Cụt tay vẽ áo dài cho hoa hậu

02/09/2014 02:20 GMT+7

Mới mở mắt chào đời, sự an bài của số phận đã không mỉm cười với Nguyễn Hồng Lợi khi anh bị dị tật bẩm sinh: trong tứ chi thì chỉ còn cánh tay trái là lành lặn. Vậy mà từ cánh tay này, Hồng Lợi đã vươn lên và vươn cao!

Mới mở mắt chào đời, sự an bài của số phận đã không mỉm cười với Nguyễn Hồng Lợi khi anh bị dị tật bẩm sinh: trong tứ chi thì chỉ còn cánh tay trái là lành lặn. Vậy mà từ cánh tay này, Hồng Lợi đã vươn lên và vươn cao!

Hồng Lợi đang vẽ mẫu áo dài - Ảnh: Ngọ Văn 
Hồng Lợi đang vẽ mẫu áo dài - Ảnh: Ngọ Văn

Hồng Lợi kể rằng vì nhà nghèo nên anh được bố mẹ gửi vào làng Hòa Bình (thuộc Bệnh viện Từ Dũ) từ hồi 5 tuổi (anh sinh năm 1987). Đây là cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị trẻ khuyết tật, nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Tại đây, Hồng Lợi được ăn, học, vui chơi và lớn lên thành người… Vì vậy, sau này khi đã thành tài, anh vẫn tự nguyện xin ở lại làng Hòa Bình để giúp đỡ những em nhỏ như để trả ơn nơi mình được cưu mang. Hồng Lợi dạy bơi, dạy vẽ cho các em, khuyến khích họ đến với thể thao và nghệ thuật để sống vui, sống có ích hơn…

Từ bé, Hồng Lợi đã mê vẽ dù lúc đầu chỉ nguệch ngoạc bằng tay trái nhưng rồi nét vẽ cũng cứng cáp dần… Lớn lên, trên dòng đời xuôi ngược, Hồng Lợi thường dừng chân rất lâu trước những cửa hàng bán tranh, để ngắm cho thỏa những màu sắc và đường nét. Và rồi duyên phận đưa đẩy, trong một buổi triển lãm hội họa mang tên Bên đời có em, tổ chức tại TP.HCM năm 2005, Hồng Lợi may mắn được gặp họa sĩ Sĩ Hoàng - nhà thiết kế thời trang, đặc biệt trong lĩnh vực làm đẹp thêm cho chiếc áo dài truyền thống VN.

Như có một điều gì đó thôi thúc, Hồng Lợi đánh liều ngỏ lời xin được vào học việc trong cơ sở thiết kế áo dài của Sĩ Hoàng. Anh cũng không ngờ rằng lời đề nghị của mình được Sĩ Hoàng gật đầu ngay. Sau 3 năm thực tập, Hồng Lợi mới được thầy tin tưởng giao cho vẽ chiếc áo dài đầu tiên. Đến nay, anh là một trong những cây cọ chủ lực của xưởng thiết kế áo dài của Sĩ Hoàng. Mỗi chiếc áo dài, Hồng Lợi phải mất từ 2 - 4 ngày để hoàn thành bởi cần phải thật tinh tế trong cách phối màu và kiên trì, chăm chút từng nét vẽ… Một kỷ niệm khó quên trong nghiệp vẽ của Hồng Lợi là vào năm 2008, khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Nha Trang, cơ sở Sĩ Hoàng được mời vẽ áo dài cho hoa hậu các nước và Hồng Lợi được thầy tin tưởng giao thực hiện chiếc áo dài dành cho hoa hậu Hàn Quốc. Sau 4 ngày miệt mài, tác phẩm của học trò đã khiến ông thầy vốn khó tính rất hài lòng.

Kình ngư… một tay

Ngoài nghệ thuật, Hồng Lợi còn một đam mê không cưỡng lại được, đó là bơi lội. Dù bị cụt hai chân và chỉ còn cánh tay trái lành lặn nhưng từ nhỏ Hồng Lợi đã kiên trì tập bơi. Với thể trạng cá biệt nên anh không thể tìm thấy sách vở nào dạy bơi, cũng chẳng có huấn luyện viên nào cả, anh cứ một mình lặng lẽ với làn nước xanh, để rồi… dậy sóng.

Cái sự “dậy sóng” của Hồng Lợi bắt đầu từ năm 2009, khi anh chính thức trở thành vận động viên tham gia các hội thi thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế. Tính đến nay, Hồng Lợi đã thâu tóm được 8 HCV, 9 HCB qua 6 lần hội thi trong nước (Quảng Trị, Đà Nẵng, TP.HCM…). Mới đây nhất tại Cần Thơ, tháng 7.2014, anh đoạt 3 HCV ở các cự ly 100 m, 200 m, 400 m tự do nam) và 1 HCĐ tại ASEAN Para Games VII, Myanmar tháng 1.2014.

Với Hồng Lợi, vẽ áo dài là để tự nuôi dưỡng tâm hồn còn thể thao (cụ thể là bơi lội) là để giữ gìn sức khỏe. Cả hai bộ môn này đã giúp cho đời sống của anh thêm phong phú, có nhiều bạn bè để cùng chia sẻ, quan tâm đến cuộc sống của nhau, được đi nhiều nơi không chỉ trong nước mà còn ra hải ngoại. “Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, không chỉ tự lo liệu cho mình mà còn có thể giúp đỡ gia đình”.

Bén duyên điện ảnh

Hồng Lợi luôn khiến người đối diện phải chú ý bởi sự lém lỉnh, lạc quan và chính những yếu tố này đã tạo ra những bước ngoặt trong cuộc đời của Hồng Lợi. Một trong những người bạn thân của Hồng Lợi là diễn viên trẻ Nguyễn Thúy Nga, và qua người bạn này Hồng Lợi đã có duyên gặp gỡ đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo.

Thế rồi đạo diễn mời Hồng Lợi vào vai thám tử “Sáu sầu đời” trong bộ phim hài Chuyện xứ dừa. Bỗng chốc trở thành “tài tử xi nê”, Hồng Lợi rất vui nhưng khoái nhất là thỉnh thoảng “bị” khán giả nhận mặt, gọi anh là “Sáu sầu đời”.

Sau Chuyện xứ dừa, đạo diễn Việt Bảo lại mời Hồng Lợi góp mặt trong bộ phim Truy đuổi. Hồng Lợi kể: “Tôi vào vai thằng bụi đời cùng đám bạn làm đủ mọi việc, từ bán vé số đến bán phim sex để kiếm tiền giúp trẻ mồ côi. Vai diễn này khiến tôi nhớ lại thuở nhỏ từng đi bán vé số, thích nhất là tên Minh “cụt” bởi Cụt cũng chính là tên tôi. Nơi đóng phim là chân cầu Thủ Thiêm lại rất gần nhà tôi nên tôi diễn rất cảm xúc”. Anh nói thêm: “Tôi thường được gọi là Cụt vì dị tật bẩm sinh. Nhiều người ngại gọi Cụt vì sợ tôi buồn. Nhưng tôi nói “Đừng ngại, hãy cứ gọi tôi là Cụt” vì tôi thích thế”.

Hà Đình Nguyên

>> 11 nữ họa sĩ VN trưng bày tranh ở triển lãm quốc tế
>> Cô bé khuyết tật ước mơ thành họa sĩ thiết kế
>> Họa sĩ không tay chân
>> Đại tướng trong lòng một họa sĩ
>> Tiếng nói của họa sĩ về chủ quyền biển đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.