Nhật Bản với xe kéo và phố Gion

03/09/2014 03:00 GMT+7

Chen giữa những tòa nhà chọc trời hiện đại là một Nhật Bản truyền thống của đền chùa cổ kính, của các cô gái trong bộ kimono kín đáo hay những chàng trai cần mẫn kéo xe chở du khách…

Nhật Bản với xe kéo và phố Gion
Xe kéo tay phục vụ du khách - Ảnh: Nguyễn Trần Tâm

Gặp Geisha ở phố Gion

Điểm đến đầu tiên của tôi ở cố đô Kyoto không phải là chùa Thanh Thủy (Kiyomizu), cũng không phải chùa Vàng (Kinkakuji) hay chùa Bạc (Ginkakuji), rừng trúc Kitasaga - Arashiyama... Tôi quyết định tới phố cổ Gion trước. Bởi đơn giản, tôi mê chuyện tình trắc trở trong tiểu thuyết Memoirs of a Geisha (Hồi ức của một Geisha) của nhà văn Arthur Goden xuất bản năm 1997. Năm 2005, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim cùng tên với Chương Tử Di, Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh và Ken Watanabe tham gia diễn xuất. Phim dù không đem lại thành công về mặt doanh thu, nhưng cũng khiến cho Gion đã nổi tiếng càng thêm nổi tiếng.

Gion chính là phim trường của Memoirs of a Geisha, khi cả khu vực phố cổ này được thuê để đóng phim trong suốt hai tuần, và không đón tiếp du khách. Ngày nay, khách đến đây một phần để được dạo bước trong không gian của quá khứ, của hoài niệm và của giấc mơ tình yêu đẹp chưa trọn vẹn. Những nàng Geisha trong bộ kimono vẫn còn ngang qua trên các con hẻm nhỏ trong khu phố, e thẹn dưới bóng dù truyền thống của người Nhật và thường rất nhanh chân để không ai có thể kịp chụp một bức hình. Các Geisha chỉ tiếp khách Nhật, đa phần là thương gia giàu có, và hạn chế tiếp khách nước ngoài.

Gion là khu phố Geisha duy nhất còn lại ở Nhật. Những ngôi nhà gỗ, thường là hai tầng, được khai thác làm nhà hàng. Phía trước cửa, như truyền thống, được che bằng một tấm vải xẻ hai rất kỳ bí. Vào ban đêm, Gion rực rỡ giữa muôn vàn đèn lồng sáng lấp lánh trong một không gian trầm lắng của những hồi ức một thời giữa Samurai và Geisha. Du khách đến Kyoto, cả trong và ngoài nước Nhật, đều muốn một lần khoác lên mình bộ kimono, dạo bước trên con dốc lên chùa Thanh Thủy hay che dù đi giữa Gion cổ kính. Vì thế, những cửa hiệu cho thuê kimono ở khu vực gần chùa Thanh Thủy làm ăn rất phát đạt. Nhân viên của các cửa hiệu sẽ giúp khách trang điểm, mặc đồ như thế nào cho đúng nhất. Nếu khách không muốn thuê, có thể mua một bộ để kỷ niệm một lần đến Nhật. 

Nhật Bản với xe kéo và phố Gion 2
Các cô gái trong bộ kimono truyền thống ở phố Gion

Độc đáo xe kéo tay

Chẳng nơi nào trên thế giới mà có sự hòa quyện hài hòa giữa truyền thống và hiện đại như ở Nhật Bản. Những khách sạn 5 sao ở trung tâm Tokyo luôn có không gian xây dựng một khu vườn kiểu Nhật với ao cá chép, vườn bonsai, thác nước nhân tạo… Giữa những tòa nhà cao tầng ken dày là ngôi đền cổ và sân khấu biểu diễn âm nhạc truyền thống. Nhưng có một điều khiến tôi cảm thấy bất ngờ nhất là ở cả Tokyo lẫn Kyoto vẫn có những người làm nghề kéo xe. Ở VN, kể từ năm 1945 đã không còn xe kéo tay và nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ loại xe này vì là hình ảnh của phân chia giai cấp. Tuy nhiên, người Nhật nghĩ khác, nên tới Kyoto hoặc Tokyo, du khách vẫn có thể chọn cho mình một chiếc xe và một thanh niên khỏe mạnh để được kéo đi dạo.

Nhiều tài liệu cho rằng, xe kéo tay (tiếng Nhật là jinrikisha) xuất phát đầu tiên ở đất nước mặt trời mọc vào năm 1869. Thiết kế ghế ngồi cho tối đa 2 người và có hai càng để người kéo chạy bộ ở phía trước. Ở khu vực phố cổ Kyoto có rất nhiều xe kéo hoạt động, nhất là đoạn đường lên chùa Thanh Thủy. Những thanh niên khỏe mạnh, mặc quần ngắn và áo bó sát chào mời du khách đi xe kéo tay. Những chiếc xe kéo để ngay ngắn trên lề đường và cách thức mà họ mời khách đi xe rất lịch sự. Dù khách có từ chối hay nhận lời, họ đều cúi gập đầu cảm ơn. Không chỉ du khách nước ngoài muốn thử một lần ngồi xe kéo mà cả khách Nhật cũng thích thú với phương tiện thô sơ này. Nhiều khách ngồi xe kéo tay chỉ với mục đích để chụp hình lưu niệm.

Asakusa là quận ở khu vực Taito thuộc Tokyo, nơi nổi tiếng có chùa Asakura lớn nhất thủ đô và tháp truyền hình Sky Tree cao nhất thế giới. Bên ngoài cổng vào chùa Asakusa tập trung rất nhiều nhóm thanh niên làm nghề kéo xe, đa phần trong số họ là sinh viên đi làm thêm. Mỗi nhóm người kéo xe mặc quần áo theo các kiểu khác nhau, nhưng rất dễ dàng nhận ra họ bởi cách ăn mặc khác người. Có người đội nón rộng vành, trông như Ninja. Ngay cả trong thời tiết giá lạnh họ cũng chỉ mặc mỗi chiếc áo và quần ngắn. Giá của một chuyến xe tùy thuộc vào thời gian bao lâu, nhưng nói chung là rất đắt. Giá cao nhất cho 2 người đi trong 180 phút quy ra tiền Việt là 10 triệu đồng. Khách có thể trả bằng các loại thẻ tín dụng khác nhau. Xe kéo tay là nét đẹp rất khác biệt của du lịch Nhật Bản, bởi ở một đất nước mà mọi thứ đều được máy móc hóa, thậm chí phải nhập khẩu lao động nước ngoài ồ ạt để phục vụ sản xuất, nhưng vẫn tồn tại những người kéo xe tay.

Nguyễn Trần Tâm 

>> Tìm thấy thi thể du khách mất tích tại biển Cô Tô
>> Du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng
>> Huế đón du khách thứ 1 triệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.