Bảo tàng Việt đứng ngoài cuộc chơi

05/09/2014 09:00 GMT+7

Đã có 151 bảo tàng của 40 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tham gia vào dự án nghệ thuật của Google. Nhưng, đến giờ VN vẫn đứng ngoài cuộc.

Đã có 151 bảo tàng của 40 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tham gia vào dự án nghệ thuật của Google. Nhưng, đến giờ VN vẫn đứng ngoài cuộc.

Bảo tàng Việt đứng ngoài cuộc chơi 1
Hội họa VN được giới thiệu trong siêu bảo tàng ảo của Google qua tấm “hộ chiếu” của bảo tàng Singapore - Ảnh: M.N

Khởi động từ năm 2011, dự án nghệ thuật của Google (Google Art Project) mang tham vọng xây dựng một siêu bảo tàng ảo về mỹ thuật. Tức là chỉ cần một cú click chuột vào trang web của Google Art Project, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, người ta đều có thể chiêm ngưỡng hơn 45.000 tác phẩm hội họa, điêu khắc, ảnh, cổ vật... nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng, thông qua những bức ảnh có độ phân giải cực lớn. Cũng ở siêu bảo tàng ảo, nếu muốn tìm những kiệt tác của các nghệ sĩ bậc thầy ở trường phái khác nhau, những tác phẩm xuất sắc của các nghệ sĩ đương đại, thậm chí những trường phái mỹ thuật còn mang tính thể nghiệm, người ta đều nhanh chóng tiếp cận được. “Với một bảo tàng trực tuyến, cự ly người tham quan không bị hạn chế, các tác phẩm được phổ biến rộng khắp, vì thế mức độ quảng bá là rất lớn” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn nói. Cũng bởi vậy, một trong những mục đích mà Google khi thực hiện dự án chính là đưa các tác phẩm mỹ thuật đến gần hơn với công chúng. Và nhiều bảo tàng đã tranh thủ kênh quảng bá này để kích thích công chúng đến với bảo tàng thật.

Hiện tại, Google vẫn tiếp tục khuyến khích các bảo tàng lớn nhỏ khắp nơi trên thế giới tham gia dự án với điều kiện tiên quyết là phải số hóa dữ liệu (tác giả, tác phẩm). Như vậy, trong tương lai gần, VN dù có muốn tham gia đến mấy cũng buộc phải đứng ngoài, bởi ngay như bảo tàng mỹ thuật lớn nhất nước là Bảo tàng Mỹ thuật VN công việc số hóa vẫn... chưa đâu vào đâu.

 Bảo tàng Việt đứng ngoài cuộc chơi 2
Bức tranh Người bán gạo của danh họa Nguyễn Phan Chánh - Ảnh: Tư liệu

 

Với một bảo tàng trực tuyến, cự ly người tham quan không bị hạn chế, các tác phẩm được phổ biến rộng khắp, vì thế mức độ quảng bá là rất lớn

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn

Bao giờ cho đến... bảo tàng số ?

Ai cũng hiểu số hóa dữ liệu trong mỹ thuật đang rất cần kíp, không phải chỉ để tham gia cuộc chơi nghệ thuật quốc tế như Google Art Project cho “bằng chị bằng em” mà quan trọng hơn là từ đó xây dựng bảo tàng số - một kênh quảng bá hữu hiệu. Có một thực tế là không chỉ thế giới mà ngay cả công chúng trong nước khi muốn tìm hiểu mỹ thuật VN qua các thời kỳ khác nhau đều rất khó khăn trong việc tiếp cận, dẫn tới một trong những hậu quả lớn là thiếu thông tin quy chuẩn nhận diện phong cách, trường phái của các họa sĩ. Bởi thế, mới có chuyện tranh của họa sĩ VN dễ bị nhầm lẫn giữa thật và giả, đó là chưa kể khó xác định đúng giá trị. “Đã từng có chuyện con trai một họa sĩ lớn bán nhầm tranh giả của cha mình cho nhà sưu tập nước ngoài”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (nguyên chuyên viên nghiên cứu của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật) nhớ lại. Như vậy, cùng với việc số hóa, điều cần thiết là phải xây dựng được kho dữ liệu mỹ thuật VN.

 

Tranh cao giá nếu có xuất xứ

Bức Người bán gạo của Nguyễn Phan Chánh từng bị nhầm là tranh do một họa sĩ tập sự người Trung Quốc vẽ nên ban đầu chỉ được định giá vỏn vẹn 75 USD. Sau đó, khi xác định đúng tác giả là Nguyễn Phan Chánh, trong phiên đấu giá của Christie’s vào năm ngoái, tác phẩm này được mua với mức giá kỷ lục lên tới hơn 8 tỉ đồng.

Cách đây 3 năm, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến hoàn thành cuốn sách Hội họa Hà Nội - Những ký ức còn lại, nguồn tư liệu hiếm hoi về lịch sử mỹ thuật từ thời kỳ Đông Dương đến hiện đại, đã nhanh chóng trở thành kim chỉ nam vàng cho hai nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s căn cứ để nhận diện và đánh giá giá trị các tác phẩm hội họa VN. Tiếc là cuốn sách chỉ nhận được tài trợ phát hành tại Mỹ. Hai năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật VN mời bà Yến cộng tác hoàn thiện dữ liệu 200 tác phẩm trưng bày, nhưng đó mới chỉ là con số khiêm tốn trong khối di sản mỹ thuật. “Ý thức lưu trữ tư liệu mỹ thuật tại VN rất kém”, họa sĩ Lê Huy Tiếp nhìn nhận. Bởi vậy muốn xây dựng kho dữ liệu cần dựa cả vào nguồn tư liệu sống là các nhà nghiên cứu, nhà phê bình mỹ thuật thuộc thế hệ đầu như bà Yến, nhưng đến nay chẳng còn mấy ai. Nếu chần chừ thì đến khi làm được bảo tàng số, kho dữ liệu chắc chắn sẽ có nhiều khoảng trống.

“Tôi tới thăm bảo tàng ở nhiều nước, trong đó có cả những nước gần chúng ta, đều thấy họ đã làm bảo tàng số. Chúng ta đã rất lạc hậu trong công tác bảo tàng”, họa sĩ Lê Huy Tiếp ngậm ngùi. Ngay như đại diện của Bảo tàng Mỹ thuật VN cũng thừa nhận: “Công tác bảo tàng có hơi bị chậm. Chúng tôi chưa nghĩ đến việc làm bảo tàng số”. Nguyên nhân là công việc số hóa vẫn chưa xong, hơn nữa bảo tàng cũng không có kinh phí. Trong khi đó, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận: “Có bảo tàng số hay không phụ thuộc vào nhận thức của người quản lý. Bởi kinh phí hay công nghệ hoàn toàn nằm trong tầm tay. Ví dụ, mới đây Bảo tàng Lịch sử VN đã tiên phong thử nghiệm bảo tàng số, tiến hành số hóa hình ảnh hai cuộc triển lãm với kinh phí không quá lớn. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi”.

Trong tương lai, bảo tàng số là bước đệm cho bước đi lớn hơn: Quảng bá mỹ thuật VN. Không ai không chạnh lòng khi thấy trong siêu bảo tàng ảo của Google, nền mỹ thuật VN chỉ được biết đến với số ít tác phẩm của hai họa sĩ đương đại Trần Lương và Nguyễn Quân. Và thật buồn, những bức tranh của họa sĩ người Việt nhưng lại được giới thiệu với thế giới thông qua tấm “hộ chiếu” của bảo tàng Singapore.

Minh Ngọc 

>> Bảo tàng Việt Nam nhận giải thưởng thế giới
>> Một Việt kiều tặng nhiều cổ vật quý cho bảo tàng Việt Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.