Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kỳ 3: Cái tình, cái nghĩa gia đình

10/09/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Khi những vụ trọng án do người tâm thần gây ra, cả xã hội mới giật mình. Bởi ít người biết, đâu có ai lại muốn người thân của mình phải đơn độc ở lại điều trị ở bệnh viện tâm thần. Chẳng còn lựa chọn nào khác họ mới làm như vậy.

Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kì 3: Cái tình, cái nghĩa gia đình 1
Bác Huỳnh Đức Hạnh chăm sóc đứa con trai Huỳnh Đức Hiền

>> Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kỳ 1: Vì sao tôi điên?
>> Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kỳ 2: Chăm sóc bệnh nhân 'kỹ hơn chăm con'

Thấy con giãy giụa trong biển lửa

Trong khu căn tin, tôi gặp vợ chồng cô Võ Thị Hà và bác Huỳnh Đức Hạnh. Hai vợ chồng cô Hà mặc dù đã già những hằng tuần vẫn đều đặn tới bệnh viện thăm đứa con trai út đang điều trị gần 6 năm nay.

Nhìn đứa con đã hơn 30 tuổi đang ăn, cô Hà cho biết, con trai út của cô tên là Huỳnh Đức Hiền. Khi học 12, do việc học quá căng thẳng nên anh Hiền hay bị kích động dẫn đến hoang tưởng. Kể từ khi đó, cô Hà quyết định cho Hiền nghỉ học ở nhà dưỡng bệnh.

Khoảng thời gian ở nhà được gần 4 năm, bệnh tình của anh Hiền không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Những lúc kích động, anh thường nói nhiều và không tự kiểm soát được bản thân. Thậm chí, có lần Hiền lên cơn đuổi đánh cả cha mẹ. Mỗi lần nhìn con như vậy, cô Hà lại thấy ruột gan mình như đang bị cắt thành từng khúc.

Đau lòng lắm nhưng vì thương con nên cô Hà vẫn để Hiền ở lại nhà chăm sóc. Tuy nhiên, trong một lần lên cơn, Hiền tự đổ xăng châm lửa đốt mình. Quá đau lòng khi nhìn đứa con ngây dại giãy giụa trong biển lửa, không còn cách nào khác, cô Hà đành phải chấp nhận cho anh Hiền vào bệnh viện điều trị cho dứt bệnh.

6 năm kể từ ngày đưa con nhập viện là 6 năm vợ chồng cô Hà đều đặn đón xe buýt từ Củ Chi lên thăm con mỗi tuần. “Thằng Hiền nó ngoan và hiếu thảo lắm nhưng vì bệnh tình của nó ngày càng nặng, không còn cách nào khác tôi mới phải đưa nó vào đây chứ người làm mẹ chẳng ai nỡ chứng kiến con mình như vậy”, đút cho đứa con trai từng miếng bánh mì, cô Hà nói trong nước mắt.

Cũng giống như cô Hà, tại phòng thu viện phí, tôi trò chuyện cùng bác Hồ Thị Trâm, một người mẹ cũng lặn lội đường xa lên thăm con. Đôi mắt buồn rũ rượi tại ghế chờ, bác Trâm kể cho tôi nghe về câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Anh (người con ruột của mình).

 

Bà Nguyễn Ánh Nguyệt (67 tuổi) đôi chân khập khiễng lặn lội từ Hóc Môn lên bệnh viện thăm người con trai Hà Văn Toàn (39 tuổi) bị tâm thần đã hơn 20 năm nay.

Trước kia, khi Toàn vừa thi xong kì thi tốt nghiệp THPT thì lên cơn co giật và trở nên ngây dại. Chồng mất sớm, một mình bà Nguyệt bươn chải nuôi con. Kể từ ngày anh Toàn mắc bệnh, bà Nguyệt đi làm thuê vất vả đủ thứ nghề cũng chẳng đủ tiền trang trải viện phí cho đứa con trai ngây dại. “Tội nghiệp nó lắm, người hiền khô lại hiếu thảo. Không biết oan nghiệp sao lại mắc cái bệnh này. Bây giờ sức khoẻ tôi yếu rồi, lại bị đủ thứ bệnh. Mỗi ngày đi làm cũng chỉ kiếm được mấy chục ngàn làm sao trang trải được tiền viện phí cho nó đây”, lau vội nước mắt, bà Nguyệt nghẹn ngào nói.

Chị Kim Anh trước đây là từng có một gia đình hạnh phúc, vợ làm kế toán, chồng làm thợ dệt. Trong lúc sinh đứa con gái thứ 3, do tai biến nên chị trở nên bị kích động và phát bệnh tâm thần.

Từ khi chị Kim Anh phát bệnh, vì không chịu đựng được bệnh tình của vợ nên chồng chị đã bỏ lại chị và 3 người con gái ra đi biệt tăm. Kể từ ngày đó, bác Trâm phải một mình thay chị Kim Anh chăm nuôi 3 người cháu đang tuổi ăn học.

Đôi mắt rớm lệ, bác Trâm cho biết, ban đầu chị Kim Anh chưa bị nặng nên gia đình cho chị ở nhà chăm sóc nhưng do bệnh tình của chị Kim Anh ngày một nặng nên bác phải cho chị vào bệnh viên điều trị. Mỗi tháng, bác Trâm đều đặn nhờ người thân chở vào thăm chị Kim Anh. Có những khi nhớ con quá, bác tự mình đón xe lên đây để thăm con.

“Những lúc nó bị kích động đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí đuổi đánh cả ba nó tôi lại thấy thương nó. Đâu có ai lại muốn con mình như vậy nhưng nó bị vậy rồi người làm mẹ sao có thể bỏ được con mình”, bác Trâm chia sẻ.

Anh em như chân với tay

Lang thang trong khuôn viên bệnh viện, chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Sang đang ngồi đút cho người em trai từng muỗng cháo. Anh Sang tâm sự, đứa em của anh Nguyễn Chánh Trọng điều trị ở đây gần 10 năm.

Trước đây, anh Trọng hoàn toàn bình thường nhưng kể từ ngày mẹ qua đời anh Trọng buồn bã không muốn nói chuyện với ai. Sau đó không lâu, anh Trọng trở nên trầm cảm suốt nhiều năm liền.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, anh Trọng thường xuyên bị kích động và hay bỏ nhà đi lang thang. Cứ mỗi lần như vậy, anh Sang và người anh của mình phải đi khắp nơi tìm kiếm. Có lần, Trọng bỏ nhà đi suốt hơn một tháng trời, anh Sang phải chạy đôn đáo khắp nơi để tìm em. Cũng may, nhờ có người quen biết nên dẫn anh Trọng về lại nhà. Sau lần đó, anh Sang phải đưa em mình vào bệnh viện để điều trị.

Gần 10 năm đưa em vào viện là chừng ấy năm anh Sang tranh thủ những lúc thời gian rảnh rỗi vào thăm em. Mỗi lần nhìn đứa em ngây ngô cười như một đứa trẻ, anh lại không cầm được nước mắt.

“Nó có bệnh gì đi nữa thì cũng là em mình. Anh em ruột rà máu mủ làm sao bỏ nhau được”, anh Sang nhìn đứa em tội nghiệp đang nuốt vội từng muỗng cháo ngậm ngùi chia sẻ.

Giống như anh Sang, chị Trần Thanh Thảo cũng thường xuyên ghé lại bệnh viện thăm người anh trai Trần Vũ của mình. Anh Vũ trước đây cũng rất hiền lành, tuy nhiên, trong một lần dẫn bạn gái về ra mắt cha mẹ, do cha mẹ anh không đồng ý nên anh Vũ bị sốc. Từ đó anh trở nên lầm lì, nóng tính, ít tiếp xúc và nói chuyện với ai kể cả cha mẹ mình. Gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả.

Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kì 3: Cái tình, cái nghĩa gia đình 2
Mỗi khi rảnh rỗi, anh Sang đều ghé vào bệnh viện thăm người em Nguyễn Chánh Trọng

Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kì 3: Cái tình, cái nghĩa gia đình 3
Bà Nguyệt đều đặn mỗi tuần 2 lần lên thăm con

Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kì 3: Cái tình, cái nghĩa gia đình 4
Niềm tin và ước mơ rất giản dị của những bệnh nhân cũng chính là giấc mơ của những người thân

Ảo ảnh trong thế giới người điên - Kì 3: Cái tình, cái nghĩa gia đình 5
Các bệnh nhân tham gia chơi trò chơi dân gian cùng những người bạn để thư giãn

Cách đây 9 năm, khi anh Vũ đang ở nhà với mẹ, bỗng dưng anh lên cơn, kích động nên đã đánh mẹ mình. Từ đó, gia đình phải đưa anh vào bệnh viện để điều trị.

Chị Thảo hiện đang làm giáo viên tại một trường tiểu học, mặc dù thời gian bận rộn nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian thường xuyên ra thăm người anh. “Thực ra, chẳng có ai tự nhiên lại bị như vậy cả. Chắc tại ngày trước do quá sốc chuyện tình cảm nên anh ấy mới trở nên như ít nói rồi thành ra trầm cảm”, nhìn người anh lầm lũi không nói một lời chị Thảo như nghẹn lại.

Nắng tắt dần trong khuôn viên bệnh viện, trên những băng ghế đá dọc những con đường nhỏ vẫn còn rất đông người ngồi nói chuyện với bệnh nhân.

Trong số họ, có những người cha, người mẹ, cũng có những người anh, người em. Nhưng dù là ai đi nữa thì ở họ vẫn có một điểm chung là không bỏ được người thân ruột rà máu mủ và đau đáu giấc mơ: người thân của mình trở về trong hiện tại.

Không nên cách ly

Ông Đặng Văn Bình, Trưởng cơ sở Lê Minh Xuân, cho biết năm 1985 bệnh viện tâm thần TP.HCM, cơ sở Lê Minh Xuân được thành lập. Do điều kiện về cơ sở vật chất, bệnh viện chỉ tiến hành thay cửa, cách li bệnh nhân ở 2 khoa, còn 1 khoa buộc phải để mở cửa như ở bệnh viên đa khoa.

Sau một thời gian theo dõi bệnh nhân, ông Bình nhận thấy, những bệnh nhân bị điều trị cách li thường hung hãn và khi thả ra hay tìm mọi cách để trốn khỏi bệnh viện, trong khi những bệnh được nuôi mở tự do lại rất điềm tính và rất ít bỏ trại. Từ đó, ông Bình tiến hành xây dựng bệnh viện theo mô hình mở. “Mỗi ngày, chúng tôi sẽ mở cửa từng khoa cho bệnh nhân ra ngoài 2 lần: buổi sáng (8-11 giờ); chiều (14-17 giờ): ra ngoài, tập thể dục và thoải mái đi dạo trong khuôn viên bệnh viện sau đó bệnh nhân về khoa uống thuốc và ngủ nghỉ”, ông Bình cho biết.

Đình Tuyên

>> Đi ‘nhặt’ người điên và trẻ dị tật về nuôi
>> Một người tỉnh nuôi ba người điên
>> Nuôi người điên không công
>> Nhạc sĩ của... người điên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.