Vì sao chỉ tăng 2 bậc ?

04/09/2014 03:00 GMT+7

Hôm qua 3.9, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competttiveness Report) năm 2014. Theo đó, VN tăng 2 bậc, lên hạng thứ 68/144 nước. Trong khu vực ASEAN, VN có thứ hạng về cạnh tranh thứ 6, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Hôm qua 3.9, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competttiveness Report) năm 2014. Theo đó, VN tăng 2 bậc, lên hạng thứ 68/144 nước. Trong khu vực ASEAN, VN có thứ hạng về cạnh tranh thứ 6, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Như vậy, cho dù có một số tiến bộ về cải cách  thủ tục thuế, hải quan gần đây, năng lực cạnh tranh của VN hầu như không thay đổi nhiều trong cách đánh giá của WEF. Theo tổ chức này, các tiêu chí để đánh giá thứ hạng năng lực cạnh tranh của VN có cải thiện như: kinh tế vĩ mô (hạng 75), các tổ chức công (85), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (104), độ hiệu quả của thị trường (91), chống tham nhũng (109), cơ sở hạ tầng - năng lượng (81), quy mô thị trường (34), thị trường lao động (49) và trình độ công nghệ (99). Tuy nhiên, các tiêu chí khá cơ bản này so với các nước vẫn còn ở mức thấp, nhất là các yếu tố về độ minh bạch, an toàn của hệ  thống tài chính, ngân hàng; mức độ phát triển trong hoạt động của doanh nghiệp cũng còn kém (106)… nên vẫn giữ thứ hạng cạnh tranh của VN ở mức thấp.

Sự cải thiện chậm chạp về thứ hạng cạnh tranh của VN cũng đã được các chuyên gia của Tổ chức USAID cảnh báo khoảng 1 tháng trước đây: những cải thiện khá tốt về thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… gần đây của VN, giúp giảm hơn 200 giờ thời gian nộp thuế của doanh nghiệp sẽ chưa được tính vào xếp hạng năng lực cạnh tranh trong năm nay do việc đánh giá của WEF cơ bản dừng lại vào tháng 5.2014. Những cải cách của VN sau thời gian này sẽ được đánh giá vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh trong năm sau (2015).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, thứ hạng của VN trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của WEF cũng phản ánh thực tế, tuy VN có những cải cách nhưng chậm, trong khi các nước khác cũng đang có nhiều cải cách mạnh mẽ. Cho nên, VN không nên bằng lòng với những cải thiện vừa qua mà phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách, nhất là thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực liên quan đến môi trường kinh doanh.

Những hoạt động cải cách gần đây về thuế, hải quan vẫn chưa đủ vì nó vẫn chưa làm giảm số thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp bằng mức trung bình (170 giờ) của các nước ASEAN, chứ chưa nói đến các nước phát triển. Hơn nữa, còn rất nhiều lĩnh vực khác chưa thấy các hoạt động cải cách tương tự như cung cấp điện, xây dựng, thành lập doanh nghiệp… Trong khi, theo tính toán của các chuyên gia  USAID, nếu VN đẩy mạnh cải cách được dù một phần thôi, cũng làm thay đổi rất nhiều vị trí trên bảng xếp hạng, giảm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Và chỉ có quyết tâm liên tục đẩy mạnh cải cách trên hầu hết các lĩnh vực mới giúp VN thay đổi đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh hiện nay.

Mạnh Quân

>> Năng lực cạnh tranh nhân sự VN xếp thứ 83/103
>> Năng lực cạnh tranh tăng không phải do tự thân tiến bộ
>> VN giữ nguyên thứ hạng về năng lực cạnh tranh du lịch
>> Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.