Khẩu khí là chính

02/09/2014 03:00 GMT+7

Mặc dù đang can thiệp vào Iraq nhưng Mỹ vẫn thú nhận là hiện vẫn chưa có được chiến lược rõ ràng để đối phó lực lượng Hồi giáo cực đoan, trước mắt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 1.9 đã công bố chiến lược ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố. Về biểu hiện bên ngoài, ông Cameron dường như đã đi trước Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong thực chất, khoảng cách này nếu có thì cũng rất nhỏ bởi nội dung chiến lược được ông Cameron đưa ra với khẩu khí mạnh mẽ nhưng lại vừa không có gì mới về cơ bản, vừa không cụ thể.

Chiến lược của chính phủ Anh nhằm đối phó lực lượng Hồi giáo cực đoan chủ yếu nhằm ngăn chặn hoạt động khủng bố ở nước này chứ không phải nhằm vào IS ở Iraq hay Syria. Đó là khác biệt so với Mỹ. Những gì mà London dự tính với chiến lược mới gợi nhớ đến những gì mà chính quyền Washington định thực hiện tại Mỹ sau vụ khủng bố 11.9.2001 ở New York. Logic tư duy và cách tiếp cận đơn giản chỉ là siết chặt luật lệ về an ninh, bất kể phải hạn chế những quyền cơ bản của dân chúng. Cơ quan an ninh được trao quyền hành nhiều hơn và sâu rộng hơn, người dân bị bộ máy an ninh và hành chính nhà nước kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn, ngặt nghèo hơn.

Chiến lược mới chưa biết đẩy lùi nguy cơ từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan được đến đâu nhưng đã buộc dân chúng trên đảo quốc luôn phải ý thức rằng nước Anh và dân Anh đang là mục tiêu tấn công và cuộc chiến chống khủng bố chưa biết khi nào mới kết thúc với quốc gia này.

Thảo Nguyên

>> Mỹ điều tra vụ ảnh chụp cờ ISIL trước Nhà Trắng
>> ISIL dọa trả thù Mỹ
>> Bin Laden cũng kinh sợ ISIL
>> Các tay súng Hồi giáo cực đoan Iraq âm mưu ‘thánh chiến’ ở Trung Quốc
>> Hồi giáo cực đoan trỗi dậy tại Iraq

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.