Nỗi lòng... chuyển giới - Kỳ 5: Những công dân 'bốn không'

30/08/2014 03:00 GMT+7

Ngoài những người chuyển giới hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không ít thanh thiếu niên đường phố là người đồng tính, chuyển giới lo âu về tình trạng không có giấy tờ tùy thân, không việc làm, không nơi tạm trú, không được đi học.

>> Nỗi lòng... chuyển giới - Kỳ 4: Muôn trùng khổ ải khó nói
>> Nỗi lòng... chuyển giới - Kỳ 3: Ngực đẹp nhưng không được đụng
>> Nỗi lòng... chuyển giới - Kỳ 2: Những cơn đau buốt óc

 Nỗi lòng... chuyển giới - Kỳ 5: Những công dân
Ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài - Ảnh: NV cung cấp

Bị xem như “công dân hạng hai”

Trong diễn đàn “Làm thế nào để tiếp cận các dịch vụ xã hội?” diễn ra ngày 23.8 (do Khoa Công tác xã hội - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức), chị Nguyễn Lý Hiền Nga, cán bộ dự án Quản trị quyền trẻ em thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết đầu tháng 8.2014, dự án này đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ đối với những thanh thiếu niên đường phố là người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) tại công viên 23.9 và công viên Phú Lâm, TP.HCM. Kết quả cho thấy các thanh thiếu niên này thường xuyên phải đối diện với tình cảnh “bốn không” phổ biến: không việc làm; không giấy tờ tùy thân; không nhà ở, nơi tạm trú; không được đi học. Bên cạnh đó, họ còn bị ngược đãi, bị cộng đồng kỳ thị…

Trước đó, tại diễn đàn “Chúng em cần có chứng minh nhân dân” (CMND) cũng do hai đơn vị trên tổ chức vào tháng 6.2014, một thanh niên đường phố tên H. bộc bạch: “Chúng em không có giấy tờ tùy thân nên phải thuê nhà trọ lụp xụp; không xin được việc làm. Do vậy, không ít người đã phải làm những việc trái pháp luật để kiếm sống”.

Đồng cảm với những hoàn cảnh tương tự H., tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga (Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), tâm tư: “Do thiếu giấy CMND, những thanh thiếu niên đường phố này bị đối xử như “công dân hạng hai”. Bởi lẽ, họ không thể có được quyền lợi tối thiểu của mình khi sử dụng những dịch vụ xã hội cơ bản như: thuê nhà, mua sắm một số tài sản có giá trị và cần thiết như xe gắn máy, đi máy bay…”. Cũng theo tiến sĩ Nga, do không có giấy CMND để xuất trình khi cần thiết, nên họ dễ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

 Nỗi lòng... chuyển giới - Kỳ 5: Những công dân
Một số thanh thiếu niên LGBT đăng ký tìm việc làm tại gian hàng của Saigon Children’s Charity - Ảnh: Như Lịch

Để người đồng tính, chuyển giới hòa nhập

Trong diễn đàn “Chúng em cần có CMND”, ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài kể về quá trình làm CMND khá đặc biệt của mình. Cô trải lòng: “Từ những năm 14 tuổi cho đến 16 tuổi, tôi không dám đi làm CMND vì nghĩ rằng mình nam không ra nam, nữ không ra nữ. Tuy nhiên, sau đó tôi nhận thấy phải có CMND mới có được quyền nhân thân”.

Trên thực tế, nhiều người chuyển giới cho rằng họ rất cần thay đổi về giấy tờ để xác nhận giới tính thật sau khi đã phẫu thuật chuyển giới. Bởi nếu không, họ còn gặp rất nhiều trở ngại trong kết hôn, nhận con nuôi, thừa kế, phân chia tài sản...

Còn người mẫu, diễn viên Lan Phương thì tâm sự: “Việc mang ngoại hình phụ nữ nhưng giấy tờ lại là đàn ông khiến những người chuyển giới như chúng tôi hết sức bất lợi. Như trước đây khi tôi đi xin việc hoặc làm bất cứ việc gì liên quan đến giấy tờ thì đều bị xét nét. Cá nhân tôi không mong gì hơn ngoài việc cho chúng tôi được mang tên đúng với ngoại hình của mình và mong xã hội sẽ quan tâm, đón nhận chúng tôi như những công dân bình thường”. 

Tín hiệu vui cho người chuyển giới 

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế Bộ Tư pháp, cho biết các vấn đề pháp lý liên quan đến người chuyển giới đã được bộ này đề cập từ nhiều năm nhưng còn rất vướng bởi liên quan đến nhiều quy định pháp luật nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nếu sửa đổi phải mang tính hệ thống. Một trong những tín hiệu vui cho người chuyển giới trong dự thảo sửa đổi bộ luật Dân sự năm 2005 do Bộ Tư pháp chủ trì đã đưa ra quy định cho phép thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 tới đây.

Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) Bộ Công an, cho biết trong thời gian qua đã có một số địa phương thắc mắc về những trường hợp cấp CMND và đã được Cục hướng dẫn. Theo đó, về nguyên tắc người được cấp giấy CMND bắt buộc phải có giấy khai sinh. Đối với các trường hợp trẻ em đường phố nếu nằm trong diện quản lý của các tổ chức bảo trợ xã hội thì phối hợp với cơ quan tư pháp tại địa phương làm giấy khai sinh, sau đó cơ quan công an sẽ tổ chức cấp giấy CMND. Đại tá Vũ Xuân Dung nói việc làm CMND cho các trường hợp đồng tính, song tính hay chuyển giới hiện rất phức tạp vì chưa có các chế tài, quy định pháp luật nào điều chỉnh, nếu ghi đúng theo thông tin trên giấy khai sinh thì người được làm không muốn nhưng nếu ghi không đúng lại phạm luật.

Thái Sơn

Như Lịch - Ngọc Bi

>> Người đồng tính, chuyển giới vẫn còn bị kỳ thị
>> Người mẫu chuyển giới đẹp mê ly nhưng... thất sủng
>> Ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài: 'Thấy mình là nữ, như vậy là đủ
>> Video clip: Người chuyển giới nhọc nhằn mưu sinh 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.