Tiễn hoa về rừng

31/08/2014 02:00 GMT+7

Người Thái vùng Tây Bắc có điệu múa dân gian “quắt bó héo”, nghĩa là tiễn hoa về rừng. Điệu múa này thuộc sinh hoạt hội lễ mùa xuân, mùa của hoa ban trắng. Ban là hoa của rừng, ngày hoa tàn là ngày người ta làm lễ tiễn hoa.

Có dân tộc nào ứng xử với thiên nhiên, đặc biệt đối với hoa như người Thái? Tôi có lần bị bệnh, một bà người Sán Chay (còn gọi là người Trại, để chỉ dân ở ven đồi núi mà không thành làng như người Kinh) lấy thuốc cho. Sau khi trả tiền công lấy thuốc, bà bảo tôi mang theo bơ gạo, chén muối đem ra rắc dưới gốc cây thuốc để trả lễ gốc.

Cây thuốc ở ven rừng, hằng ngày mình đi qua trông thấy mà không biết. Cây có đòi gì đâu, nhưng người thầy thuốc dân gian cũng cẩn trọng thực hiện đầy đủ lễ nghi trọng thị. Một cụ già người H’Mông nói với tôi, khi chọn đất dựng nhà, họ đào một cái lỗ trên mảnh đất dự kiến chọn làm nền rồi bỏ vào đó mấy hạt gạo, gài mấy cái que, bứt vài lá cây phủ lên rồi rắc ít đất cho kín. Ba ngày sau mở ra hạt gạo không bị con kiến con bọ tha mất, vẫn nguyên vị trí, thì đó là đất tốt có thể ở được. Đó là người ta hỏi đất xem lành hay dữ. Con người phải biết khiêm nhường trước thiên nhiên như thế thì thiên nhiên sẽ cho cùng tồn tại.

Lại vào mùa xuân, dân tộc Dao làm lễ mở cửa rừng, đóng cửa rừng rất thiêng liêng. Lễ cúng bày ở ngoài rừng, có xôi, có rượu thịt bánh trái. Đằng sau những nghi thức mà thời cách mạng người ta cứ trông thấy lễ lạt hương khói là vội quy kết mê tín ấy, là lòng biết ơn vô hạn với mẹ rừng đã cung cấp cho họ vật dụng, cho con người cái cây làm nhà, giang nứa lợp mái, cây rau để ăn, cây thuốc để chữa bệnh và muông thú làm thực phẩm...

Để giáo dục con cháu lòng yêu kính xứ sở cho họ nguồn sống, cho con người nguồn vui người ta có những hình thức tín ngưỡng. Giáo dục con người không bằng những chỉ bảo suông mà lặn vào trong nghi lễ mà bề ngoài nếu không tường tận sẽ chẳng hiểu gì hết. Chúng ta sai lầm một thời tưởng cái gì cũng chỉ giải quyết bằng mệnh lệnh, bằng nghị quyết, cậy có sức mạnh tập hợp quần chúng muốn làm gì thì làm. Đó là thứ tư duy nông nổi. Những nghĩa cử con người với thiên nhiên làm cho con cháu nhớ truyền đời để mà giữ lấy nguồn sống cho mình đâu phải tự dưng mà có. Đó là kết quả của sự trải nghiệm để trở thành phong tục, tập quán, là cái gốc của sự tồn tại.

Ngày nay, con người quen dựa vào sức mạnh làm ra đồng tiền, nhìn rừng là nhìn thấy cái vơ vét, bất chấp đạo lý. Thấy ăn được là ăn, thấy cướp được là cướp, bất chấp đạo lý thì thiên nhiên trả hận bằng nắng hạn và lụt lội. Quy luật tự nhiên là vậy. Cán bộ được đào tạo đều ôm sách học nhưng chẳng mấy khi thuộc lúc thực hành, nên sự đời mới trở nên hỗn loạn.

Kiến thức tiền nhân tổng kết đang nằm trơ trên giấy, vì đồng tiền hoặc vì cái lợi nhỏ mọn người ta làm tất cả để vơ về mình... Khi người ta tranh nhau làm giàu mà quên đi luật nhân quả thì sớm muộn cũng phải trả giá.

Quắt bó héo - tiễn hoa về rừng, cái thời ấy đâu rồi, đã xa vào dĩ vãng mãi mãi chăng?  

Đỗ Đức

>> Rung chuông vàng để bảo vệ rừng
>> Nhiều đảng viên vi phạm quản lý bảo vệ rừng
>> Bảo vệ rừng ven biển, đầm phá Hương Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.