Bí ẩn tháp tín hiệu 'ma' rải khắp nước Mỹ

06/09/2014 06:25 GMT+7

Ít nhất 19 tháp viễn thông không rõ nguồn gốc đã bị phát hiện trên toàn nước Mỹ, với một số nằm sát các căn cứ quân sự .

Ít nhất 19 tháp viễn thông không rõ nguồn gốc đã bị phát hiện trên toàn nước Mỹ, với một số nằm sát các căn cứ quân sự.

Bản đồ chỉ vị trí của các trạm viễn thông “ma” trên lãnh thổ Mỹ - Ảnh: ESD America 
Bản đồ chỉ vị trí của các trạm viễn thông “ma” trên lãnh thổ Mỹ - Ảnh: ESD America

Dư luận Mỹ đang xôn xao trước thông tin các chuyên gia đã tìm ra ít nhất 19 tháp thu phát tín hiệu điện thoại di động không thuộc bất cứ cơ quan hoặc tổ chức hợp pháp nào. Chuyên san Popular Science dẫn lời ông Les Goldsmith, Giám đốc hãng thiết bị công nghệ ESD America, gọi đây là những tháp bắt sóng giả mạo, hoặc tháp “ma”. Theo Goldsmith, thay vì cung cấp dịch vụ cho điện thoại di động, tháp “ma” lại tìm cách chiếm sóng để kết nối vào các thiết bị trong phạm vi hoạt động rồi vượt qua hàng rào mã hóa bảo mật để ghi âm cuộc gọi, đọc lén tin nhắn, thư điện tử hoặc thậm chí là gài mã độc.

Chuyên gia này cho biết thêm các kỹ thuật viên của ESD America đã sử dụng một thiết bị công nghệ di động mang tên CryptoPhone 500 để lần ra 19 tháp tín hiệu giả nói trên, vốn trải rộng từ bờ tây sang bờ đông nước Mỹ. ESD America là công ty cung cấp công nghệ quốc phòng và hành pháp hàng đầu của Mỹ, có trụ sở tại Las Vegas trong khi CryptoPhone 500 được cho là điện thoại “siêu an toàn” nhất hiện nay nhưng có giá lên đến 3.500 USD/chiếc.

Tấn công liên tục

Theo trang tin Business Insider, các tháp viễn thông “ma” có thể tấn công các dòng điện thoại thông minh phổ biến hiện nay với tần suất từ 80 đến 90 lần/giờ nhờ lợi dụng “lỗ hổng trên dải tần cơ sở của phần mềm cài đặt cho thiết bị và các thuật toán mã hóa yếu ớt”. Ngoài nguy cơ bị xâm nhập trong phạm vi hoạt động của tháp “ma”, nếu dính thêm mã độc thì các thiết bị di động hoàn toàn có thể tiếp tục bị theo dõi dù đã ra khỏi khu vực khống chế hoặc thậm chí trở thành một “cánh tay nối dài” của thủ phạm, ngay cả sau khi tắt máy.  

“Hành động chặn sóng ở Mỹ vượt xa khả năng tưởng tượng của mọi người. Một kỹ thuật viên của chúng tôi đã chạy xe từ Florida lên tận Bắc Carolina và phát hiện điện thoại của mình bị xâm nhập đến 8 lần”, ông Goldsmith nói với Popular Science. Báo cáo do ESD America công bố cho thấy 19 trạm tháp “ma” nằm rải rác ở nhiều tiểu bang của Mỹ, nhưng tập trung chủ yếu ở miền tây. Chúng xuất hiện trên đường cao tốc, trong những thành phố lớn như Los Angeles, New York hay Chicago, gần các sòng bạc tại Las Vegas và một số tháp nằm không xa các cơ sở quân sự trong sa mạc Nevada. Goldsmith khẳng định con số 19 tháp chỉ mới là phần nổi của tảng băng và giới bảo mật công nghệ cho rằng sẽ có thêm nhiều trạm mới bị phát hiện trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, hầu hết các điện thoại thời nay đều khó có thể phát hiện được những tháp cung cấp tín hiệu viễn thông giả mạo này. Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu nhận biết là điện thoại hoặc máy tính bảng bỗng hoạt động chậm hơn hẳn so với bình thường. Lý do là để có thể chiếm sóng, các tháp “ma” cần phải ép các thiết bị chuyển sang sử dụng các giao thức mạng cũ hơn (chẳng hạn từ 4G xuống 3G hoặc 3G xuống 2G).

Tin tặc hay gián điệp ?

Một trong những bí ẩn lớn nhất hiện nay liên quan đến tháp “ma” là nguồn gốc của chúng. Chi phí trang bị thiết bị và dựng trạm phục vụ cho hoạt động chặn sóng chứng tỏ nhiều khả năng những kẻ đứng sau không chỉ thuần túy là tin tặc muốn phá phách mà phải có thực lực về tài chính. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng chính Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã cài cắm các tháp tín hiệu giả để phục vụ chương trình nghe lén quy mô khổng lồ bị cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khó có thể là NSA vì cơ quan này có thể lấy được mọi thứ họ muốn mà không cần phải mất công dựng tháp giả. Fox News dẫn lời chuyên gia Andrew Jaquith của Công ty an ninh mạng SilverSky nhận định: “NSA không cần dựng tháp làm gì. Họ có thể liên lạc trực tiếp với nhà mạng để lấy thông tin”. 

Một số cư dân mạng thì dựa vào dữ kiện nhiều tháp “ma” nằm gần cơ sở quân sự để suy đoán có thể Lầu Năm Góc đang triển khai dự án theo dõi hoạt động vô tuyến di động bên trong và bên ngoài các căn cứ. Nhiều người khác thì đặt câu hỏi liệu đây có phải là hành động của một thế lực nước ngoài nào đó muốn triển khai chiến dịch nội gián trên diện rộng ngay trong lòng nước Mỹ hay không. “Những trạm chặn sóng này là của ai? Chính phủ Mỹ? Gián điệp Trung Quốc hay một quốc gia nào khác? Điều đáng sợ là chúng ta không biết được thế lực nào đứng sau”, Popular Science dẫn lời ông Goldsmith nói.

Trước những thông tin dồn dập về các trạm chặn sóng bí ẩn, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ đã quyết định triển khai cuộc điều tra về “hoạt động thao túng sóng di động” với mũi nhọn tập trung vào các tổ chức tội phạm lẫn tình báo nước ngoài. 

Nghi vấn về bàn tay của FBI

Theo tờ Daily Mail, lực lượng cảnh sát tại nhiều thành phố lớn của Mỹ đang sử dụng một hệ thống do thám thiết bị di động quy mô lớn mang tên Stingray hoặc phiên bản nâng cấp được gọi là Hailstorm.

Công nghệ này được Cục Điều tra liên bang sử dụng đầu tiên vào khoảng năm 2010 để phục vụ những chiến dịch theo dõi tội phạm nguy hiểm hoặc nghi can khủng bố. Điều đáng nói là Stingray hoặc Hailstorm có cách thức hoạt động tương tự tháp “ma” khi ép điện thoại xuống các giao thức mạng đời cũ.

Thụy Miên

>> Đức điều tra vụ NSA nghe lén bà Merkel
>> Huawei không ngạc nhiên khi bị NSA theo dõi
>> FBI gây tranh cãi với hệ thống nhận dạng khuôn mặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.