Hành lang đèn trung thu” để du khách thưởng ngoạn cả tháng. Những việc này có thể làm vì trong tầm tay. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả giáo dục và du lịch.

Các lễ hội trung thu khác cũng vậy. Hãy trả lại cho các em, để các em chủ động. Xin đừng tập cho các em sự dối trá và bệnh phô trương cùng nhiều thói tật khác. Phải gọi đích danh, đó là “Sự hủy hoại văn hóa”, nguy hiểm không kém nạn xâm lăng văn hóa của ngoại bang.

Nguyễn Văn Mỹ*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là doanh nhân ngành du lịch, sinh ở Bình Thuận

>> Biển người đổ về phố cổ Hà Nội vui tết Trung thu
>> Liên khúc Tết Trung thu
>> Vui Tết trung thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.