Một kỳ thi quốc gia: Đề thi sẽ đánh giá thí sinh ở 4 mức độ

10/09/2014 03:00 GMT+7

Tại buổi họp báo công bố phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia, vào cuối giờ chiều qua (9.9), lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không có gì thay đổi lớn đến mức gây hoang mang xáo trộn đối với thí sinh từ cách ra đề đến việc dạy và học. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến kỹ thuật thi cử mà báo chí quan tâm, Bộ vẫn “khất” đợi khi có quy chế mới cho kỳ thi này.

Từ năm học này, học sinh lớp 12 sẽ tham gia một kỳ thi chung quốc gia đầu tiên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không có phần đề riêng để xét tốt nghiệp THPT

 

Đa số ủng hộ phương án 1

Theo số liệu Bộ vừa công bố, trong số 24 ý kiến của các giám đốc sở GD-ĐT thì có 91,66% ủng hộ phương án 1; 4,16% ủng hộ phương án 2; 4,16% ủng hộ phương án 3. Tại hội nghị tổng kết năm học bậc GD phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp, có 80,98% ý kiến ủng hộ phương án 1; 17,6% ủng hộ phương án 2 và 1,4% phương án 3. Có 120 ý kiến của đại diện các trường ĐH, CĐ; trong đó có 65,83% ủng hộ phương án 1; 24,16% ủng hộ phương án 2; 9,16% phương án 3.

Có 2.788 trường THPT, trung tâm GD thường xuyên thuộc 63 sở GD-ĐT và Cục Nhà trường được hỏi ý kiến về một kỳ thi quốc gia, trong đó có 137.379 ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên (85,23% ủng hộ phương án 1; 7,96% ủng hộ phương án 2; 2,68% phương án 3); có 929.584 ý kiến của học sinh (87,23% ủng hộ phương án 1; 6,91% phương án 2; 2,12% phương án 3).

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về cách ra đề cho một kỳ thi nhằm 2 mục đích như thế nào, liệu có quy định phần đề nào để xét tốt nghiệp THPT, phần nào để tuyển sinh ĐH, CĐ hay không, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết đề thi sẽ đánh giá thí sinh ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh. Cụ thể, đề thi sẽ khá giống với cách ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Tất nhiên sẽ có thể tăng cường câu hỏi mở, kiến thức liên môn.

Thời gian làm bài với các môn cũng giống như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nghĩa là bài thi tự luận 180 phút và bài thi trắc nghiệm 90 phút. Hình thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) của từng môn cũng không thay đổi. Việc đổi mới tiếp cận dần khi chúng ta thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới nhưng cũng vẫn phải đảm bảo tính ổn định để học sinh không gặp khó khăn nhiều về đề thi cũng như cách thức thi năm nay.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói thêm: “Đề thi không tách riêng phần nào để xét tốt nghiệp THPT, phần nào để tuyển sinh ĐH nhưng sẽ đáp ứng được kiểm tra kiến thức cơ bản để học sinh có thể tốt nghiệp. Có phần nâng cao, phân hóa để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Những thí sinh này sẽ không thi chung cụm thi với những thí sinh có nguyện vọng thi ĐH. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cả 2 đối tượng thí sinh ở 2 loại cụm thi đều vẫn thi chung một đề. Đề thi sẽ được thiết kế để đánh giá thí sinh làm được ở mức độ nào thì có thể đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT và quy định mức điểm chuẩn để tốt nghiệp phù hợp.

Miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ  theo quy định

Theo quy định mới, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc những chứng chỉ cụ thể nào sẽ được công nhận để miễn thi ngoại ngữ, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng không phải tất cả các chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay đều được miễn thi. Tuy nhiên, những chứng chỉ ngoại ngữ đã được quốc tế thừa nhận sẽ có cơ hội rất lớn để được xem xét miễn thi môn này. Còn những loại chứng chỉ khác thì Bộ sẽ có những quy định rất cụ thể trong quy chế. “Không thể có chuyện chứng chỉ có thể với mức giá mua vài trăm nghìn đồng mà cũng được miễn thi ngoại ngữ”, ông Nghĩa khẳng định.

Theo ông Nghĩa, việc thi ngoại ngữ dần sẽ gắn chặt hơn với đề án dạy ngoại ngữ quốc gia. Bộ cũng sẽ thành lập những trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ để người học có thể được đánh giá nhiều lần trong năm thay vì thi tập trung như hiện nay. Những chứng chỉ được cấp từ các trung tâm này sẽ là căn cứ để xét tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thi tối đa 8 môn

 

Thời gian, hình thức thi

Kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12.6.2015.

Các sở GD-ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3, nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ vào giữa tháng 4 hằng năm.

Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý: thi tự luận, thời gian thi 180 phút.

Các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ: thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết việc thí sinh chọn thi thêm các môn để tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào công bố của các trường. Trước ngày 1.1.2015, các trường ĐH, CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh của mình, trong đó có mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi này đến đâu để tuyển sinh. Căn cứ vào đó, thí sinh tùy thuộc vào nguyện vọng và mong muốn của mình để đăng ký thi thêm môn thi phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của từng trường, từng ngành cụ thể. Việc cho phép thí sinh đăng ký tối đa tới 8 môn thi là để thí sinh thể hiện hết năng lực của mình và tăng thêm cơ hội vào trường ĐH, CĐ.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết thêm Quy chế tuyển sinh mới mà Bộ đang xây dựng sẽ quy định cụ thể việc xét 2, 3 môn hay xét theo khối thi ĐH như hiện nay. “Chủ trương của Bộ là thí sinh không bị hoang mang vì phải thay đổi lớn về cách học. Chúng tôi hiểu rằng đến thời điểm này thí sinh nào định thi vào trường ĐH gì, thi khối nào thì cũng đã lựa chọn để tập trung học các môn thi tương ứng với các khối thi hiện nay. Do vậy, việc thay đổi sẽ đảm bảo không gây xáo trộn nhiều và không gây hoang mang cho học sinh”, ông Ga khẳng định.

Căn cứ kết quả thi, Bộ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Bùi Văn Ga cho biết với quy định có kết quả rồi mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nên chắc chắn mỗi thí sinh sẽ không có nhiều nguyện vọng vì phải căn cứ vào điểm thi của mình và điểm chuẩn của các trường để đăng ký xét tuyển.

Tăng số lượng cụm thi

Việc coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm. Ông Mai Văn Trinh cho hay Bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. Ông Trinh khẳng định việc tổ chức các cụm thi còn phải tính toán làm sao để không gây khó khăn, vất vả cho thí sinh, để thí sinh có thể di chuyển đến cụm thi trong một khoảng cách gần nhất có thể, căn cứ vào đó sẽ mở rộng số cụm thi phù hợp.

Tuệ Nguyễn

>> Một kỳ thi quốc gia: Chọn phương án thi theo môn
>> Thủ tướng đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia
>> Tuần tới sẽ công bố phương án một kỳ thi quốc gia
>> Một kỳ thi quốc gia: Sẽ chọn phương án không gây sốc
>> Một kỳ thi quốc gia: Các chuyên gia không chọn phương án nào
>> Một kỳ thi quốc gia: ĐH muốn tích hợp, THPT chọn theo môn
>> Một kỳ thi quốc gia: Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình đề án
>> Một kỳ thi quốc gia: Phải chuẩn bị kỹ lưỡng
>> Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi
>> Xem xét tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.