Hé lộ cuộc đào thoát của lính Philippines

03/09/2014 09:00 GMT+7

Các binh sĩ Philippines đào thoát ngoạn mục khỏi cao nguyên Golan sau khi chống lệnh buông vũ khí của một chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Các binh sĩ Philippines đào thoát ngoạn mục khỏi cao nguyên Golan sau khi chống lệnh buông vũ khí của một chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

 Hé lộ cuộc đào thoát của lính Philippines
Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại cao nguyên Golan - Ảnh: Reuters

Thông tin chấn động trên được Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang công bố trong cuộc họp báo hôm qua. Trung tướng Catapang tố cáo chỉ huy Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại cao nguyên Golan (UNDOF) Iqbal Singh Singha đã yêu cầu những binh sĩ Philippines dưới quyền đầu hàng các tay súng nổi dậy Syria.

Bất tuân thượng lệnh

Theo AP, Mặt trận al-Nusra, nhóm nổi dậy Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda ở Syria đã tấn công vào các căn cứ của UNDOF và chiếm vị trí đóng quân của 45 binh sĩ người Fiji vào tuần trước. Nhóm này bắt họ làm con tin và tiếp tục uy hiếp 2 căn cứ do người Philippines kiểm soát. Các tay súng nổi dậy đe dọa tấn công nếu binh lính Philippines không hạ vũ khí.

Tướng Catapang cho biết ông chính là người chỉ huy cuộc đào thoát ngoạn mục của 40 binh sĩ Philippines khỏi vòng vây của quân nổi dậy Syria. Cụ thể, sau khi chỉ huy UNDOF Iqbal Singh Singha, người mang quốc tịch Ấn Độ, ra lệnh cho binh lính Philippines buông vũ khí và “giương cờ trắng” đầu hàng, lực lượng này đã từ chối tuân thủ và liên lạc về Manila để xin chỉ thị. Tướng Catapang đã trực tiếp ra lệnh cho các binh sĩ của ông tiếp tục chiến đấu mở đường máu. Kết quả là lực lượng này đã đào thoát sau 7 giờ giao tranh quyết liệt với quân nổi dậy Syria.

Theo AP, ông Singha lúc đó đang giám sát cuộc đàm phán với quân nổi dậy Syria nhằm giải thoát cho các binh sĩ Fiji bị bắt. Các binh sĩ Philippines được lệnh hạ vũ khí như một phần thỏa thuận để trả tự do cho những đồng nghiệp Fiji. “Ông ấy yêu cầu chúng tôi bỏ vũ khí và đầu hàng, nhưng tôi đã trả lời là không đời nào”, tướng Catapang được tờ Inquirer trích phát biểu trong cuộc họp báo. “Chúng tôi không có lỗi trong việc người Fiji bị bắt làm con tin. Tại sao ông ấy muốn cứu người Fiji bằng sinh mạng của người Philippines?”, ông Catapang phản ứng. Quân đội Philippines cho biết họ đã yêu cầu LHQ điều tra tướng Singha đồng thời chỉ thị cho chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Philippines thuộc UNDOF từ chức để phản đối. 

Bãi chiến trường Golan

Cao nguyên Golan là vùng đất rộng lớn bị Israel chiếm sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Kể từ đó, Israel và Syria liên tục giao tranh để giành lấy cao nguyên này cho đến khi đình chiến năm 1974. Thực tế, UNDOF, với hơn 1.200 quân từ 6 quốc gia, không giám sát cả cao nguyên mà chỉ cai quản một vùng rộng 70 cây số vuông kéo dài từ núi Hermon gần biên giới với Li Băng đến biển Yamouk gần biên giới với Jordan. Hơn 330 quân Philippines đóng trú ở Căn cứ 68 và 69 theo sứ mệnh của LHQ.

Hồi tháng 3.2013, 21 lính Philippines thực hiện sứ mệnh của LHQ tại đây từng bị quân nổi dậy ở Syria bắt giữ. May mắn là sau đó tất cả được phóng thích an toàn. Điều này có thể phần nào giải thích phản ứng của Manila vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, LHQ cũng như tướng Singha vẫn chưa có phản ứng hay giải thích về tố cáo của phía Philippines.

Theo giới quan sát, câu chuyện đào thoát của binh lính Philippines làm nảy sinh mâu thuẫn giữa sứ mệnh của LHQ và lợi ích của nước thành viên cử lực lượng tham gia, đồng thời châm ngòi cho cuộc tranh cãi về cơ cấu chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Cụ thể, lực lượng các nước dễ dàng trở thành mục tiêu của nhóm cực đoan hay quân nổi dậy khi tham gia gìn giữ hòa bình, đặc biệt là khi nước đó bị xem là đứng về một phía trong cuộc giao tranh. Những nguy cơ này khiến nhiều nước thành viên quyết định rút quân khỏi UNDOF từ nhiều năm qua. Philippines cũng có kế hoạch rút quân khỏi cao nguyên Golan vào tháng 10.2014. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng CH Ireland hôm qua kêu gọi LHQ xem xét lại công tác gìn giữ hòa bình ở Golan vì cho rằng nhiệm vụ này không còn phù hợp với tình hình thực địa. Ireland cũng là nước góp quân cho UNDOF và các binh sĩ Ireland đã tham gia giải cứu các đồng nghiệp Philippines vào cuối tuần qua. Bộ trưởng Quốc phòng CH Ireland Simon Coveney nói rằng cao nguyên Golan hiện nay không còn là một vùng phi quân sự mà đã trở thành bãi chiến trường. Do vậy, sứ mệnh giám sát việc ngừng bắn hiện nay đã không còn phù hợp.

Quân nổi dậy Syria đưa ra yêu cầu

 Tư lệnh quân đội Fiji Mosese Tikoitoga hôm qua cho biết các tay súng của Mặt trận al-Nusra (có quan hệ với al-Qaeda) đã đưa ra 3 yêu cầu để trả tự do cho 45 binh sĩ Fiji bị bắt cóc ở cao nguyên Golan:

- Muốn được LHQ đưa ra khỏi danh sách khủng bố.

- Muốn LHQ cung cấp viện trợ nhân đạo cho một thị trấn ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.

- Bồi thường cho cái chết của 3 tay súng nổi dậy vốn thiệt mạng khi giao tranh với lực lượng LHQ. Trong khi đó, những tường thuật chưa được xác nhận của truyền thông Fiji tiết lộ al-Nusra còn đòi trả tự do cho Abu Mussab al-Suri, một chỉ huy al-Qaeda bị bắt ở Pakistan năm 2005 và hiện bị nhà chức trách Syria giam giữ. Chuẩn tướng Tikoitoga cho biết LHQ đã cử một nhóm điều đình đến cao nguyên Golan để đàm phán về việc trả tự do cho các binh sĩ Fiji.

Minh Quang

>> Cuộc đào thoát ngoạn mục của lính Philippines
>> Binh sĩ Philippines đào thoát như phim khỏi phiến quân Hồi giáo Syria
>> Philippines phát hiện xe chứa bom tại sân bay
>> Một phụ nữ cầm súng xông vào dinh tổng thống Philippines  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.