Đến hẹn lại ùn tắc, 'chặt chém'

31/08/2014 02:22 GMT+7

Kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày vừa bắt đầu, nhưng đến hẹn lại lên, nghỉ lễ gắn với những thông tin kém vui về tình hình đi lại khó khăn, kẹt đường, nhà xe nhồi nhét khách, tai nạn giao thông tăng và tình trạng “chặt chém” tại các khu du lịch.

Còn nhớ, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết đợt nghỉ lễ 30.4 vừa rồi, cả nước xảy ra 224 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 117 người, bị thương 151 người. Trung bình mỗi ngày xảy ra 45 vụ TNGT, 23 người chết, 30 người bị thương là con số quá khủng khiếp. Còn tại các đô thị lớn, hành khách bị các nhà xe nhồi nhét, tăng giá vé vô tội vạ, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ không thuyên giảm. Tình trạng tăng giá phòng nghỉ gấp 4 - 8 lần, “chặt chém” tại các nhà hàng, giá trông giữ xe tại các điểm vui chơi, giải trí cũng được phản ánh ở hầu hết các điểm đến trong nước.

Đến hẹn lại lên, cứ chuẩn bị lễ, tết, chính quyền từ T.Ư đến địa phương lại điệp khúc  “chấn chỉnh”, “yêu cầu”, “tăng cường” nhằm kiểm soát các nguy cơ ùn ứ, TNGT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng hiệu quả của những biện pháp quản lý này cũng không cao.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, tập trung trong thời gian ngắn, khiến hạ tầng giao thông gồm cầu đường, bến xe, xe khách... bị quá tải, ùn tắc và tai nạn xảy ra; thì thực sự, nguyên nhân chủ quan, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của nhiều người chưa tốt cũng góp phần không nhỏ. Không hiếm người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu quan sát, gây tai nạn. Chưa kể có nhiều khách đi xe lại có thói quen không mua vé tại các bến xe, mà đứng ở các nút giao thông trên đường quốc lộ để bắt xe khách, tạo cơ hội cho các nhà xe bắt chẹt, nâng giá vé.

Nhưng cũng có một thực tế rằn: tất cả những nguyên nhân thuộc về chủ quan ấy, có thể được giảm thiểu đáng kể nếu như bên cạnh hoạt động tuyên truyền, công tác quản lý được làm chặt, xử lý nghiêm. Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng lơi lỏng (vô tình hoặc cố ý), nên các nhà xe mới dễ dàng qua mặt, bắt chẹt khách. Do không có biện pháp, tình trạng xử lý không đến nơi đến chốn của cơ quan chức năng, nên không ít người kinh doanh, phục vụ ở những khu du lịch vẫn coi dịp nghỉ lễ là “cơ hội làm ăn”. Người ta sẵn sàng "chém” khách mà không một chút băn khoăn, không bao giờ nghĩ là mình đang thực hiện một hành vi sai trái, trong một xã hội đề cao văn minh thương mại.

Khắc phục tình trạng cứ đến ngày lễ, ngày tết là "nhồi nhét", "chặt chém" hành khách tuy khó, nhưng không phải không làm được. Nếu quyết tâm, chính quyền hoàn toàn có thể trị tận gốc, với sự phối hợp chặt chẽ liên ngành. Chuyện chính quyền ra tay dẹp yên nạn chèo kéo khách, xóa bỏ tâm lý “làm 3 tháng ăn quanh năm” nặng nề ở Sầm Sơn, Thanh Hóa trong mùa hè này là bằng chứng cho thấy rất rõ điều đó. 

An Nguyên

>> Nghỉ lễ 2.9 dài ngày, bến xe tại TP.HCM chật kín khách
>> Ùn ùn về quê nghỉ lễ, bến xe kẹt cứng người
>> Khu du lịch, nghỉ dưỡng 'cháy' phòng trong dịp nghỉ lễ 2.9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.