Thiếu kết nối chương trình tiếng Anh: Không để học sinh học đứt đoạn

04/09/2014 03:00 GMT+7

Bộ GD-ĐT yêu cầu huy động các điều kiện để có thể thu nhận hết số học sinh đã hoàn thành chương trình tiếng Anh thí điểm lớp 5 vào học tiếp chương trình này ở lớp 6 khi thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo chương trình - sách giáo khoa mới.

Bộ GD-ĐT yêu cầu huy động các điều kiện để có thể thu nhận hết số học sinh đã hoàn thành chương trình tiếng Anh thí điểm lớp 5 vào học tiếp chương trình này ở lớp 6 khi thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo chương trình - sách giáo khoa mới.

Một giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 6 Trường trung học thực hành Sài Gòn (Q.5, TP.HCM) chiều 3.9. Đây là trường thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ 2020 ở bậc THCS - Ảnh: Minh Luân 

Bắt đầu thí điểm lớp 8 và lớp 11

 

Địa phương nào để HS hoàn thành chương trình tiếng Anh mới ở tiểu học lên lớp 6 lại phải học chương trình hiện hành là trái với chỉ đạo của Bộ

VŨ THỊ TÚ ANH Phó trưởng ban thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020

Theo đại diện của Bộ, năm học 2014 - 2015 sẽ thực hiện chương trình - sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 ở lớp 6, 7 và 8 (với những lớp đã hoàn thành chương trình thí điểm lớp 7), lớp 11 (với những lớp đã hoàn thành chương trình thí điểm lớp 10) các trường THCS và THPT tham gia dạy - học theo chương trình thí điểm của đề án từ những năm học trước.

Năm học vừa qua đã có 30 tỉnh thành thực hiện dạy tiếng Anh lớp 6 theo đề án cho 72.216 học sinh (HS); lớp 7 khoảng 28.000 HS. Ở lớp 10 đã thí điểm tại 36 tỉnh thành với 5.280 HS.

Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với cấp giáo dục trung học do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký có nhấn mạnh: Đối với những địa phương đã dạy - học theo chương trình thí điểm ở cấp tiểu học phải huy động các điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất để có thể thu nhận hết số HS đã hoàn thành chương trình thí điểm lớp 5 vào học tiếp chương trình này ở lớp 6.

Theo thống kê của Bộ, năm học vừa qua có 92.147 HS lớp 5 trên cả nước đã được học chương trình tiếng Anh của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Như vậy, nếu theo đúng chỉ đạo của Bộ thì sẽ có ít nhất bằng đó số HS lên lớp 6 được tiếp tục học chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh mới.

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó trưởng ban thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) cho rằng số HS trên nếu đạt yêu cầu và có nguyện vọng sẽ được tiếp tục học chương trình, sách giáo khoa thí điểm của đề án trong năm học tới. Địa phương nào để HS hoàn thành chương trình tiếng Anh mới ở tiểu học lên lớp 6 lại phải học chương trình hiện hành là trái với chỉ đạo của Bộ. Điều này cũng được áp dụng tương tự với các lớp 7, 8 và 11. Bộ sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc dạy liên thông chương trình ngoại ngữ mới giữa cấp tiểu học và THCS để xem xét thực tế triển khai tại các địa phương.

Sẽ khảo sát năng lực tiếng Anh của HS

 

22,09% số bài thi tiếng Anh ở mức yếu

Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT với 1.643 bài thi ngoại ngữ của HS tiểu học năm học 2013 - 2014, số bài thi đạt loại khá và trung bình chiếm ưu thế. Cụ thể có 38,83% bài đạt loại khá; 32,21% loại trung bình; loại giỏi chỉ có 47 bài, chiếm tỷ lệ 2,86%; trong khi bài thi ở mức yếu vẫn khá nhiều, tới 22,09% tổng số bài thi. Theo thống kê của Vụ Giáo dục tiểu học, cả nước có 3.912.433/7.192.845 HS tiểu học được học ngoại ngữ (chiếm tỷ lệ 54,39%).

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ở một số địa phương, các trường được lựa chọn để thực hiện đề án phải có cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định; có giáo viên được bồi dưỡng và đạt yêu cầu về năng lực tiếng Anh và phương pháp dạy học tiếng Anh; HS phải có đủ năng lực để học chương trình mới. Cụ thể, HS tham gia thí điểm phải đạt bậc 2 (A2) đối với lớp 10 và A1 đối với lớp 6 theo khung năng lực ngoại ngữ.

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm vừa qua Sở đã kết hợp Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội rà soát hơn 5.000 giáo viên các cấp, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Hà Nội đề ra kế hoạch đến năm 2015 sẽ chuẩn hóa được 50% giáo viên dạy tiếng Anh theo khung chuẩn năng lực chung châu u và có 50% HS theo học chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh mới.

Năm học này Sở GD-ĐT Hải Dương sẽ chọn thêm 52 trường THCS và 13 trường THPT tham gia dạy học chương trình tiếng Anh lớp 6 và lớp 10 theo Đề án ngoại ngữ 2020.

Một số sở GD-ĐT cũng sẽ thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh đối với HS lớp 6 của các trường THCS tham gia thí điểm chưa học chương trình tiếng Anh tiểu học theo đề án và HS lớp 10 của các trường THPT tham gia dạy thí điểm. Sau khảo sát, các HS đạt từ 5 điểm trở lên sẽ học chương trình tiếng Anh mới. Những HS không đạt yêu cầu sẽ học theo chương trình hiện hành.

Thách thức cho các địa phương

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết việc dạy và học ngoại ngữ tùy theo điều kiện từng địa phương. Có địa phương tổ chức dạy học tại 100% các trường tiểu học với thời lượng khác nhau từ 2 tiết/tuần, 4 tiết/tuần hoặc hơn 4 tiết/tuần theo chương trình thí điểm hoặc chương trình tự chọn. Theo ông Định, việc triển khai dạy - học tiếng Anh còn phụ thuộc vào điều kiện ở mỗi địa phương, bởi giáo viên vẫn có những hạn chế về năng lực và phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở tiểu học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Đây cũng là mối lo lớn nhất của các sở GD-ĐT. Khi đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hiện rất ít trong khi số HS được học chương trình tiếng Anh mới ở các cấp học thấp ngày càng tăng thì việc làm thế nào để đảm bảo tính liên tục ở các cấp học cao hơn là một thách thức không nhỏ.

Tuệ Nguyễn

>> Thiếu kết nối chương trình tiếng Anh - Kỳ 1: Cứ 'How are you?' từ lớp 1 đến lớp 10 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.