Giết thịt trâu chọi Đồ Sơn: Tín ngưỡng hay câu chuyện vô minh?

05/09/2014 11:34 GMT+7

Năm nay, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, TP.Hải Phòng diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 2.9 nên đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách từ các nơi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tới xem lễ hội này. Tuy nhiên, khi ra về, tôi tự nhủ rằng sẽ không bao giờ quay trở lại.


'Ông trâu' thắng cuộc bị giết, xẻ thịt ngay sau trận đấu và bán cho người đi xem hội - Ảnh: Ngọc Khánh

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của người dân quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng), được tổ chức vào ngày 9.8 âm lịch hằng năm. Theo dân gian, đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng.

Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo nhận xét của nhiều người, phần lễ đã nhạt hơn xưa, người ta chủ yếu tập trung cho phần hội là chính.

Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Đặc biệt, cho dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hòa. Người ta cũng tin rằng nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Phong tục là thế, nhưng với tôi, một người được sinh ra và lớn lên trong một xã hội văn minh, hiện đại thì lễ hội chọi trâu truyền thống này có nhiều điều đáng xem lại.

Trong cái không khí cuồng nhiệt của người xem trên sân vận động Đồ Sơn, tôi đã thấy những “ông trâu” hung hãn với miếng đòn hiểm độc khiến đối thủ gãy sừng, gục tại trận.

Sau trận đấu máu lửa, những “chiến binh” oai hùng ấy lại hiền lành gặm cỏ ngoài sới chọi, rồi lặng lẽ theo chân chủ nhân vào lò mổ.

Và tôi đã thấy những chiếc đầu của các “ông trâu” lăn lóc dưới nền đất bê bết máu, nhe răng, mắt nhìn trân trân. Ở ngoài đường cũng vậy, một vài người cũng bán thịt trâu “ăn theo” lễ hội với giá từ 400.000 - 700.000 đồng/kg.

Tôi không tán thành chuyện giết trâu ngay tại lễ hội. Phải chăng, đó là một biểu hiện rõ nét nhất của sự tàn ác, tráo trở và vô minh của con người?

Vì sao tàn ác, tráo trở? Vì chăm trâu chu đáo, cưng nựng rồi đem ra chọi để con người mua vui, giải trí, nói cười hỉ hả. Luôn nói rằng yêu "ông trâu" này, cưng "ông trâu" kia lắm, nhưng cuối cùng đều đem những thứ mình yêu, mình cưng ra giết thịt và bán lấy tiền.

Vì sao vô minh? Vì nó quá man rợ, nó phản ảnh sự u mê, sự hiểu biết sai lạc của con người về thế giới quanh mình. Loài người văn minh không ứng xử như thế trong một sự kiện được gọi là "lễ hội".

“Hậu trường” lễ hội là lò mổ, nhơ nhớp máu tanh và những cuộc mặc cả tầm thường.

Ai cũng biết di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nó gắn với tục thờ thủy thần, tục hiến sinh và mang tinh thần thượng võ của người dân miền biển Đồ Sơn. Nhưng phải đầu rơi máu chảy, xác băm thành trăm mảnh thì thần mới "linh ứng" ư?

Có ý kiến rằng chủ trâu đã phải bỏ cả trăm triệu để chăm trâu chọi nên việc bán thịt tại lễ hội là cách thu lại số tiền đã đầu tư. Tôi lại nhìn ở góc độ khác.

Tôi đã gặp ông Hoàng Đình Sơn, phường Bàng La, chủ trâu số 9 tham dự vòng chung kết năm nay. Ông Sơn cho biết mua “ông trâu” này từ đầu năm 2013, phải thuê người chăm sóc kỹ lưỡng và tiền đầu tư đến nay hết hơn 200 triệu đồng. Ông nói: “Sở dĩ mạnh tay đầu tư vì niềm đam mê, truyền thống gia đình chứ những phần thưởng khi có giải, lời lãi từ bán thịt trâu chọi chẳng thấm tháp gì với công sức, tâm huyết bỏ ra cả năm trời”.

Chỉ có một số ít người nhiều tiền mới có thể mua được thịt trâu chọi ở lễ hội này về ăn. Nhưng thật khó để chứng minh nó sẽ mang lại sự may mắn, khỏe mạnh, vì ai cũng biết đó chỉ là tương truyền (tôi không muốn gọi là đức tin).

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu chuyện về chế độ diệt chủng ở Campuchia. Những đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên được huấn luyện bài tập giết chó, mèo, khỉ trước khi giết người. Và đất nước biển Hồ này đã từng rơi vào thời kỳ diệt chủng đen tối nhất trong lịch sử.

Tôi thấy lo cho những đứa trẻ theo bố mẹ đến đây, máu đỏ vấy bẩn mắt đen hạt huyền.

Tôi nhớ tới lời khuyên của anh tôi: "Nên hạn chế đến những lễ hội, hãy về gần với thiên nhiên".

Còn bạn! Hoài nghi về những điều tôi nói? Hãy đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn một lần và đứng ở khu bán thịt trâu chọi 10 phút. Tôi tin bạn sẽ có những suy nghĩ của riêng mình về tín ngưỡng hay câu chuyện vô minh.

Lễ hội nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực, nhiệm vụ của mỗi người là thải loại những cái xấu, cái biến tướng. Dù thế nào thì lễ hội cũng phải dựa trên nền tảng nhân văn, trí tuệ và hướng thiện. Lấy những giá trị cốt lõi ấy làm thước đo thì mới được bảo tồn và phát huy được qua các thế hệ. Đốt pháo ngày tết là tập tục xa xưa còn bỏ được, huống chi hành động man rợ như giết trâu, chém lợn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chỉ nên dừng lại ở những màn chọi là phù hợp.

Trâu chọi Đồ Sơn có chất lượng giống tốt, chúng ta có thể tạo ngân hàng tinh trùng để nhân giống cho người dân nhiều địa phương, phục vụ vào sản xuất, kinh doanh.

 

Vũ Ngọc (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sinh sống và làm việc tại Hải Phòng

>> Hơn 2 vạn người đến Hội chọi trâu Đồ Sơn
>> Xem chọi trâu cũng bị "chặt chém
>> Thót tim xem Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
>> Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Vì sao chưa an toàn?
>> Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng: Rằng hay thì thật là hay...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.